Mỹ cấm chia sẻ thông tin tình báo nào cho Ukraine?

21/05/2022 08:50 GMT+7

Mỹ đã xây dựng quy định về chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine nhằm giúp Washington có lý lẽ phủ nhận chính đáng khi cung cấp thông tin tình báo để quân đội Ukraine có thể tấn công các lực lượng Nga.

Các quan chức Mỹ giấu tên gần đây hé lộ thông tin này cho tờ The Washington Post, sau khi một số báo Mỹ đưa tin về việc Mỹ can dự vào cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

The Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ và Ukraine nói rằng Washington đang cung cấp cho Kyiv thông tin thời gian thực về vị trí và chuyển động của các lực lượng Nga, bao gồm ảnh vệ tinh và thông tin tình báo từ những nguồn "nhạy cảm".

Một quan chức Ukraine nói các thông tin này giúp lực lượng Ukraine biết quân Nga ở đâu để tấn công.

Đến đầu tháng 5, một số quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với báo giới rằng nhờ thông tin tình báo Mỹ mà quân đội Ukraine đã tấn công nhiều tướng lĩnh Nga, thậm chí bắn chìm kỳ hạm Moskva của Nga.

Hôm 6.5, Đài NBC News đưa tin đích thân Tổng thống Biden phải yêu cầu cả CIA và Lầu Năm Góc ngừng tiết lộ các thông tin như vậy cho truyền thông ,và nói hành động này phản tác dụng.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Vyacheslav Volodin đã cho rằng với việc “can thiệp” nói trên, Mỹ đang tham gia trực tiếp vào chiến sự tại Ukraine.

Trả lời tờ The Washington Post, các quan chức cho rằng về mặt kỹ thuật thì Mỹ chưa vượt qua lằn ranh đỏ.

Những thông tin tình báo mà Mỹ cung cấp đã giúp ích rất nhiều cho quân đội Ukraine

ẢNH: BUSINESS INSIDER

Theo đó, Nhà Trắng đã cấm chia sẻ hai loại thông tin tình báo. Thứ nhất là "thông tin chi tiết có thể giúp Ukraine tấn công các nhân vật lãnh đạo của Nga, chẳng hạn như các sĩ quan quân đội cấp cao nhất hoặc các bộ trưởng". Loại bị cấm thứ hai bao gồm bất kỳ thông tin nào liên quan đến các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, nhằm tránh việc Mỹ can dự vào những cuộc tấn công của Ukraine trên đất Nga.

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói với tờ The Post rằng Mỹ không có ý định “chủ động giúp Ukraine tấn công các tướng lĩnh Nga”.

Vì vậy, nếu Mỹ phát hiện một vị tướng cụ thể tại một địa điểm nào đó, Mỹ sẽ không nói với Ukraine điều này - nhưng sẽ chia sẻ thông tin về vị trí của các sở chỉ huy và kiểm soát, nơi các tướng lĩnh cấp cao của Nga có khuynh hướng sẽ xuất hiện.

Theo cách giải thích này thì nếu Ukraine sau đó có lựa chọn tấn công một cơ sở như vậy và qua đó làm thiệt mạng viên tướng Nga thì về mặt kỹ thuật, Mỹ đã không "nhắm mục tiêu" vào các tướng lĩnh Nga và coi như tay không bị vấy máu.

Các diễn giải tương tự cũng được Lầu Năm Góc đưa ra trong tình huống được cho là vụ tấn công tàu Moskva. Giới quan chức Mỹ chỉ nói rằng tình báo nước này đã giúp Ukraine “xác định danh tính con tàu” và việc chọn lựa tấn công là do phía Ukraine quyết định.

Theo phía Ukraine và Lầu Năm Góc, tuần dương hạm Moskva sau đó bị trúng 2 quả tên lửa Neptune do Ukraine bắn. Trong khi đó, Nga chỉ nói rằng tàu bị hư hại trong một vụ nổ đạn trên boong tàu và sau đó bị đắm trong thời tiết bão.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.