Mỹ vượt mốc 60.000 ca tử vong, Covid-19 sắp làm nhiều người chết hơn cúm mùa
30/04/2020 09:31 GMT+7
Theo cổng thông tin Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 30.4.2020, toàn thế giới đã có 3.187.030 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 , với 227.247 ca tử vong và 971.472 bệnh nhân hồi phục.
Tự động phát
Số ca tử vong tại Mỹ vì virus corona gây dịch Covid-19 đã vươt mốc 60.000 người với ít nhất 1.037.970 trường hợp nhiễm trên toàn quốc, và đợt bùng phát này sẽ sớm trở nên nguy hiểm hơn bất kỳ mùa cúm nào kể từ năm 1967.
Mùa cúm tồi tệ nhất nước Mỹ trong những năm gần đây là vào giai đoạn 2017-2018 khi có hơn 61.000 người chết, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Mùa cúm chết người nguy hiểm hơn là vào năm 1967 khi có khoảng 100.000 người Mỹ chết, năm 1957 với 116.000 người chết và cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến 675.000 người tử vong, theo CDC.
|
Theo thống kê, Mỹ có số người chết do dịch Covid-19 cao nhất thế giới và trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 người chết trong tháng 4. Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vào ngày 29.2, tuy nhiên xét nghiệm gần đây ở bang California cho thấy cái chết đầu tiên có thể là vào ngày 6.2, và virus có thể đã lưu hành nhiều tuần trước đó.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch tăng tốc phát triển vắc-xin Covid-19 với mục tiêu 100 triệu liều sẽ sẵn sàng được tiêm cho người dân vào cuối năm 2020, theo một quan chức chính quyền cấp cao cho biết hôm 29.4.
|
Chuyển sang châu Âu, tính đến sáng 30.4, ít nhất 26.166 người đã chết trên khắp Vương quốc Anh sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19. Điều đó có nghĩa là nước này đã vượt qua Pháp và Tây Ban Nha, trở thành quốc gia có số người chết chính thức cao thứ hai ở châu Âu chỉ sau Ý.
Các số liệu mới cũng khẳng định vị trí của Anh trong số các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 với ít nhất 166.441 trường hợp nhiễm bệnh.
Chính phủ do Thủ tướng Boris Johnson điều hành đã vấp phải sự chỉ trích từ các đảng đối lập vì phản ứng quá chậm trễ trong việc áp dụng lệnh phong tỏa cũng như thực hiện xét nghiệm hàng loạt cho người dân.
|
Chính phủ Anh đặt mục tiêu tiến hành 100.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Dominic Raab hôm 29.4 cho biết số lượng xét nghiệm thực tế hằng ngày được thực hiện trong 24 giờ qua chỉ vào khoảng 52.429.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Y tế Anh Jonathan Van-Tam cảnh báo rằng có nguy cơ làn sóng lây nhiễm virus thứ hai nếu các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ quá nhanh. Ông nói thêm rằng Đức đang chứng kiến sự hồi sinh trong các vụ lây nhiễm và phải đối mặt với những quyết định khó khăn sau khi nới lỏng một số biện pháp phong tỏa tại nước này.
|
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết số ca tử vong trong 24 giờ qua tại Ý đã tăng thêm 323 người, giảm đi so với con số 382 trong một 1 ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 27.682. Trong khi đó, số ca nhiễm mới hằng ngày ở mức 2.086, ổn định từ mức 2.091 trong hôm 28.4, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus được xác nhận chính thức, bao gồm những người đã chết và đã hồi phục, lên 203.591, số liệu thống kê toàn cầu cao thứ 3 sau Mỹ và Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 325 trường hợp tử vong do virus corona chủng mới trong 24 giờ qua, tăng từ con số 301 được báo cáo vào ngày hôm trước, nâng tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 lên 24.275. Số trường hợp được chẩn đoán mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 212.917, theo Bộ Y tế Tây Ban Nha.
|
Một quốc gia châu Âu khác cũng chịu thiệt hại nặng vì dịch Covid-19 đó là Pháp. Bộ Y tế nước này cho biết số ca tử vong đã tăng thêm 427 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 24.087, với tốc độ tăng nhẹ trở lại sau khi có đà giảm trong 1 ngày trước đó.
Số trường hợp nhiễm virus được xác nhận hiện đang ở mức 166.541, tăng thêm 1.607 trường hợp trong 24 giờ qua, theo Reuters. Con số này đã được điều chỉnh một ngày sau khi Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng Pháp sẽ không chấm phong tỏa trừ khi số ca mắc mới giảm xuống dưới 3.000 mỗi ngày.
Tại Nhật Bản, các nỗ lực phân phát khẩu trang vải phòng chống Covid-19 của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã bị phá hỏng theo sau những lời than phiền về tình trạng khẩu trang bị mốc, xuất hiện côn trùng và bị ố.
|
Vài ngày sau khi chính quyền Tokyo khởi động chương trình cung cấp mỗi hộ gia đình 2 khẩu trang giặt được với tổng chi phí 430 triệu USD, nhiều người cho hay khẩu trang mà họ nhận được toàn bị lỗi, trong đó có các lô hàng dành cho thai phụ.
Khoảng 500.000 khẩu trang chống Covid-19 gửi cho các thai phụ theo chương trình của chính phủ Nhật Bản đã bị phát hiện mắc lỗi, nhưng chưa rõ ở khâu nào trong quá trình sản xuất, vận chuyển. Bộ Y tế Nhật Bản chưa có phản hồi về thông tin trên, nhưng Bộ trưởng Katsunobu Kato cho hay toàn bộ khẩu trang đều được kiểm định độ an toàn.
|
Tính đến ngày 29.4, Đài NHK dẫn thông tin từ bộ y tế nước này cho biết số ca Covid-19 tại Nhật Bản đã lên đến 13.895, với 413 ca tử vong (chưa tính du thuyền Diamond Princess).
Trong khi đó, tại Singapore, quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế đã xác nhận có thêm 690 ca nhiễm virus corona trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.641. Hầu hết các trường hợp mới là những người lao động nhập cư sống trong ký túc xá ở thành phố với điều kiện sống tồi tàn, chật hẹp. Hiện số ca tử vong tại đảo quốc sư tử vẫn là 14 người.
Bình luận (0)