Năm 2020, Thanh tra TP.HCM đã chuyển những vụ việc nào sang cơ quan điều tra?

12/01/2021 13:38 GMT+7

Trong báo cáo Thủ tướng về kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, UBND TP.HCM thông tin ngành thanh tra đã chuyển 13 vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.

Cụ thể, các vụ việc đã chuyển sang cơ quan điều tra bao gồm: thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty CP Vận tải Dầu khí Sài Gòn; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai về góp vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với mặt bằng tại nhà, đất số 14, đường Phú Châu (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức); thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã Thuơng mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Thanh tra TP.HCM cũng chuyển cơ quan điều tra sau khi có kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phong Phú tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh; vụ việc này chuyển từ năm 2019 sang.

Cung cấp tài liệu 6 vụ việc cho Bộ Công an

Đáng chú ý, liên quan đến đoàn thanh tra tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn, Thanh tra TP.HCM đã cung cấp tài liệu 6 vụ việc cho Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an.
Ngoài ra, Thanh tra TP.HCM cũng chuyển cơ quan điều tra về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp - In - bao bì Liksin, vụ việc này chuyển từ năm 2018 sang.
Ở cấp huyện, Thanh tra H.Hóc Môn chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra, bao gồm: thanh tra việc thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng liên quan công trình xây dựng tại ấp Thới Tây l, xã Tân Hiệp và thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Thanh tra TP.HCM đang kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc tại cảng Phú Định sang cơ quan điều tra

Ảnh: Sỹ Đông

Đối với một vụ việc kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, vụ việc này liên quan đến công tác cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ sau cổ phần hóa và thực hiện dự án Cảng Phú Định tại Công ty TNHH MTV Cảng sông TP.HCM (nay là Công ty CP Cảng Phú Định).
Trong năm 2020, Thanh tra TP.HCM đã thực hiện 225 cuộc thanh tra hành chính tại 509 đơn vị; qua đó, phát hiện 180 đơn vị có sai phạm, phát hiện vi phạm về tiền là 6.977 tỉ đồng, hơn 645 ha đất và 23 căn nhà; kiến nghị thu hồi 117 tỉ đồng, hơn 7,5 ha đất; kiến nghị xử lý khác 6.860 tỉ đồng, hơn 637 ha đất và 23 căn nhà.
Bên cạnh đó, thanh tra các sở ngành cũng thực hiện 9.934 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua đó xác định nhiều đơn vị có thiếu sót, sai phạm trên các lĩnh vực như: vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông vận tải, văn hóa thể thao, du lịch, y tế, công thương, xây dựng… Kết quả phát hiện vi phạm về tiền hơn 6,4 tỉ đồng, đã ban hành 10.714 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 79,8 tỉ đồng; các tổ chức, cá nhân đã nộp hơn 66,7 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2020, Thanh tra TP.HCM đã tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra 267 kết luận thanh tra, kiểm tra; đã thu hồi hơn 63 tỉ đồng (là kết quả thu hồi trong quá trình thanh tra hoặc ngay sau khi có kết luận thanh tra và kết quả kiểm tra, đôn đốc xử lý sau thanh tra), đã xử lý kỷ luật hành chính 93 tổ chức và 356 cá nhân.

Tỷ lệ thu hồi đạt 100%

UBND TP.HCM nhìn nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hoạt động thanh tra đã được triển khai linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn và đáp ứng kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM về công tác thanh tra, kiểm tra liên quan doanh nghiệp.
Về triển khai kế hoạch thanh tra, 100% các đoàn thanh tra theo kế hoạch năm 2020 đã được triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng; nội dung thanh tra đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng mục tiêu đề ra. Công tác giám sát tiếp tục được triển khai nghiêm túc nên trong năm 2020 toàn ngành thanh tra TP.HCM không phát sinh tiêu cực trong hoạt động thanh tra, tỷ lệ thu hồi sau thanh tra đạt 100% với tổng số thu hồi hơn 83,8 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, chất lượng kết luận thanh tra đáp ứng mục tiêu “kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh vi phạm và tăng cường kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, các đơn vị, tổ chức, nhà nước và góp phần khắc phục những bất cập, thiếu sót trong quản lý nhà nước”.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM nhìn nhận trong năm 2020 vẫn chưa khắc phục được tồn tại trong việc vi phạm thời hạn luật định về phê duyệt, ban hành kế hoạch thanh tra tại một số đơn vị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.