Nam kỳ ngao du: Ăn chơi ở Chợ Lớn

04/09/2022 07:30 GMT+7

Trà được bày mẫu trong các ấm, và tách trà có đĩa lót vừa để dùng làm nắp đậy. Khi uống, người ta khẽ gạt nhẹ nắp.

Như thế trà sẽ không mất đi mùi thơm. Tôi ngửi bốn, năm loại trà và hoa trà. Nhưng khẩu vị của tôi vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa chúng.

Chúng tôi dùng bữa tối. Vi cá mập sốt cua, da vịt quay giòn, củ cải trộn giăm bông, lợn sữa quay giòn, nấm Bắc Kinh xào lưỡi vịt, bồ câu độn thịt nướng, cơm rang giăm bông…

Tôi ngồi giữa hai Hoa kiều, một thanh niên và một ông lão. Người thanh niên nói tiếng Pháp. Anh ta biết cả những từ khó…

Rue de Canton - một trong những con đường xưa ở Chợ Lớn, nay là đường Triệu Quang Phục

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Cuộc trác táng tư sản điển hình

Những con hát phục vụ đồ uống cho chúng tôi. Họ mặc quần dài trắng sọc, áo dài xẻ tà thêu hoa văn. Họ đi hài lụa. Tóc vén ra sau, tết bím, tóc mái phủ trước trán. Họ đánh phấn thoa son. Không thể biết họ mười bốn hay hai mươi tuổi. Họ là một đẳng cấp xã hội. Họ tụ tập trong một phòng tầng trệt, dưới sự điều hành của một mụ tú. Họ sống cùng nhau ở mấy lán nhà trên con hẻm kế bên, nơi mà cuối ngày người ta có thể thoáng thấy họ ăn vận, trang điểm. Họ học nhạc hồi mười hai tuổi. Lên mười bốn tuổi, họ được đem bán cho một người đàn ông Trung Hoa mua trinh với giá khoảng ba trăm đồng bạc. Nhưng thân phận của họ không giống như của gái mại dâm. Nói đúng hơn đời sống của họ như những diễn viên về già, hoặc nếu bạn thích, thì giống như đời sống của một vài nữ minh tinh được yêu chuộng nhất xứ ta.

Nhà hàng có nhiều phòng ngăn cách nhau bằng tấm vách nhưng không cao quá đầu người và có cửa xoay. Khắp nơi đều thấy người Trung Hoa chơi mạt chược. Họ đập quân bài lên bàn, nhưng đúng hơn là họ hạ chúng xuống. Tiếng vang của mạt chược trên nền gỗ trộn lẫn với tiết điệu chơi của nhạc công, tiếng đàn thập lục, giọng hát của ca sĩ. Nhưng ca nương còn có nhiệm vụ bầu bạn. Vì vậy, ở các nước Trung Âu, trong các hộp đêm, rất nhiều đào hát và vũ nữ sà vào bàn khách để mua vui [nguyên văn tiếng Đức: Unterhaltung und Gesellschaft]. Ở đây mỗi ca kĩ quạt cho một chàng chơi mạt chược. Cô này kín đáo dựa vào vai một chàng khác. Cô nọ ngồi lên đùi một ông già mặt mày kín bưng, sắc sảo và đẹp như mặt nạ điêu khắc cổ Trung Hoa. Một anh chàng Hoa kiều điềm nhiên nắm tay một đào hát. Anh ta không nhúc nhích một ly. Đôi mắt anh ta chẳng nhìn vào đâu cả. Anh ta dường như hoàn toàn để tâm vào cái đụng chạm này đến nỗi không ăn gì, không biết gì.

Các cô gái là trẻ con hay là hầu gái, đào hát? Tôi không biết. Họ không có tuổi. Họ trông rất đàn bà bởi dáng điệu chuẩn xác và hoàn mỹ. Nhưng sự khéo léo đó giống như búp bê hơn là trẻ con. Không thể nào so sánh họ với những đứa trẻ ở Âu châu, sống giữa đám gái điếm, hay những trẻ vị thành niên lang thang trên phố, hay những đứa con nít được các bố già bao nuôi. Những đào hát này không làm cho người ta thương hại lẫn xấu hổ.

Ngã tư Đồng Khánh - Tổng đốc Phương (Chợ Lớn), nay là ngã tư Trần Hưng Đạo B - Châu Văn Liêm

MANHHAI FLICKR

Tôi nhìn những người đàn ông được cô đào hát phục vụ, rót đồ uống, những người đàn ông nắm tay các cô, cho các cô ngồi lên đùi, hay khẽ vuốt ve đụng chạm. Đây là một nhà hàng đêm. Tôi nghĩ tới sự thô lậu của một chốn tương tự ở Âu châu. Sự khả ố trên những gương mặt, sự tầm thường của những tiếng cười, sự cuồng loạn của những la hét, sự thấp hèn của cảm xúc hay sự trụy lạc của hành vi nếu, trong đám đông được phục vụ có bàn tay đàn ông nào đó tìm kiếm thân thể một người phụ nữ. Cả đàn ông và cánh phụ nữ đều lả lơi nhau trong một cuộc trác táng tư sản điển hình. Nhưng “lả lơi” là thứ không thể chấp nhận. Không một lễ tiết Trung Hoa nào có thể sánh với sự bất biến, sự vĩnh cửu. Và cử chỉ nhả nhớt, chính là tiếng cười nhạo của Âu châu trước dục vọng, tiếng cười ngu dốt sẽ làm cho học thuyết Calvin [calvinisme] được ưa chuộng.

Ở đây, biểu cảm gương mặt không hề dâm đãng, mà nó bất di bất dịch như đang tập trung cao độ. Ở đây, khoái lạc không phải là thác loạn. Những đường nét trên khuôn mặt khép kín, nụ cười cũng không làm cho chúng xô lệch và ngay cả niềm vui cũng có vẻ khổ hạnh trong cái náo nhiệt duy nhất được phép, sự náo nhiệt của dàn nhạc.

Âm nhạc ư? Nó tựa phèng la bể? Hay như thảm họa nhỉ? Đàn nhị với bộ phận tăng âm có hình dạng và kích thước bằng một chiếc cốc, cây tiêu cho tiếng chói gắt, chũm chọe, trống và cồng chiêng. Nó không lên cao. Nó cũng không dừng lại. Ngay cả thảm họa cũng không thể nào liên tu bất tận thế này. Nhưng người ta sẽ quen thật nhanh. Người ta trôi theo tiếng ồn này.

Người ta bị cuốn đi. Và lập tức nhận ra bữa ăn này có gì đó kín đáo. Nó tiếp thêm sinh lực, nó không xâm phạm tự do của ta và không tấn công ta như những câu nhạc xoắn xuýt kiểu Âu châu.

(còn tiếp)

(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ tác phẩm Nam kỳ ngao du của nhà văn Léon Werth - Thư Nguyễn chuyển ngữ)

Nam kỳ ngao du

Sài Gòn, những hình ảnh đầu tiên

Cuộc sống thường nhật của người bản xứ

Ấn tượng Nguyễn An Ninh

Kiều dân và người bản xứ

Người Âu châu tại thuộc địa Sài Gòn

Cảm giác kỳ lạ và đời thường của chợ Sài Gòn

Một chút Âu châu trong lòng Sài Gòn

Phố Paris giữa Chợ Lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.