NATO 'nhắn nhủ' Ukraine: Vì hòa bình, sẽ cần nhượng bộ bao nhiêu?

14/06/2022 05:26 GMT+7

Ngày 12.6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay liên minh này sẽ củng cố vị thế trên bàn đàm phán của Ukraine, nhưng nói thêm bất cứ thỏa thuận hòa bình nào cũng sẽ có thỏa hiệp, bao gồm cả nhượng bộ lãnh thổ.

Lãnh đạo NATO khẳng định dù phương Tây sẵn sàng “trả giá” để tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine, Kyiv vẫn sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ với Moscow để chấm dứt xung đột hiện đại.

Ông Stoltenberg nói: “Có thể có hòa bình. Câu hỏi duy nhất là cái giá bạn sẵn sàng trả để đổi lấy hòa bình là gì? Bạn sẵn sàng hy sinh bao nhiêu lãnh thổ, bao nhiêu độc lập, bao nhiêu chủ quyền vì hòa bình?”.

Dù vậy, tổng thư ký NATO không đề cập đến việc Ukraine nên chấp nhận điều khoản nào trong thỏa thuận vì cho rằng “những người đang trả giá cao nhất mới là người quyết định” và NATO và phương Tây vẫn sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí để củng cố vị thế cho Ukraine.

Dù không trực tiếp kêu gọi Ukraine nhượng bộ lãnh thổ, ông Stoltenberg cũng nêu ra ví dụ về Phần Lan hồi Thế chiến thứ 2. Khi đó, quốc gia này đã nhượng bộ Karelia trong thỏa thuận hòa bình với Liên Xô. Theo ông, dàn xếp giữa Phần Lan và Liên Xô là “một trong những lý do khiến Phần Lan có thể bước ra khỏi Thế chiến thứ 2 với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền”.

Xem nhanh: Ngày 109 chiến dịch quân sự Nga, Mỹ dự báo Ukraine có thể mất thêm thành phố

Các tuyên bố của lãnh đạo NATO được đưa ra giữa bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng Ukraine sẽ sớm bị phương Tây gây sức ép ký thỏa thuận hòa bình.

Trong khi một số quan chức Mỹ và Anh cho rằng Ukraine có thể giành thắng lợi, thì theo một bài báo của CNN gần đây, giới chức Washington, London, và Brussels đang họp để lên kế hoạch đạt lệnh ngừng bắn và giải quyết xung đột trong hòa bình mà không có sự tham gia của phía Kyiv.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho rằng một số quốc gia đang “thúc đẩy” Ukraine ký thỏa thuận vì người dân nhiều nước phương Tây ngày càng “mệt mỏi vì xung đột”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó công khai phủ nhận việc đã thúc giục ông Zelensky nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Ngược lại, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hồi tháng 5.2022 đã đề xuất Ukraine nên từ bỏ yêu sách lãnh thổ đối với Crimea và trao quyền tự trị cho Donetsk và Luhansk.

Nga đã kiểm soát Crimea từ năm 2014, trong khi đó Moscow đã công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine chỉ 2 ngày trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ông Zelensky đã nhiều lần thay đổi quan điểm về khả năng ký thỏa thuận hòa bình. Ông đã từng bày tỏ quan tâm đến việc đàm phán kế hoạch dàn xếp với Nga nhưng ngay sau đó chính ông hoặc các quan chức Ukraine lại đưa ra quan điểm ngược lại.

Sau khi tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán hồi cuối tháng 5, ông Zelensky đã xuất hiện vài ngày sau đó và tuyên bố lá cờ Ukraine ở Donbass “sẽ không bị thay thế”.

Tổng thống Zelensky: Đã mất mát quá nhiều, Ukraine không thể nhượng bộ lãnh thổ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.