Nên học ngành nào giai đoạn này?

11/04/2021 08:07 GMT+7

Nhiều băn khoăn về lựa chọn ngành nghề của học sinh các trường THPT trên địa bàn Gò Công (Tiền Giang) đã được giải đáp cặn kẽ trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sáng qua (10.4).

Chọn ngành có học phí thấp, ra trường có việc làm không ?

Ngay đầu chương trình, một học sinh (HS) Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) đặt câu hỏi khá thú vị: “Chọn ngành có học phí thấp ra trường có việc làm không?”. Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết tùy vào lựa chọn và điều kiện tài chính gia đình mà HS có thể chọn chương trình học với mức học phí khác nhau. “Dù khác nhau về điều kiện học tập nhưng yếu tố quyết định việc làm lại phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của người học, không hoàn toàn do học phí.
Thông tin thêm về học phí, tiến sĩ Nguyễn Đăng Thuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết hiện sinh viên các ngành đào tạo giáo viên không phải đóng học phí, các ngành còn lại học phí trên 10 triệu đồng/năm. “Trường hiện đang thu mức học phí thấp, theo quy định dành cho trường chưa tự chủ tài chính. Dù vậy, theo một thống kê của trường, trong 2 năm gần nhất tỷ lệ sinh viên có việc làm tại trường đạt tới 94%”, ông Thuấn thông tin.

Học sinh Trường THPT Trương Định tham gia đặt nhiều câu hỏi trong buổi tư vấn

Ngọc Dương

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin thêm sinh viên theo học ngành sư phạm theo quy định mới ngoài việc không phải đóng học phí còn được hỗ trợ sinh hoạt phí nếu cam kết ra trường phục vụ ngành giáo dục. Các ngành còn lại học phí khoảng 10 - 12 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ngoài học phí còn nhiều chi phí khác trong quá trình học tập và học phí cao sẽ được thụ hưởng các điều kiện dịch vụ tốt hơn.
Trong khi đó, HS Nguyễn Phạm Quốc Bảo, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, băn khoăn có thể đăng ký cùng 1 ngành của 1 trường bằng nhiều phương thức không? Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ khẳng định hoàn toàn có thể được. Hiện nay đa số các trường ĐH đều sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển. Thí sinh có thể đăng ký và trúng tuyển đồng thời nhiều phương thức khác nhau vào cùng 1 ngành của 1 trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được chọn 1 phương thức để xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc và duy nhất để nộp.

Tiếp tục đặt câu hỏi sau giờ tư vấn

Ngọc Dương

“Có những thí sinh điểm cao vẫn rớt từ kết quả kỳ thi THPT do không lường được điểm chuẩn trúng tuyển phương thức này bị đẩy lên cao như vậy. Năm vừa qua là một minh chứng cụ thể nhất cho trường hợp này. Do vậy cần cân nhắc thật kỹ về việc lựa chọn để xác nhận nguyện vọng căn cứ vào ngành học mình yêu thích, cơ hội phát triển nghề nghiệp và thăng tiến trong tương lai. Có nhiều cơ hội lựa chọn nhưng lựa chọn thế nào cho tương lai là quyền của mình, đừng để bị tác động bởi bất kỳ ai”, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ khuyên.

Kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh

HS Xuân Diệu, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang hỏi: “Hiện dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh. Em muốn làm tốt công việc này thì học ngành và trường nào?”. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, khuyên để trở thành một cử nhân kinh doanh trực tuyến thì ngành học sát nhất là thương mại điện tử. Ở ngành này, sinh viên vừa học kinh doanh, vừa học kiến thức về kỹ thuật và đòi hỏi nhiều khả năng công nghệ. Ngoài ra, một số trường có mở ngành digital marketing cũng là ngành học HS có thể lựa chọn. “Để theo học ngành nghề này, HS cần có sự đam mê về công nghệ và thích kinh doanh, trong đó có thể không đòi hỏi cao về yếu tố giao tiếp”, tiến sĩ Nhân lưu ý.
“Quản trị du lịch và khách sạn đang “nóng” nhưng độ tuổi làm việc ngắn. Vậy, sau đó muốn làm việc khác có liên quan với ngành nghề thì làm công việc gì?” là một băn khoăn HS đặt ra trong chương trình. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đánh giá đây là câu hỏi rất thực tế.
Theo ông Hạ: “Hiện do dịch Covid-19 nên ngành nghề này có những lúc gần như đứng yên. Ngành nào cũng có tuổi chứ không chỉ du lịch. Nhưng sau 5 - 10 năm đi làm có thể đặt khát vọng phát triển tới vị trí cao hơn chứ không chỉ là một nhân viên, một hướng dẫn viên bình thường. Muốn vậy cần có nỗ lực, có sự dấn thân thậm chí sự hy sinh trong nghề nghiệp”.

Thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu phó Trường THPT Trương Định (Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Ngọc Dương

“Có nên học ngành ngôn ngữ trong giai đoạn này hay không?” là một câu hỏi của HS Bảo Ngọc (Trường THPT Gò Công, Tiền Giang). Thạc sĩ Lê Phan Quốc khẳng định việc đầu tư ngôn ngữ là rất nên. Trong đó có 2 hướng hoặc đi sâu vào ngôn ngữ đó hoặc tiếp cận ngôn ngữ để làm nền trong khi chọn một lĩnh vực chuyên môn khác. Các trường hiện vẫn đang đào tạo song ngành, bên cạnh ngành thứ nhất, có thể học thêm ngành thứ hai sau để ra trường nhận 2 bằng ĐH.
Phân tích thêm, GS-TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng với sự phát triển mạnh của công nghệ hiện nay, việc dịch một văn bản tự động qua máy móc diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên ngành ngôn ngữ Anh nói riêng và nhiều ngành nghề khác không biến mất mà sẽ có sự thay đổi để đạt được hiệu năng cao hơn. Khi đó, các trường ĐH phải có sự thay đổi kịp thời chương trình đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được sự thay đổi trên. Như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hiện ngoài ngành học robot và trí tuệ nhân tạo, trường đang “nhúng” môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo vào chương trình học của tất cả các ngành nghề khác.
Báo Thanh Niên xin cảm ơn các nhà tài trợ: Vingroup, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, Công ty Vietravel đã đưa đón đoàn tư vấn. Xin cảm ơn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trao 5 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho HS học giỏi, vượt khó, mỗi suất 1 triệu đồng và cảm ơn Ban Giám hiệu Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) đã hỗ trợ để tổ chức thành công chương trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.