Mới nhất, ngày 5.6, tham gia góp ý khi thảo luận tại tổ về luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng phải thốt lên "lạm phát có 3,15% mà lãi suất huy động đến 9% thì vô lý quá".
Đáng nói, sự vô lý này đã kéo quá dài và hệ quả là đến nay, với "sức khỏe" bị bào mòn sau mấy năm hết dịch bệnh lại đến khủng hoảng kinh tế tác động, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, có vay được họ cũng chào thua vì ở thời buổi khó khăn này, không kinh doanh gì đủ trả lãi ngân hàng lên tới 12 - 15%.
Thực tế các thông tin giảm lãi suất rầm rộ của các nhà băng sau mỗi lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành chỉ là giảm ở đầu vào, lãi suất tiết kiệm. Còn đầu ra - lãi vay thì vẫn neo cao với cả vay mới và nợ cũ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới nghịch lý chua chát, kinh tế khó khăn nhưng các nhà băng vẫn bỏ túi lợi nhuận hàng chục ngàn tỉ đồng.
Sở dĩ sự vô lý này có thể kéo dài đến như vậy là vì ở vai trò điều hành, mỗi lần nói đến giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước thường vin vào cớ "rủi ro lạm phát" cho dù lạm phát ở VN mấy năm gần đây luôn ổn định ở mức thấp. Còn lý do thật sự ở phía sau, là cung vốn cho nền kinh tế bị siết chặt bằng room tín dụng đã lỗi thời thì ít được nhắc đến.
Khảo sát của Thanh Niên thực hiện với nhiều doanh nghiệp cho thấy, tiếp cận vốn ngày càng khó khăn. Có nhà băng nói thẳng hết room; có nhà băng thì dựng hàng rào điều kiện khắt khe; có nhà băng thẳng tay cắt giảm hạn mức vay... Cung ít cầu nhiều thì vốn đắt đỏ là điều dễ hiểu. Mà vốn đắt thì với sức khỏe hiện nay, các doanh nghiệp không hấp thụ nổi, dẫn tới sản xuất đình đốn, ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chúng ta đều biết, sau cú sốc tăng trưởng quý 1 không đạt mục tiêu, Chính phủ cũng như các địa phương đang dồn lực lấy lại những gì đã mất. Thế nhưng tín dụng - kênh dẫn vốn khả thi nhất lúc này vẫn nghẽn thì mọi nỗ lực có thể lại đổ sông, đổ bể.
Thế nên điều quan trọng lúc này là phải nhìn thẳng vào sự thật: sự thật là lãi vay đang quá cao; sự thật là tín dụng không tới tay doanh nghiệp; sự thật về điều hành chính sách tín dụng giật cục, lúc thì mở toang, lúc siết chặt... thì mới có giải pháp hiệu quả cho nền kinh tế lúc này. Còn nếu vẫn chỉ hô hào các ngân hàng chia sẻ, nhà điều hành vẫn giải trình chung chung thì nút thắt vốn không thể tháo gỡ. Vòng luẩn quẩn đổ lỗi room còn những doanh nghiệp yếu không hấp thụ hay ngân hàng đụng trần quota, cạn tiền cho vay sẽ không có hồi kết.
Ở thời điểm hiện tại, kênh trái phiếu doanh nghiệp hay huy động qua sàn chứng khoán là không khả thi. Hai kênh này cần có thêm thời gian để khơi thông nên tín dụng cho nền kinh tế trông đợi chủ yếu vào ngân hàng. Nới room, không chỉ thông vốn mà cũng là giải pháp hạ nhiệt lãi suất hiệu quả nhất.
Nền kinh tế cần vốn rẻ để hồi phục và tăng tốc.
Bình luận (0)