Tỷ lệ có việc làm cao hơn một số khối ngành khác
Có mặt tại chương trình truyền hình trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành du lịch-dịch vụ do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 12.3, PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Quản trị du lịch-nhà hàng-khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết cuối năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt xa mục tiêu đặt ra đầu năm là 8 triệu.
"Ngành du lịch có sự tăng tốc sau đại dịch. Tốc độ tăng trưởng ngành du lịch đến 2030 sẽ rất nhanh đặc biệt nửa cuối 2024 đến 2025 trở đi sẽ có sự bùng nổ. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao. Một trong những yêu cầu đặt ra là đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành du lịch, hiện đang rất cấp thiết", PGS-TS Thắng nhận định.
Theo ông Thắng, qua khảo sát trong 1-2 năm vừa qua, tỷ lệ sinh viên ngành du lịch Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có việc làm là 88-90%, cao hơn so với một số khối ngành khác. Nhiều sinh viên có việc làm thêm đúng ngành ngay từ năm 2, năm 3, năm 4 và sau kỳ thực tập thì được doanh nghiệp giữ lại làm việc.
"Các em không chỉ làm trong các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không... mà còn làm ở những doanh nghiệp khác có phòng ban liên quan đối ngoại, quan hệ quốc tế như làm lễ tân, phòng chăm sóc khách hàng, phòng quan hệ quốc tế... Hoặc làm việc tại các sở du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch...
Khối ngành du lịch - dịch vụ: Học ngành nào 'việc nhẹ, lương cao'?
Du lịch là một trong 8 nghề được dịch chuyển lao động trong các nước ASEAN nên tốt nghiệp các em đều có thể làm việc ở các quốc gia trong khu vực", PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng thông tin thêm.
Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, cũng chia sẻ: "Du lịch Việt Nam đang rất sôi động, riêng TP.HCM dẫn đầu cả nước và được công nhận điểm du lịch hàng đầu châu Á. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều nhân viên trong ngành du lịch chuyển sang nghề khác nên thời điểm hiện nay chính là cơ hội lớn cho các em yêu thích ngành này. Chỉ cần học CĐ 2,5 năm là có thể tham gia thị trường lao động".
Lợi thế khi có ngoại ngữ thứ 2
Theo tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn Du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM, có 3 nhóm yếu tố cần thiết mà những người học và làm trong lĩnh vực du lịch cần đáp ứng: Thứ nhất là phải có kiến thức chuyên sâu về du lịch, văn hoá, xã hội.
Thứ hai là có thái độ tích cực, tinh thần cầu tiến, vượt khó, tính hướng ngoại năng động, cởi mở và đặc biệt phải có lòng đam mê nghề nghiệp.
Thứ ba là phải giỏi ngoại ngữ. Bên cạnh tiếng Anh, sinh viên nên trau dồi thêm một ngoại ngữ thứ 2 như tiếng Nhật, Hàn, Trung hay Pháp tùy nhu cầu thị trường, lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
"Du lịch là một lĩnh vực đầy thử thách và hết sức thú vị. Nếu các em đáp ứng đủ 3 yếu tố trên thì sẽ có lợi thế lớn và được ưu tiên tuyển dụng", tiến sĩ Thùy Dương cho hay.
Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân cũng nhấn mạnh, để làm việc thành công người lao động cần cần giỏi nghiệp vụ trước. "Về thu nhập, nếu hướng dẫn viên nội địa có mức lương 500.000 đồng/ngày thì người biết thêm một ngoại ngữ hiếm, lương có thể tới 60 USD/ngày. Nghề đầu bếp cũng có thu nhập rất tốt, lương 15-16 triệu đồng/tháng và nếu là bếp trưởng thì lương từ 18-40 triệu đồng/tháng tùy doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Tùy vào sở thích và sở trường mà các em có thể lựa chọn làm nghề hướng dẫn viên hay nghề bếp", thạc sĩ Quỳnh Xuân chia sẻ.
Theo số liệu các chuyên gia nêu trong chương trình, hiện nay nhân lực ngành du lịch có tỷ lệ qua đào tạo ở bậc ĐH chiếm 10%; CĐ, sơ cấp và trung cấp chiếm 50%. Hiện các tập đoàn khách sạn lớn của thế giới đều có mặt tại Việt Nam, liên tục tìm kiếm nhân lực sau dịch Covid-19. Trong ngành nhà hàng khách sạn, thị trường mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu.
Bình luận (0)