Ngân hàng ồ ạt tăng vốn

Thanh Xuân
Thanh Xuân
15/06/2021 06:07 GMT+7

Dự kiến trong năm 2021, vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ tăng thêm hàng chục ngàn tỉ đồng. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng khó khăn, nhiều người thắc mắc, các ngân hàng tăng vốn làm gì?

Cuộc đua tăng vốn điều lệ

Gần đây, các nhà băng liên tục thông tin về việc tăng vốn điều lệ. Đơn cử như Vietinbank, sau 8 năm không thay đổi vốn điều lệ, ngân hàng (NH) này đã chính thức được tăng vốn từ hơn 37.234 tỉ đồng lên trên 48.000 tỉ đồng qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận 3 năm 2017, 2018, 2019 với tỷ lệ hơn 29%. NH Phương Đông (OCB) cũng tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.739 tỉ đồng khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông. Vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ 10.959 tỉ đồng lên 13.698 tỉ đồng.
Theo số liệu từ NH Nhà nước công bố hồi cuối tháng 2, vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng tăng 0,06% so với cuối năm trước, đạt 664.529 tỉ đồng; tổng tài sản có tăng 0,33%, đạt hơn 14,065 triệu tỉ đồng.  Tỷ lệ an toàn vốn của các NH áp dụng Thông tư 41/2016 trung bình ở mức 11,16% (dao động từ 9,08 - 18,63%), nhóm NH áp dụng theo Thông tư 22/2019 có mức trung bình là 10,86% (dao động từ 9,48 - 29,88%), còn công ty tài chính và cho thuê tài chính là 20,32%.
Không kém cạnh, NH Quân đội (MB) cũng vừa được NH Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lần 1 thêm tối đa hơn 9.795 tỉ đồng qua việc chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của MB sẽ tăng lên hơn 37.700 tỉ đồng. Hay mới đây, ACB cũng đã chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức 25% bằng cổ phiếu, nhà băng này tăng vốn hơn 5.400 tỉ đồng, lên 27.000 tỉ đồng. Vietcombank dự kiến tăng thêm vốn điều lệ hơn 13.000 tỉ đồng, trở thành NH có vốn điều lệ lớn nhất thị trường trong năm 2021 với hơn 50.401 tỉ đồng.
Mặc dù vừa tăng vốn điều lệ lên 19.260 tỉ đồng sau khi phát hành thêm 175 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%, nhưng SHB cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2021 lên hơn 26.674 qua việc chi trả cổ tức 10,5% cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28 với giá dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu…
Kể cả NH đang trong diện tái cơ cấu như Sacombank cũng mong muốn được tăng vốn điều lệ qua việc chia cổ tức. Với thương vụ bán cổ phần công ty con Fe Credit cho phía đối tác Nhật mang về một khoản lợi nhuận kếch xù, VPBank “tham vọng” tăng vốn điều lệ lên mức cao nhất trong hệ thống NH là 75.000 tỉ đồng vào năm 2022.
Có thể thấy, hầu hết các nhà băng lựa chọn việc tăng vốn điều lệ qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, một số NH phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, cổ đông nước ngoài. Không phải mới đây mà từ nhiều năm nay, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các NH luôn luôn ở mức cao. Các NH tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và dùng vào việc phát triển như đầu tư hạ tầng cơ sở, mở chi nhánh, cho vay…, các NH không được dùng vốn huy động của dân vào mục đích đầu tư.

Vốn cho nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng

Một lượng vốn khổng lồ từ hệ thống NH trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn khá phức tạp khiến nhiều ý kiến nghi ngại. TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, trấn an không nên quá lo lắng về tín dụng của NH. Bởi việc tăng vốn cần có thời gian triển khai thủ tục, từ lấy ý kiến cổ đông đến việc xin phép phát hành mới có thể thành hiện thực. Quan trọng hơn, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu vay vốn lúc này và sau dịch sẽ rất cao. Ngoài vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sau dịch còn có nhu cầu vay cho thanh khoản, trả nợ lương, thuê mặt bằng, trả tiền hàng cho nhà cung cấp… Vì thế các nhà băng phải lên kế hoạch đón đầu là tất yếu.
Mặt khác, cũng chính vì tình hình sức khỏe của doanh nghiệp không tốt nên việc tăng vốn điều lệ của các NH cũng giúp họ tăng thêm dự trữ, dự phòng rủi ro khi nợ xấu gia tăng. Ở đây vốn chủ sở hữu của NH càng lớn thì càng an tâm khi xử lý nợ xấu mà vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, các NH để đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% theo quy định thì phải tăng vốn tự có hoặc giảm thiểu tốc độ tăng tổng tài sản có rủi ro. Thường thì các NH sẽ chọn tăng vốn thay vì giảm tổng tài sản, giảm tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng quy mô. Việc tăng vốn điều lệ sẽ là “gối đệm” cho NH xử lý nợ xấu nhưng vẫn duy trì được tỷ lệ an toàn vốn 8%.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, với thời điểm thị trường chứng khoán đang phát triển, thu hút nhiều người tham gia sẽ tạo điều kiện khá tốt cho NH phát hành cổ phiếu tăng vốn. "Vốn điều lệ của các NH hiện nay vẫn còn khá yếu, chưa có NH nào có vốn điều lệ trên 2,5 tỉ USD. Để phát triển thành NH tầm khu vực, vốn chủ sở hữu của NH phải ít nhất 5 tỉ USD và tổng tài sản lên 50 tỉ USD. Việc tăng vốn điều lệ của NH về lâu dài có lợi cho hệ thống hơn", ông Hiếu nhận định.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NH BIDV, cho rằng việc tăng vốn của các NH là nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng quy định Basel II (Bộ các nguyên tắc chung và các luật NH của Ủy ban Basel về giám sát NH). Khoảng 10 năm qua, tăng trưởng tín dụng tương đối cao, khoảng 14%/năm, trong khi đó vốn chủ sở hữu tăng từ 9 - 10% nên NH có nhu cầu tăng vốn là hợp lý. Bên cạnh đó, NH nhiều vốn chủ sở hữu mới có khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. “Thực ra tăng trưởng vốn chủ sở hữu không phải năm nay mới diễn ra, các năm trước cũng tăng nhưng vẫn bị thiếu. Trường hợp tín dụng năm 2021 tăng trưởng 12 - 13% thì vốn chủ sở hữu của NH tăng ít nhất phải 10 - 11%”, ông Lực nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.