Nghệ sĩ ngoại phải lòng Việt Nam

Ngọc An
Ngọc An
19/07/2020 08:00 GMT+7

Không ít nghệ sĩ nước ngoài đã thành danh, hay từng hoạt động nghệ thuật ở nhiều quốc gia trên thế giới quyết định đến Việt Nam sinh sống và làm việc. Họ đã 'đi qua' giai đoạn tạm lắng vì giãn cách xã hội và bắt đầu khởi động trở lại.

“Chúng tôi chọn Việt Nam”

Khi Kenjah David cất giọng hát, những khán giả có mặt trong đêm nhạc A Latin world (diễn ra vào tối 18.7 tại khán phòng Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội) đã ngay lập tức bị mê hoặc bởi giọng ca bay bổng của nam nghệ sĩ đến từ Paris (Pháp). Cách đây 2 năm, Kenjah David tới Việt Nam tham gia biểu diễn cùng những nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam. Trước đó, anh đã có 10 năm sinh sống và làm việc trong một công ty giải trí ở Nhật Bản.

Trước khi đến đây, tôi gần như hoàn toàn chưa biết gì về Việt Nam cả. Nhưng có lẽ chính sự không biết đó đã mang đến cho tôi những ngạc nhiên thú vị. Mỗi nơi tôi qua, con người đều rất nồng ấm và tử tế. Con người, đất nước và văn hóa Việt Nam đã khiến tôi phải lòng

Nghệ sĩ saxophone Sebastien Berruz

“Sau chuyến đi tới Việt Nam biểu diễn, tôi quyết định trở lại nơi này. Với tôi, quyết định đến Việt Nam giống như bước vào chuyến phiêu lưu mới, để thay đổi những chuỗi ngày với công việc lặp đi lặp lại trước đây”, anh nói. Kenjah David là giọng ca chính trong chương trình và cũng là của nhóm Latin Collective gồm những nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau tham gia biểu diễn: nghệ sĩ dương cầm Max Schwingeling (Đức), hai nghệ sĩ saxophone Sebastien Berruz và Pablo Yang (Mỹ), nghệ sĩ contrabass David Carpio (Venezuela)…
Hơn 20 năm gắn bó với âm nhạc, nghệ sĩ Sebastien Berruz đã lưu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Tôi đến Việt Nam vào tháng 5.2016 với ý định ban đầu là đi biểu diễn và du lịch. Trước khi đến đây, tôi gần như hoàn toàn chưa biết gì về Việt Nam cả. Nhưng có lẽ chính sự không biết đó đã mang đến cho tôi những ngạc nhiên thú vị. Mỗi nơi tôi qua, con người đều rất nồng ấm và tử tế. Con người, đất nước và văn hóa Việt Nam đã khiến tôi phải lòng”, Sebastien Berruz chia sẻ. Hiện tại, Sebastien Berruz vừa là thầy giáo dạy tiếng Anh bán thời gian tại một trường học tư, vừa là thầy giáo dạy nhạc và đi biểu diễn. Còn Kenjah David vừa là một thầy giáo dạy hát, vừa làm công việc sản xuất, thực hiện những dự án, chương trình âm nhạc.
Nghệ sĩ ballet Yuki Hiroshige Ohmori - vốn là diễn viên múa chính của Nhà hát Vũ kịch quốc gia Tokyo (Nhật Bản), từng giành giải nhất cuộc thi Tokyo Ballet Competition ở hạng mục duet, đã gắn bó từ nhiều năm nay với Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HSBO).
“Tôi từng phải dừng lại sự nghiệp nhảy múa khi chồng tôi quyết định sang Việt Nam làm việc. Thật may mắn khi tôi có cơ hội làm việc ở HSBO với vai trò nghệ sĩ biểu diễn và hướng dẫn cho những nghệ sĩ của nhà hát”, nghệ sĩ Yuki Hiroshige Ohmori chia sẻ. Cùng với nghệ sĩ Yuki Hiroshige Ohmori, nhiều nghệ sĩ nước ngoài tới Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm tại Việt Nam như những thành viên trong Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời.
Nghệ sĩ ngoại phải lòng Việt Nam

Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình A Latin world vào tối 18.7 tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội

Ảnh: Hồng Nguyễn

Đóng góp cho đời sống nghệ thuật

Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư âm thanh và sản xuất âm nhạc tại Berlin (Đức), nghệ sĩ Max Schwingeling tới Việt Nam cách đây gần 5 năm. 4 năm trước, anh thành lập Hanoing Jazz Band với hầu hết các thành viên cũng đến từ những quốc gia khác nhau. Anh cho hay, những thành viên của Cộng đồng Latin hay Hanoing Jazz Band, khá cơ động (18 - 20 người, hay 4 - 5 người). Ngoài những thành viên nòng cốt, các nhóm có thể tăng hoặc giảm tùy theo tính chất của mỗi chương trình tham gia.

Thu nhập khá ổn

Về thu nhập từ công việc biểu diễn tại Việt Nam, nam nghệ sĩ Sebastien Berruz cho biết: “Nếu nói một cách ngắn gọn là không cao bằng thu nhập tại nước ngoài. Nhưng so với mức chi tiêu ở Việt Nam thì mức thu nhập đó lại thành khá cân đối. Có những khi chúng tôi nhận được mức cát sê khá cao. Nhưng quan trọng với tôi, tôi thấy mình nhận được nhiều hơn. Chẳng hạn như trong chuyến biểu diễn tại Mũi Né, Hạ Long hay Đà Nẵng…, tôi được biểu diễn ở những nơi có cảnh đẹp vô cùng tuyệt vời. Ở đây, tôi tìm được bản thân mình. Tôi được chơi những thứ âm nhạc mình thích. Tôi cho rằng quan trọng là mình cảm thấy hạnh phúc”.
“Chúng tôi chơi nhạc sống tại các địa điểm biểu diễn hay chương trình âm nhạc trong và ngoài Hà Nội”, Max Schwingeling nói. Nhóm Latin Collective cũng tương tự như vậy. “Từ những chương trình của đại sứ quán, chương trình kết hợp với nghệ sĩ Việt Nam, những chương trình trên sân khấu, cho đến các buổi biểu diễn trong quán cà phê, bar, club, hay tiệc do cá nhân tổ chức..., chúng tôi đều có thể đáp ứng mọi lời mời biểu diễn”, nghệ sĩ Sebastien Berruz nói. Chính nhờ sự đa dạng này mà khán giả của những nghệ sĩ nước ngoài không chỉ có cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, hay khách du lịch, mà có cả khán giả Việt.
Hanoing Jazz Band hay Latin Collective đã biểu diễn ở rất nhiều vùng, miền khắp Việt Nam như TP.HCM, Lào Cai, Đà Nẵng, Đà Lạt, Ninh Bình, Phú Quốc... Cách đây 1 năm, Hanoing Jazz Band còn có chuyến biểu diễn tại Ý. “Tôi chưa khi nào tưởng tượng được rằng âm nhạc đã đưa chúng tôi từ Việt Nam đến tận châu Âu”, nghệ sĩ Sebastien Berruz nói.
Cũng như nghệ sĩ Việt Nam, nghệ sĩ nước ngoài đều tạm dừng các hoạt động nghệ thuật trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. “Hơi khó khăn một chút, nhưng bù lại, trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, tôi có thời gian dành cho việc luyện tập nhiều hơn”, Sebastien Berruz nói. “Tôi nghĩ đó là khoảng lặng có ích cho công việc sáng tạo của mình. Trong khoảng thời gian đó, tôi tập trung sáng tác, làm MV...”, Kenjah David chia sẻ. Khi cuộc sống trở lại bình thường, hoạt động nghệ thuật rục rịch trở lại, nhiều nhóm nghệ sĩ nước ngoài cũng bắt đầu những hoạt động biểu diễn, Hanoing Jazz Band đã có chương trình biểu diễn từ tháng 5. Còn với Latin Collective, họ đã có đêm biểu diễn đáng nhớ tại Trung tâm văn hóa Pháp, đánh dấu cho sự trở lại của mình.
Nghệ sĩ Yuki Hiroshige Ohmori đang chuẩn bị cho vở ballet Giselle cùng với những đồng nghiệp của HSBO, dự kiến sẽ công diễn vào tháng 9 tới. “Những nghệ sĩ Việt Nam có thể lực khá cao và giàu sự sáng tạo. Tôi muốn được làm việc cùng họ và làm việc thật chăm chỉ để sân khấu ballet Việt Nam tiếp tục phát triển”, Yuki Hiroshige Ohmori bày tỏ.
“Mỗi nghệ sĩ đến từ những quốc gia, nền văn hóa, cùng sự ảnh hưởng âm nhạc khác nhau. Chúng tôi coi Việt Nam như ngôi nhà mới của mình và mong muốn chia sẻ những di sản âm nhạc từ đất nước nơi mà chúng tôi đến. Và ngược lại, chúng tôi ở đây để hiểu về âm nhạc bản địa của các bạn. Tôi nghĩ, mỗi nghệ sĩ nước ngoài cũng như một “đại sứ” nghệ thuật, và chúng ta hãy làm tốt vai trò đó của mình”, Sebastien Berruz nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.