Ngỡ ngàng chuyện 'quên' thi hành án tù

25/06/2020 05:14 GMT+7

'Chuyện thật như đùa!', nhiều bạn đọc Thanh Niên đã tỏ thái độ ngỡ ngàng như thế trước thông tin 'Phát hiện 5 trường hợp bị kết án tù nhưng 'quên' thi hành án tại Bình Phước'.

Theo nguồn tin của Báo Thanh Niên, TAND, Viện KSND và Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Bình Phước đang tổ chức kiểm điểm trách nhiệm vì đã để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm trong công tác thi hành án hình sự. Cụ thể, tại nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh này, đã phát hiện tình trạng TAND phải ra quyết định thi hành án hình sự nhưng chưa ra quyết định thi hành án và có quyết định thi hành án nhưng chưa được thi hành dẫn đến hết thời hiệu thi hành án - tức người bị phạt tù không phải chấp hành án phạt tù.

Ít nhất 5 trường hợp kết án tù nhưng 'quên' thi hành án tại Bình Phước

Không “quên” lãnh lương, lại “quên” thi hành án ?

Thanh Niên dẫn ra ít nhất 5 trường hợp tại tỉnh Bình Phước bị tòa án tuyên có tội nhưng chưa thi hành trong thời gian dài, dẫn đến hết thời hiệu và không phải thi hành án phạt, cho thấy các TAND ở Bình Phước đã ban hành quyết định thi hành án nhưng không theo dõi việc thi hành; cơ quan thi hành án hình sự, Viện KSND không kiểm soát chặt chẽ theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, luật Thi hành án hình sự.

Khó hiểu thật! “Quên” chủ quan hay khách quan? Liệu có tiêu cực nào không? Mong quý báo tiếp tục vào cuộc.    

Hoàng Minh

Nhiều ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên về điều này: “Chuyện thật như đùa, đã bị tuyên án nhưng không phải thi hành án! Chuyện này nghe có vẻ như chuyện cổ tích đời thường vậy”; “Con voi chui lọt lỗ kim”; “Không thể chấp nhận được”...

Chuyện thật như đùa, đã bị tuyên án nhưng không phải thi hành án! Chuyện này nghe có vẻ như “chuyện cổ tích đời thường” vậy!    

Trang Nguyên

Chính vì những sự thể quá phi lý này, bạn đọc (BĐ) Bùi Tá Vinh đặt vấn đề: “TAND tuyên án phạt tù, nhưng về phía thi hành án có hoặc không nhận quyết định thi hành án phạt? Phải xem xét, đây có phải là chuyện “mấy ông quan tòa” quên, hoặc “quên” có tính toán”? Còn BĐ Văn Dũng phân tích: Đã là công việc chuyên ngành lại là chuyên ngành về pháp luật đòi hỏi sự nghiêm minh, chặt chẽ. Nếu có chuyện “quên” thì thật “hài không chịu nổi”! Tất nhiên dư luận có quyền đặt câu hỏi, nêu nhiều thắc mắc, nghi vấn về những cái “quên” này. Tại sao không quên đến cơ quan làm việc? Không quên lãnh lương mà quên thi hành án đương sự phải thi hành án - nhất là những án phạt về hình sự? Phải chăng những trường hợp không phải thi hành án là “ngẫu nhiên”?... “Mong các cơ quan cấp T.Ư làm rõ những sai phạm này”, BĐ Lý Tiến kiến nghị.

Quá nghiêm trọng !

Tôi không tin những cơ quan chức năng lại có thể “quên” bắt những người phạm tội thi hành án!   

Trần Nam

Nhiều BĐ cho rằng, không thể coi sự việc nêu trên là sai sót bình thường. “Quá nghiêm trọng! Trước mắt cách chức ngay những cá nhân không chịu “làm việc”, sau đó cần xem xét truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, nếu có đủ yếu tố cấu thành”, BĐ Văn Dũng viết.
Theo BĐ có nickname “Roger”, qua những sự việc như thế này, cơ quan tư pháp cấp trên, cấp T.Ư cần phải vào cuộc làm rõ; đừng để tạo ra những tình huống mà lâu nay dư luận thường gọi là “phép vua thua lệ làng”. “Lệ làng” khủng khiếp thế này thì những nỗi oan khuất, bức xúc của người dân không hề vô lý chút nào.

Đọc mà thấy chua chát, một số người làm trong ngành tư pháp Bình Phước cảm thấy gì? 

Hiên Đào

Còn nhớ, trước khi đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu dẫn đến tử vong, ông Lương Hữu Phước (người bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên 3 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” - PV), đã viết trên tài khoản Facebook cá nhân: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”. Tuy có luồng ý kiến cho rằng, hành động của ông Phước là tiêu cực, nhưng ít nhiều phải hiểu ra, đó là phản ứng của một người khi đã lâm vào “bước đường cùng”, bởi bức xúc đối với một số cá nhân, về sự công minh của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.