Tháng 7.2019, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, ở tỉnh Bình Định) ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu và trao đổi khoa học với Trung tâm nghiên cứu vật lý Brazil. Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Brazil hợp tác khoa học về lĩnh vực vật lý. Cầu nối để tạo nên mối quan hệ hợp tác này là Giáo sư Phạm Quang Hưng (70 tuổi), giảng viên Đại học Virginia - Mỹ.
Tình bạn vượt thời gian
Giáo sư Phạm Quang Hưng sinh ra ở Ninh Bình rồi theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1968, tốt nghiệp phổ thông, ông một mình khăn gói sang Canada học đại học tại Trường Ecole Polytechnique. Kết thúc năm đầu tiên, ông chuyển sang học tại Học viện Công nghệ Illinois (Mỹ). Tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục đến Đại học UCLA (University of California, Mỹ) làm nghiên cứu sinh. “Lúc nhỏ, tôi thích học môn vật lý nhưng khi vào trung học lại có một thời gian không chú tâm đến nó mà thích chơi nhạc, đặc biệt là nhạc rock. Chúng tôi có ban nhạc rock, trong đó tôi chơi đàn guitar. Hồi đó, nhiều bạn trẻ đam mê loại nhạc cuồng nhiệt này và tôi bị nó lôi cuốn, mải mê đi biểu diễn. Rất may là tôi còn có sở thích đọc sách và chính nó đưa tôi trở lại với niềm đam mê khoa học”, giáo sư chia sẻ.
Năm học cao học đầu tiên tại Đại học UCLA, chàng trai Phạm Quang Hưng muốn hướng về các ngành plasma. Nhưng khi gặp được thầy Sakurai (người Nhật), Phạm Quang Hưng lại chuyển sang yêu thích vật lý hạt hơn. Giáo sư Hưng kể: “Học vật lý hạt với thầy Sakurai rất thú vị. Ông luôn nói với chúng tôi rằng đừng bao giờ tin những lý thuyết đang thịnh hành là lý thuyết cuối cùng, hãy hoài nghi tất cả. Chính thầy Sakurai là người hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ. Đến bây giờ, tôi vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của thầy Sakurai”.
Cũng trong năm đầu tiên tại Đại học UCLA (năm 1972), Phạm Quang Hưng đã gặp được Ronald Shellard (hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật lý Brazil), đang theo học vật lý hạt cơ bản với một vị thầy khác. Học cùng trường, cùng nghiên cứu về vật lý hạt nên 2 người gặp nhau khá nhiều và trở thành bạn bè. Ra trường, cả hai vẫn tiếp tục giữ liên lạc. “Khi tôi ngỏ lời mời đến Việt Nam để hợp tác với Trung tâm ICISE thì Ronald Shellard rất hào hứng. Ông ấy cũng đã biết nhiều về Trung tâm ICISE qua các đồng nghiệp khoa học. Sau 41 năm, chúng tôi mới có dịp gặp nhau tại ICISE. Còn với Giáo sư Trần Thanh Vân thì chúng tôi liên hệ với nhau nhiều hơn. Năm 1973, khi anh Vân từ Pháp sang Mỹ dự hội thảo thì chúng tôi có lần gặp nhau đầu tiên. Ngay lần đó tôi đã nể phục anh Vân về khả năng làm việc, sự tự tin và càng trao đổi thì càng quý nhau vì anh ấy luôn hướng về Việt Nam, muốn làm cái gì đó cho quê hương. Điều đó làm cho chúng tôi thân thiết và liên hệ với nhau rất nhiều về sau”, Giáo sư Hưng cho biết.
|
Hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học UCLA, Giáo sư Hưng được mời làm nghiên cứu sau tiến sĩ về vật lý hạt lý thuyết ở Phòng Thí nghiệm máy gia tốc quốc gia Fermi (còn gọi là Fermilab, Mỹ). Hai năm sau, ông tiếp tục được mời đến làm nghiên cứu ở Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley Laboratory (Mỹ).
Năm 1982, ông được mời làm giáo sư ở Đại học Virginia và giảng dạy đến nay. Tại trường này, ông đã gặp Giáo sư Simonetta Liuti (người Mỹ gốc Ý) năm 1991 và họ kết hôn vào năm sau. Vợ chồng Giáo sư Hưng có 2 con trai và 1 gái.
Luôn sẵn lòng vì quê hương
Vợ chồng Giáo sư Phạm Quang Hưng - Simonetta Liuti về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2004 để tham gia các hội nghị vật lý quốc tế Gặp gỡ Việt Nam do Giáo sư Trần Thanh Vân tổ chức tại Hà Nội. Hai năm sau, vợ chồng ông tiếp tục tham dự hội nghị Gặp gỡ Việt Nam cũng được tổ chức tại Hà Nội. Năm 2019, bà Simonetta Liuti tham gia tổ chức hội nghị vật lý quốc tế tại Trung tâm ICISE. Còn Giáo sư Hưng thì liên tục về nước để đóng góp cho nền khoa học, giáo dục nước nhà. Ông là người đặt “viên gạch” đầu tiên cho chương trình đào tạo vật lý tiên tiến tại Đại học Huế và được mời làm điều phối viên chương trình này.
|
Cuối năm 2006, Trường đại học Sư phạm Huế (thuộc Đại học Huế) liên lạc với Giáo sư Hưng nhờ ông xây dựng giúp chương trình đào tạo vật lý tiên tiến được triển khai từ chương trình gốc của Đại học Virginia. Nhờ sự tác động và hỗ trợ của Giáo sư Hưng, tháng 3.2007, Đại học Huế và Đại học Virginia đã ký kết biên bản hợp tác về chương trình đào tạo vật lý tiên tiến. Đến thời điểm này, Trường đại học Sư phạm Huế đã tuyển sinh và đào tạo hơn 200 sinh viên theo chương trình vật lý tiên tiến, trong đó có khoảng 150 người đã ra trường. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã theo học thạc sĩ và làm tiến sĩ tại Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan… được các giáo sư nước ngoài đánh giá cao.
“Nếu làm gì được cho quê hương thì chúng tôi, anh Trần Thanh Vân, anh Đàm Thanh Sơn, anh Ngô Bảo Châu… luôn sẵn lòng. Thực tế nhất chính là tổ chức hoạt động giáo dục, khoa học ở Việt Nam để kéo những người trẻ đi theo khoa học, công nghệ, giúp họ mạnh dạn theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Trung tâm ICISE, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam của Giáo sư Vân đang thực hiện rất tốt công việc này. Hy vọng, sự cố gắng của chúng tôi sẽ có ảnh hưởng tốt đến các bạn trẻ Việt Nam”, Giáo sư Hưng tâm sự.
Vị giáo sư luôn nhiệt tình, tâm huyết
Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), chia sẻ: “Gặp Giáo sư Phạm Quang Hưng, đầu tiên người ta sẽ chú ý đến vóc dáng nhỏ bé nhưng rất tự tin, pha chút ngang tàng với mái tóc dài như một nghệ sĩ. Khi tiếp xúc nhiều sẽ biết ông là một nhà khoa học đầy nhiệt huyết, được đồng nghiệp và sinh viên đánh giáo cao cả về năng lực lẫn thái độ làm việc. Từ năm 2004 đến nay, ông luôn là thành viên Ban tổ chức Hội nghị vật lý quốc tế Gặp gỡ Việt Nam. Vài năm trở lại đây, vì vấn đề sức khỏe nên đi lại khó khăn nhưng Giáo sư Hưng vẫn về nước để tham gia tổ chức hoặc chủ trì hội nghị vật lý quốc tế tại Trung tâm ICISE, giảng dạy vật lý cho sinh viên… nên nhiều người rất khâm phục, kính trọng”.
|
Bình luận (0)