Sống đẹp lần IV: San sẻ yêu thương

Người canh đảo - Truyện ngắn dự thi của Huyền Trần

03/11/2024 09:00 GMT+7

"Nước rút nhanh quá không vào sát bờ thêm được nữa, hai em chịu khó xuống lội vào giúp anh nha".

Người canh đảo - Truyện ngắn dự thi của Huyền Trần- Ảnh 1.

MINH HỌA: văn nguyễn

Người lái tàu nổ máy bỏ lại hai anh em Lam và Hùng bơ vơ giữa mênh mông sóng nước. Nhìn nhau ngao ngán rồi Hùng đi trước, Lam dò dẫm bước theo sau, ba lô nặng trĩu phải nâng cao trên đầu cho khỏi ướt. Trên bờ, một gã thanh niên dong dỏng cao đang đứng chờ, không có vẻ gì là sẽ ra giúp đỡ hai vị khách đang chật vật di chuyển qua bãi đá lổn nhổn. Gã thanh niên mà theo như ban tổ chức giới thiệu từ trước tên là Kiên, vội vã quay bước ngay khi vừa thấy họ, buông lại câu chào:

- Mùa này lội nước như vậy là còn sướng chán, có khi biển động còn phải bơi vào ấy chứ.

Ba người, hai con chó, một con mèo, thêm năm con bồ câu, sáu con gà - đó là tất cả những gì đại diện cho sự sống mà Lam quan sát được sau vài phút đặt chân đến đảo. Tổ kiểm lâm nằm ở cuối bãi, mặt hướng về đảo lớn.

- Nước ngọt quý như vàng nên dùng tiết kiệm. Nước rửa bát, vo gạo xong thì dùng tưới cây. Điện có khi xui xui mưa bão liên tục thì không có.

Lam nhìn thấy những thùng phuy xanh đựng nước cỡ lớn ngay gần phòng ở, cạnh đó là khoảnh vườn nhỏ trồng mấy loại rau thơm non mơn mởn.

- Gọi điện thoại gấp thì dùng "cục gạch" của trạm đặt ngoài thùng xốp, còn muốn up hình sống ảo thì chịu khó đi tầm hơn cây số qua mặt sau của đảo sẽ có chỗ hứng được 4G.

Theo hướng tay chỉ của Kiên, Lam tò mò đến xem thử thì thấy một chiếc thùng xốp không đậy nắp được cột lên thân cây cao ngang người. Bên trong đặt 2 chiếc điện thoại đời cũ chính là "cục gạch" theo lời Kiên nói.

- Có trạm phát sóng đặt trên núi nhưng sóng biển và gió to quá đánh văng hết sóng, chui vào cái thùng này thì sóng lại đầy.

Bán tín bán nghi, Lam thử rút điện thoại của mình ra thì chẳng thấy cột sóng nào, điện thoại anh Hùng cũng chung tình trạng, chính xác thì đây mới là "cục gạch".

- Thôi, sơ sơ thế đã, còn cả 10 ngày cứ từ từ mà tìm hiểu nhé hai bạn trẻ. Bây giờ hai người đi tham quan một vòng quanh trạm làm quen đi.

Làm gì còn ai khác để làm quen ngoài hai con chó, một con mèo, năm con chim bồ câu và sáu con gà cả trống lẫn mái. Lam ngồi ngoài xích đu ven bờ biển nhìn màn hình không một cột sóng của chiếc điện thoại, thầm nghĩ không hiểu Kiên đã sống mấy năm ở đây kiểu gì. Vì một bài báo trong đề tài thực tập nên cô mới phải nhọc công xin làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển rồi trôi dạt ra nơi hoang vu thế này. Còn Kiên - có lý do gì để một người như anh gắn bó với nơi đây?

Ca trực rùa đầu tiên của Lam bắt đầu từ 3 giờ sáng. Kiên đi trước dẫn đường xuống bãi cát phía trước trạm kiểm lâm, họ tắt đèn, im lặng, chỉ có tiếng cát lạo xạo dưới chân, tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ. Khi mắt còn chưa quen với không gian xung quanh thì Kiên đã ra hiệu có rùa lên đẻ. Kiên soi đèn cho Lam và Hùng thấy vết tích rùa mẹ để lại trên cát một vệt chân dài từ mép nước kéo đến tận sâu trong lùm cây, to như bánh xe tăng. Rón rén đi lại gần bụi cây, Lam đã nhìn thấy hình dáng rùa mẹ to kềnh và nghe rõ tiếng bới cát rào rào:

- Con này chưa đẻ đâu, hố cát bới còn nông lắm. Đi hết một vòng bãi rồi quay lại xem.

Họ lại tiếp tục im lặng đi dọc bãi cát, phát hiện thêm hai rùa mẹ đang lấp hố cát. Kiên ra hiệu mọi người ngồi chờ.

- Anh Kiên, sau này rùa mẹ có nhận ra mấy con rùa con của mình không?

- Dĩ nhiên là không rồi, rùa mẹ lên bãi đẻ xong lấp hố cát quay về biển là hoàn thành nhiệm vụ của mình. Rùa con sau khi nở ra sẽ tự chui lên khỏi mặt cát và bơi về biển, tự sinh tồn.

- Thế sao mình không để trứng ở bãi cát mà phải mang về hồ ấp trong trạm?

- Ngày xưa thì không phải mang về. Nhưng những năm gần đây thì phải làm vậy, những kẻ trộm trứng rùa sẽ lấy trộm về bán với giá vài trăm ngàn một quả. Vì hám lợi, chúng sẵn sàng xẻ thịt rùa mẹ để lấy trứng.

- Thật độc ác. Nhưng mà ai sẽ mua trứng rùa, mua làm gì cơ chứ?

- Thì những người tò mò, những người tin là trứng rùa bổ béo, kiểu thế đấy. Như mùa sinh sản này phải đi tuần thường xuyên, trộm nó canh mình chứ mình đâu canh được nó.

Đêm trực rùa đầu tiên kết thúc lúc 4 giờ sáng khi ánh trăng sáng vẫn mơn man dịu dàng trên mặt biển, nước triều rút tít xa xa để lộ những ghềnh đá nhấp nhô. Kết quả thu được là bốn ổ trứng rùa và những câu chuyện thú vị của Kiên. Lam phát hiện chỉ cần đụng tới rùa biển là Kiên sẽ nói rất nhiều và hăng say. Hóa ra không phải anh ta ít nói mà là do chưa rà trúng đài.

Những ngày tiếp theo ở trên đảo có thêm sự xuất hiện của anh Trung trạm trưởng vừa nghỉ phép trong đất liền ra. Thời gian tiếp xúc cũng cho Lam cái nhìn thiện cảm hơn về Kiên, dù anh ta vẫn tỏ ra xa cách, thích ở một mình, có khi biến đâu mất hàng giờ cùng chiếc máy chụp hình.

Buổi tối hôm đó Kiên đi tuần, Lam nhanh chóng cầm máy chụp hình xin đi theo, cô vẫn chưa chụp được nhiều cảnh ban đêm. Cả hai vòng ra bãi phía sau trạm, qua khỏi chỗ mấy tảng san hô nhấp nhô khó đi, Kiên tắt đèn như thói quen. Trời rất tối, bước chân Lam chậm chạp khó nhọc theo sau Kiên.

- Có rùa không anh Kiên?

- Làm gì có rùa giờ này.

- Thế mà anh cũng ra làm gì cho mất công.

"Suỵt" - Kiên ra hiệu cho Lam đi theo mình đến phía sau một gốc cây to, có một chiếc đèn pin đang bật sáng.

- Nhìn thấy chứ, đó là cua xe tăng, chỉ có ở Côn Đảo, loài cua cạn lớn nhất Việt Nam.

Lẫn trong đám lá mục là hai con cua to đang giương càng lên.

- Chúng nó đang làm gì thế? Chuẩn bị đánh nhau à?

- Có lẽ vậy, con bên trái là hàng xóm mới, chắc đang chào hỏi.

- Sao anh biết đó là con mới?

Kiên đưa tay chỉ về vị trí gần đó - nơi có chiếc go pro đang nhấp nháy.

- Anh đặt máy quay hả? Quay từ lúc nào?

- Từ lúc nó còn chui dưới hang, tôi ngồi chờ đói bụng quá nên đặt máy rồi vào ăn cơm.

- Tôi chụp hình được chứ?

- Được.

Lam và Kiên ngồi quan sát hai con cua thêm một lúc nhưng chúng vẫn giương càng đứng im quan sát nhau. Kiên ra hiệu quay lại bờ biển, trả lại không gian cho chúng.

- Vậy là anh phải quan sát chúng lâu rồi nhỉ?

- Ừm.

Kiên lấy chiếc máy chụp hình đưa cho Lam. Trong máy là hình và video rất nhiều loài sinh vật trên đảo. Có những loài động vật Lam mới chỉ thấy lần đầu.

- Tất cả đều là anh quay và chụp à?

- Ừm.

- Cái này có tiếng nói nữa này, nhưng mà nhỏ quá nghe không rõ. Anh nói gì thế?

- À, cái này hả, tôi đang giải thích về mẹ rùa này đi lên đi xuống 5 đêm rồi mới chịu đẻ.

- Rùa nín đẻ được hả?

- Được chứ. Có khi rùa lên gặp trúng chỗ đá cứng không đào hố được thì tìm chỗ khác hoặc quay về biển, hôm sau lên tiếp.

- Anh có tài quay phim chụp hình đó. Sao anh không làm kênh YouTube?

- Để làm gì?

- Thì kiếm tiền.

- À cái đó tôi lười.

- Lười mà đêm hôm lạnh lẽo còn ra đây rình mấy con cua. Tôi nghĩ nhiều người sẽ rất thích xem những video này, nhất là tụi con nít ấy. Hồi bé tôi rất thích xem thế giới động vật, cảm thấy rất thần kỳ khi người ta núp ở đâu mà quay được những cảnh ngoạn mục như thế, rồi còn giải thích được về hành động của những con vật nữa.

- Tôi đâu có giải thích được.

- Thì anh cứ nói những cái anh biết thôi.

Thấy Kiên im lặng không nói gì, Lam cũng ngồi yên xem tiếp, thỉnh thoảng muốn nói gì đó rồi lại thôi.

- Sao, có gì muốn hỏi?

- Sao anh lại ra đây?

Rút cuộc Lam cũng hỏi cái câu cô luôn thắc mắc từ ngày đầu tiên đặt chân ra đảo. Một thanh niên nhà thành phố 28 tuổi, chưa vợ con, lại có thể sống quanh năm suốt tháng trên một hòn đảo nhỏ mà số vật nuôi áp đảo số người. Không internet. Không ti vi. Lam cứ ngỡ mình đã gặp được anh kỹ sư trong Lặng lẽ Sa Pa (*) năm nào.

- Cũng không có gì đặc biệt, lúc đó người yêu đi lấy chồng. Tôi thì mãi chẳng xin được việc nào phù hợp. Ông anh gọi nói ngoài Côn Đảo có tuyển người làm hợp đồng mấy tháng, thế là hôm sau vác ba lô đi ngay không suy nghĩ. Lúc ấy như kiểu chết đuối vớ được cọc ấy. Vậy mà được 3 mùa rùa rồi.

- Đã bao giờ anh có ý định muốn bỏ việc chưa?

- Rồi. Không đếm hết. Thường là những ngày biển động. Bình thường chịu khó đi qua bên phía kia đảo là bắt được sóng, còn những ngày ấy thì chịu chết, cứ nằm trong nhà nhìn mấy con thạch sùng, cơm chẳng buồn nấu, cứ mì gói mà húp. Lúc có tàu sang tiếp tế thì qua "cơn" rồi, lại ở tiếp.

- Nhưng anh định ở đây bao lâu? 5 năm hay…

- Cũng không rõ nữa. Luôn có những thời điểm và tình huống buộc ta phải lựa chọn.

Tiếng chó sủa kéo Lam và Kiên khỏi cuộc trò chuyện thân thiết hiếm hoi. Ánh đèn pin phía xa xa cũng đang di chuyển về phía họ.

- Có điện thoại từ bên Vườn quốc gia gọi - tiếng anh Trung vọng từ xa.

Đó là cuộc gọi báo tin áp thấp nhiệt đới đang tiến gần đảo. Gần nửa đêm gió bắt đầu mạnh dần, rồi mưa ào ào như trút nước, tiếng cành cây gãy răng rắc. Không ai ngủ được, mọi người tập trung quanh bàn trà.

- Cứ mưa to gió lớn là vậy đó, muốn ngủ cũng không ngủ yên được. Năm ngoái bão to lúc đó có mình thằng Kiên ngoài này, còn không dám ở trong trạm, sợ cây to đổ sập trạm, phải chui vào bồn nước trốn. Hỏi nó kể cho mà nghe.

Đáp lại ánh nhìn mong chờ chỉ là sự im lặng của Kiên. Kiên nhìn ra chỗ trạm điện thoại - bây giờ đã chẳng còn dấu tích mấy cái thùng xốp sau trận cuồng phong. Buổi sáng khi mưa gió lắng xuống cũng là lúc tất cả đối diện với tàn dư mà nó để lại.

- Cái này chưa phải tâm áp thấp quét qua đâu.

Đập vào mắt Lam là khung cảnh xơ xác tả tơi: giàn bí xanh đổ sập, lá và quả bàng vương vãi khắp sân. Cũng may hồ rùa vẫn nguyên vẹn không bị ảnh hưởng gì. Theo phân công, Lam và Hùng vòng xuống phía cuối bãi gom rác dạt vào bờ, Trung và Kiên sẽ cưa cây bàng bị đổ lấy lối đi.

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời Lam rơi vào cảm giác đứng hình. Đang cắm cúi nhặt rác, còn chăm chỉ đặt điện thoại quay timelapse, bất chợt ngẩng đầu lên đập vào mắt Lam là xác một rùa mẹ nằm phơi mình trên cát, khuất sau rễ cây đước chằng chịt. Thoạt đầu Lam còn nghĩ đó là một rùa mẹ lên đẻ bị lạc đường, nhưng định thần nhìn kỹ không thấy động đậy, lại còn vệt máu loang dưới thân, Lam lập tức hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cô cuống cuồng thông báo cho anh Hùng về gọi Kiên và anh Trung.

- Cái này chắc cỡ 3 - 4 giờ sáng. Bọn này phải mấy thằng, chúng nó lôi từ bãi cát vào đây mới lấy trứng.

Anh Trung lên tiếng sau một hồi quan sát. Lam chực trào nước mắt khi nghĩ đến cảnh tượng kinh khủng ấy. Chỉ vì mấy quả trứng mà con người nhẫn tâm giết chết một con vật vô tội.

Bữa cơm trưa hôm đó diễn ra muộn và lặng lẽ hơn thường ngày. Kiên hì hục sửa mấy cái "buồng điện thoại" rồi vào bàn ăn qua loa chén cơm. Điện thoại vừa kết nối cũng là lúc Lam nhận tin chuyến tình nguyện của họ sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Ca nô của Vườn quốc gia đến đón ngay sau bữa cơm. Chiều hôm đó, cô kịp đáp chuyến bay muộn trở về thành phố.

Lam và Kiên không liên lạc từ sau khi rời đảo, bài báo trong đợt thực tập của cô về rùa biển được đánh giá cao. Lam được nhận làm cộng tác viên chính thức của tờ báo mảng môi trường. Niềm háo hức xen lẫn áp lực của những đề tài khó nhằn khiến ký ức về chuyến đi tình nguyện cũng dần phai nhạt. Cho đến một buổi sáng vào văn phòng, đang ảo não vì chưa nghĩ ra đề tài thì chị đồng nghiệp kế bên chìa điện thoại cho Lam xem một video trên YouTube.

- Cậu này quay giới thiệu về rùa, cả mấy con vật ở Côn Đảo nữa, giống hồi em đi phải không? Thằng bé nhà chị khoái coi lắm, cứ xem đi xem lại hoài. Mà chị nhớ em nói ngoài đảo không có 4G mà nhỉ...

Chị đồng nghiệp còn nói thêm vài câu, nhưng lúc này Lam chỉ chăm chăm nhìn vào tên kênh YouTube: Người canh đảo. Lam về bàn mình, mở máy tính lên chăm chú xem từng video chỉn chu, có hình ảnh sống động và giọng thuyết minh, giống như chương trình Thế giới động vật mà cô xem hồi bé. Đặc biệt cuối mỗi video đều có dòng chữ "Toàn bộ lợi nhuận từ các video đều được đóng góp cho quỹ bảo tồn thiên nhiên". Lam mỉm cười, biết mình đã tìm ra nhân vật chính cho bài viết sắp tới, còn Người canh đảo có lẽ cũng đã tìm được niềm vui mới cho công việc của mình. 

(*) Lặng lẽ Sa Pa - truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Người canh đảo - Truyện ngắn dự thi của Huyền Trần- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.