Những cuộc đoàn tụ không ngờ...
Sau cơn mưa đêm, sáng hôm sau nắng vàng đã rải đều trên con hẻm nhỏ vào nhà ông Tống Phước Phúc.
D., 23 tuổi, quê Bình Thuận, đang đứng trước ngôi nhà nơi cô tá túc cách đây một năm. Người mẹ ấy đã quay lại tìm con gái mình. Cô gái bước vào nhà, rồi bỗng khóc khi nhìn bé thơ xinh xắn, là một phần máu mủ của mình. Mới đầu, đứa trẻ sợ sệt nhìn mẹ. Nhưng một lúc sau, cứ như có một sợi dây vô hình nào đó kéo hai mẹ con lại gần, ánh mắt đứa bé bỗng tươi tắn rồi sà vào lòng mẹ. Nhìn cảnh mẹ con đoàn tụ, ông Phúc cũng rơi nước mắt.
Ông cho biết: “Sau khi sinh bé được một tuần thì D. bỏ đi. Khi bé được hơn 1 tuổi, mẹ bé gọi điện cho mình, nói là đã tìm được việc làm, nay muốn đến nhận con về. Mình biết, dù mình có nuôi dưỡng tốt bao nhiêu cũng không bằng tình mẫu tử, nên khi mẹ các bé quay lại là mình vui lắm. Vui nhưng cũng nhớ các bé lắm, lâu lâu lại liên lạc hỏi thăm”.
|
Trường hợp của D. chỉ là một trong số hàng chục câu chuyện về sự đoàn tụ của tình mẫu tử. Ông Phúc cho biết, suốt 15 năm qua, có trên 50 em nhỏ đã được mẹ quay lại đón về. Trong đó, nhiều người mẹ từng lầm lỡ cũng đã tìm được hạnh phúc, tuy là muộn màng.
Ông Phúc nghẹn ngào kể: “Mới đây, con bé T. ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) gọi điện cho mình, réo lên: “Chú ơi, con sắp làm đám cưới. Chú nhớ đến dự nghe”. Rồi kể với mình là bố đứa bé đã đến thú nhận và gia đình hai bên đã đồng ý cho làm đám cưới. Mình mừng lắm. Đám cưới tuy muộn màng, nhưng cuối cùng các cháu đã biết vượt qua mặc cảm, vun vén hạnh phúc, để đứa bé được sống trong tình thương của một gia đình đúng nghĩa, để con có một tương lai, có mẹ có cha”.
Nhà T. rất nghèo. Năm 2018, vào Nha Trang làm thuê. Sau khi yêu đương, T. phát hiện mình có bầu thì người yêu bảo phá. T. đến xin tá túc tại nhà ông Phúc. Đến khi sinh, T. mới thông báo mọi chuyện cho bố mẹ. Bố mẹ T. sau đó đã đón mẹ con T. về nhà.
|
|
Ông Phúc kể rằng, sau một thời gian tá túc tại nhà ông, khi các mẹ đơn thân trở về với gia đình, ông chỉ nhắn nhủ việc ông làm là sự đùm bọc, cưu mang bằng tình thương giữa người với người. “Giữa đời thường, nếu các con gặp những người nào đó lỡ rơi vào hoàn cảnh tương tự, hãy truyền động lực cho họ sống tốt. Những ai có ý nghĩ dại dột, các con hãy nói họ đến với vợ chồng chú. Như vậy, các con cũng đã trả ơn cuộc đời rồi”.
“…Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh, chị, cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ, có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của con người được xây dựng trên cơ sở của đạo đức và phẩm hạnh…”, Trích thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi vợ chồng ông Tống Phước Phúc ngày 23.10.2006. |
Bất chấp mọi gièm pha
Ông Tống Phước Phúc tâm sự rằng, hơn 15 năm qua, ông đã trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Đã có lúc ông nghĩ đến việc buông bỏ công việc mình làm. Tuy nhiên, những thời khắc gian nan nhất ông Phúc lại càng tự động viên mình cần mạnh mẽ hơn để tiếp tục việc làm thiện nguyện bằng tất cả tâm huyết.
“Thời gian đầu thật sự là quá nhiều nổi khổ tâm. Nhiều đêm mình không ngủ được. Không hiểu tại sao, mình làm cái việc đẹp cho đời như vậy mà vẫn bị người ta dị nghị, gièm pha. Kinh khủng hơn, có người còn gửi thư nặc danh lên công an, nói là ông Phúc kinh doanh trên thân xác phụ nữ và trẻ em, ông đem bán trẻ con cho Trung Quốc. Rồi công an cũng vào cuộc. Dần dần mọi người biết rằng mình làm tất cả chỉ bằng cái tâm”, ông nói.
|
Sự đồng hành của người vợ và hai con ruột luôn là niềm động viên lớn để ông Phúc tiếp tục viết nên những câu chuyện nhân văn. Bà Nguyễn Thị Lệ Yến, vợ ông Phúc, chia sẻ: “Có nhiều người nói mình sao lại để chồng làm việc này. Mình nghĩ ảnh đâu có làm việc gì xấu đâu. Mình thấy ảnh làm việc tốt, việc đạo đức thì mình để chồng làm. Mình cũng hỗ trợ, đồng hành cùng ảnh nữa. Vợ chồng mình có hai đứa con, các con mình cũng thương yêu, đùm bọc tất cả những đứa trẻ khác sống chung trong ngôi nhà này như anh chị em ruột thịt”.
|
|
“Dường như luôn có điều gì đó xuất hiện đúng lúc để thôi thúc mình tiếp tục. Năm 2006, lúc mình đang có chút nản lòng, thì nhận được Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Gần đây là bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương; là sự đồng hành, chung tay của rất nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Từ đó, niềm tin của mình ngày càng mạnh lên. Mình biết mình như một cái phao để những chị em lầm lỡ có thể bám víu, là nơi để các trẻ bị bỏ rơi có thể nương tựa. Mình biết vẫn còn những người ở bên đồng hành với mình, vậy thì tại sao mình không tiếp tục ?”, ông trải lòng.
|
|
|
Để có “tư cách pháp nhân” nhằm duy trì việc nhận và nuôi dưỡng những đứa con nuôi, năm 2011, ông Phúc làm hồ sơ xin thành lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ lấy tên Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc và được chính quyền địa phương chấp nhận. Với ông Phúc, niềm vui hàng ngày là nhìn các con lớn lên, vui tươi, khoẻ mạnh. “Mình vui vì giúp đỡ được cho những mảnh đời bất, bảo vệ được những mầm sống. Nhưng mong muốn lớn nhất của mình là sẽ không có đứa trẻ vô tội nào bị bỏ rơi nữa…”, ông nói.
Chân trời mới cho các con Ông Huỳnh Quang Tú, Chủ tịch UBND P.Phương Sài, cho biết thêm: Thời gian qua, Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc có 10 cháu đã tìm được gia đình thay thế, theo diện giới thiệu làm con nuôi nước ngoài. Mọi trình tự, thủ tục đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, với sự xác minh, giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. Đây là cơ hội để những đứa trẻ không may mắn, bị bỏ rơi được hưởng sự chăm sóc và giáo dục toàn diện hơn, để các cháu có tương lai tươi sáng hơn. Ông Phúc chia sẻ: “Mấy đứa nhỏ được nhận vào gia đình thay thế ở Mỹ. Có đứa qua đó gọi điện thoại về cho mình, nói: “Con qua đây thích lắm, nhưng mà con cũng nhớ mấy em, nhớ ba má lắm”. Mình khuyên các con cố gắng học thành tài, trở thành người có ích. Mình vui vì nơi chân trời mới, các con sẽ có điều kiện sống tốt hơn”. |
Bình luận (0)