Liên quan đến vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng bất cứ người dân nào bị ảnh hưởng bởi vụ cháy đều có quyền khởi kiện tòa yêu cầu doanh nghiệp này bồi thường thiệt hại.
Luật sư Hậu phân tích, Công ty Rạng Đông sản xuất các sản phẩm có sử dụng chất độc hại nên phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường theo quy định pháp luật. Vụ hỏa hoạn xảy ra tại doanh nghiệp này là sự cố nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến hàng ngàn người dân thủ đô: "Chúng ta nên lưu ý, sau vụ cháy, Công ty Rạng Đông đã nhận trách nhiệm, đã xin lỗi. Tuy nhiên cả khoảng thời gian dài sau khi xảy ra khi xảy ra đám cháy, họ đã không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào với người dân. Và việc vụ cháy gây ra bất cứ thiệt hại nào cho người dân thì doanh nghiệp này cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Hậu nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, vụ cháy tại Công ty Rạng Đông không chỉ gây tổn hại về sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến việc làm, kinh doanh của họ, chi phí khắc phục, di chuyển tài sản… cũng là những cơ sở phát sinh yêu cầu bồi thường. Theo Điều 589 của Bộ luật dân sự, quy định những thiệt hại khi tài sản bị xâm hại bao gồm tài sản bị mất, bị tiêu hủy, hoặc lợi ích khác bị giảm sút, hoặc tăng chi phí.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 bộ luật Dân sự. Theo đó, hậu quả của vụ cháy này mà gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường sẽ là thiệt hại thực tế đã gây ra đối với người bị hại, trừ trường hợp người bị hại có lỗi: “Bất cứ người dân xung quanh khu vực vụ cháy nếu thấy bị ảnh hưởng, bị thiệt hại thì đều có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đó có thể là về sức khỏe, tài sản bị hư hại, doanh thu giảm sút…”.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, ngoài việc bồi thường, Công ty Rạng Đông còn bị xem xét trách nhiệm về hành vi vô ý gây thương tích tổn hại cho người khác. Trong trường hợp, cơ quan chức năng xác định đơn vị này vi phạm các quy định về phòng cháy dẫn đến hỏa hoạn thì còn phải xử lý hình sự đối với người có trách nhiệm bởi đám cháy gây ra thiệt hại cho nhiều tổ chức, cá nhân.
Kể cả trong trường hợp cơ quan chức năng xác định vụ cháy không phải do lỗi của Công ty Rạng Đông thì doanh nghiệp này cũng phải bồi thường, bởi Điều 602 Bộ luật Dân sự quy định chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Trong trường hợp này, Công ty Rạng Đông phải chịu trách nhiệm bởi đã khiến thủy ngân phát tán ra bên ngoài môi trường.
Bình luận (0)