Thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền dưới 2 tỉ đồng và nhà xã hội

Mai Hà
Mai Hà
03/11/2022 11:17 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM nêu thực trạng người dân đang thiếu trầm trọng nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, do sự bất cập và không đồng bộ giữa các luật hiện nay.

Sáng 3.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị cần điều chỉnh quy hoạch đất đai để giải quyết tình trạng cung cầu lệch pha.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM

bảo vân

Lý do theo đại biểu, số liệu thống kê cho thấy tình trạng dự án bất động sản phân khúc cao cấp và trung tâm hiện đang xuất hiện rất nhiều, người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở giá vừa túi tiền có giá dưới 2 tỉ đồng/căn và nhà ở xã hội.

Điều này tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội - là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị.

Nguyên nhân xảy ra một phần do quy định của luật Nhà ở 2014 đã không đồng bộ với luật Đất đai 2013. Để giải quyết, theo bà Lệ, cần tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy hoạch, ưu đãi, sử dụng quỹ đất hỗ trợ; tạo điều kiện không chỉ doanh nghiệp, người thu nhập cao có thể tiếp cận đất đai mà tầng lớp công nhân, lao động chân tay cũng có thể có điều kiện tìm được nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị, thuận tiện cho đi làm và sinh hoạt.

Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng cho rằng khi giải quyết được vấn đề quy hoạch, vấn đề cung cầu cũng sẽ có cơ sở để dần dần quay về quỹ đạo ổn định, từ đó kiểm soát được giá đất, giúp thị trường đất đai trở nên bình ổn, ngăn chặn đầu cơ, tham nhũng đất đai hiện nay.

Tâm lý thành viên hội đồng thẩm định đất “rất không an tâm”

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đề xuất luật nên bỏ chế định hộ gia đình, do phức tạp liên quan quyền chuyển nhượng nhất là đất nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

QH

“Có 3 loại quan hệ là quan hệ hôn nhân thì chứng minh bằng giấy kết hôn, quan hệ huyết thống qua giấy khai sinh, còn lại quan hệ nuôi dưỡng chưa có. Nhưng trong 3 quan hệ trên cũng chưa chắc có trong sổ hộ khẩu, nên khó khi chuyển nhượng, thừa kế”, bà Hạnh nói.

Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cũng cho rằng nhiều vụ án liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản như chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng vẫn huy động; huy động qua các hình thức chuyển nhượng đặt cọc giữ chỗ.

“TP.HCM có rất nhiều vụ việc, không rõ ràng minh bạch trong huy động vốn, chuyển nhượng căn hộ nên nhiều dự án chưa cấp đc sổ đỏ cho người dân, dù họ đã nhận nhà vào ở nhiều năm”, bà Hạnh nói.

Đại biểu Hạnh cũng đề xuất cần có cơ quan kiểm soát các điều kiện huy động vốn, có đủ điều kiện được giao dịch hay không sẽ ngăn được các giao dịch như thời gian qua, đồng thời đảm bảo quyền lợi người mua nhưng không ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp.

Về quy định về giá đất cụ thể, là một thành viên của hội đồng thẩm định giá đất của TP.HCM, bà Hạnh cho biết “tâm lý của các thành viên cũng rất không an tâm”. Lý do quy định có nêu trường hợp nào thì áp dụng phương pháp định giá đất nào, nhưng có những hồ sơ áp dụng được nhiều phương pháp khác nhau.

“Có ý kiến của Ủy ban Kinh tế là áp dụng hết cả 5 phương pháp, phương pháp nào hợp lý thì chọn. Nhưng nếu dùng phương án này thì có ý kiến hội đồng sẽ làm thiệt hại cho người dân nếu giá đất bồi thường thấp, hoặc nếu chọn mức cao nhất thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Thực tiễn 2 phương pháp này chênh lệch số tiền rất lớn, quy định phương pháp xác định giá đất cụ thể cần tạo hành lang pháp lý an toàn và công bằng bình đẳng với doanh nghiệp”, bà Hạnh nói.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cũng cho rằng quy định “giá đất phổ biến trên thị trường” cũng có nhiều vấn đề, như phải “xuất hiện với tần suất giá đất nhiều nhất”, nhưng nhiều khu vực rất ít giao dịch, hay không xuất hiện yếu tố đầu cơ thì thế nào để xác định?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) thì nêu bất cập trong vấn đề bồi thường tái định cư. “Khi mua căn nhà người dân đi tới đi lui khảo sát, nếu tính bồi thường ở nơi khác bằng và tốt hơn nơi cũ rất khó. Rất nhiều dự án như chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp... đưa vào để thu hồi đất của người dân thì không ổn. Nếu cần dự án kinh tế xã hội thì thương lượng với dân theo giá thị trường, hoặc chỉ xem xét những loại đất nông nghiệp, hạn chế thu hồi đất phi nông nghiệp và đất nhà ở của dân”, ông Ngân nói.

Đại biểu này cũng nêu thực tế, khi tiếp xúc cử tri, người dân cho rằng “miếng đất của dân tự dưng quy hoạch thành đất công viên, cây xanh và thu hồi theo giá rất thấp, trong khi kế bên cách vài mét quy hoạch đất thương mại thì đền bù chênh lệch quá lớn”. Trong khi, theo ông Ngân, người ở khu thương mại vẫn sử dụng công viên, vậy thì phải chia sẻ với những người bị thu hồi đất làm công viên để đảm bảo công bằng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.