Người già và phụ nữ là đối tượng của lừa đảo chuyển tiền

Phạm Đức
Phạm Đức
23/05/2024 16:58 GMT+7

Gần đây, nhiều người dân ở Hà Tĩnh bị kẻ lừa đảo giả danh cán bộ công an hoặc người thân lừa chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Nạn nhân chủ yếu là người già và phụ nữ.

Ngày 23.5, thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian gần đây, lực lượng công an và cán bộ các ngân hàng ở Hà Tĩnh liên tục ngăn chặn được nhiều vụ giả danh lừa người dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Nạn nhân mà kẻ lừa đảo nhắm tới chủ yếu là người già và phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị N. đến trình báo sự việc với công an về việc có kẻ giả danh để lừa chuyển tiền

Bà Nguyễn Thị N. đến trình báo sự việc với công an về việc có kẻ giả danh để lừa chuyển tiền

TÂN KỲ

Chiều ngày 22.5, một kẻ lừa đảo giả danh là cán bộ Công an H.Đức Thọ (Hà Tĩnh) gọi điện cho bà Nguyễn Thị N. (75 tuổi, ngụ tại thôn Đức Hương Quang, xã Lâm Trung Thủy, H.Đức Thọ) yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng.

Kẻ lừa đảo cho biết bà N. vay tiền của một ngân hàng đã đến thời hạn thanh toán và phải chuyển gấp số tiền 900 triệu đồng nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Dù rất lo lắng nhưng bà N. đã đề cao cảnh giác, liên hệ với Công an xã Lâm Trung Thủy để trình báo.

Sau khi xác minh, cán bộ Công an xã Lâm Trung Thủy đã giải thích cho bà N. biết đó là hành vi giả danh lực lượng chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước đó vào ngày 10.5, ông B.N. (65 tuổi, ngụ tại P.Đậu Liêu, TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) nhận được tin nhắn từ một tài khoản Facebook có hình đại diện và thông tin giống của con gái đang xuất khẩu lao động tại Đức.

Người già và phụ nữ là đối tượng của lừa đảo chuyển tiền- Ảnh 2.

Cán bộ công an và nhân viên ngân hàng kịp thời giúp ông B.N. dừng chuyển tiền cho kẻ lừa đảo

TÂN KỲ

Tin nhắn có nội dung: "Con gái đang làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế để nhận hoa hồng. Nhờ Ba chuyển 90 triệu đồng vào một tài khoản rồi sau đó sẽ chuyển lại cho 99 triệu đồng".

Tin lời, ông N. đến một chi nhánh ngân hàng ở trên địa bàn chuyển tiền. Tại đây, ông N. được cán bộ của Đội Cảnh sát hình sự Công an TX.Hồng Lĩnh và nhân viên ngân hàng giải thích, yêu cầu gọi điện xác nhận lại với con gái.

Qua trao đổi, con gái ông N. cho biết không làm dịch vụ chuyển tiền và không nhắn tin với nội dung như trên nên ông này mới hiểu rõ là bị kẻ xấu lừa đảo và dừng thực hiện giao dịch.

Hay như vào chiều 8.5, bà N.T.N. (ngụ tại xã Sơn Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng nhận được cuộc điện thoại lạ, đầu dây bên kia giới thiệu đang công tác ở Công an TP.Hà Nội. Người này đọc đúng thông tin cá nhân và nói bà N. có liên quan đến khoản vay 70 triệu đồng tại một ngân hàng ở Hà Nội.

Kẻ giả danh công an này còn đọc giấy triệu tập, yêu cầu bà N. cung cấp thông tin có liên quan và đề nghị nhanh chóng trả nợ.

Do trước đó đã được tiếp cận với các thông tin về lừa đảo trên không gian mạng nên bà N. cảnh giác, đến công an xã để trình báo sự việc và cung cấp thông tin có liên quan.

Trước tình trạng thủ đoạn của kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương chủ động đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm lừa đảo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân.

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua đơn vị này đã tích cực phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, cảnh báo trên hệ thống loa truyền thanh, trên nền tảng mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để người dân hiểu và cảnh giác, phòng ngừa.

"Với việc có các nhóm Zalo kết nối trực tiếp với từng khu phố, địa bàn dân cư và người dân, các thông tin liên quan đến tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng đều được lực lượng công an cập nhật, đăng tải, chia sẻ kịp thời để người dân nắm rõ. Nhờ sự nỗ lực của ngành chức năng và ý thức trách nhiệm người dân nên việc phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, nhất là ngăn ngừa lừa đảo qua mạng đã được nâng lên rõ rệt", thượng tá Diệu nói.

Theo thượng tá Diệu, người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi lạ, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm. Đặc biệt là không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.

Xem nhanh 20h ngày 23.5: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.