Người làm sai xin lỗi

02/11/2019 07:06 GMT+7

Thời gian 40 năm, quá nửa đời người và mới đây, 7 con người mang thân phận bị can chừng ấy năm được Viện KSND tỉnh Tây Ninh chính thức công khai xin lỗi.

Niềm vui, cảm xúc có lẽ không ai bằng chính những người bị hàm oan:
ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Văn Dũng, cụ Võ Thị Thương và ông Nguyễn Công Trung...
Nỗi đau của họ là dai dẳng, vết thương của họ là vĩnh viễn. Không một ai, không một cơ quan nào, một lời xin lỗi hoặc bao nhiêu tiền bồi thường oan sai bù đắp được cho 40 năm nỗi đau vật chất, tinh thần mà họ đã gánh chịu. Oan sai 40 năm đã chôn vùi tuổi trẻ, cuộc sống của họ và gia đình. Suốt 40 năm sống cũng bằng chết.
Và ngày hôm nay họ được minh oan thì phải ghi nhận sự công tâm, nỗ lực và lắng nghe, cầu thị của Cơ quan Kiểm sát, của Viện trưởng Viện KSND tối cao và lãnh đạo Viện KSND tỉnh Tây Ninh để có một buổi xin lỗi công khai đầy cảm xúc như Thanh Niên vừa thông tin.
Song, những câu nói giá như buổi xin lỗi diễn ra sớm hơn, giá như lời kêu oan của họ được lãnh đạo cấp trên quan tâm xem xét sớm hơn... lại làm đau đáu những người lắng nghe.
Rồi chính 8 nạn nhân trong buổi xin lỗi (1 người được xin lỗi trước) và cùng nhiều người dân đến hội trường buổi xin lỗi cũng sẽ có những tâm tư, thắc mắc, về việc người gây ra oan sai hiện đang sống tại địa phương sao không có mặt để xin lỗi. Tại sao không yêu cầu họ có mặt ở buổi xin lỗi, để chứng kiến và phải có lời xin lỗi đối với những con người bị oan.
Có ý kiến cho rằng Viện Kiểm sát sai thì Viện Kiểm sát xin lỗi và chưa có quy định nào buộc người thi hành công vụ hoặc người từng thi hành công vụ gây oan sai thì phải xin lỗi người bị oan.
Thực tế người bị hàm oan không kêu Viện Kiểm sát làm oan mà kêu tên kiểm sát viên hoặc viện trưởng hay viện phó hoặc nguời thừa hành công vụ cụ thể. Buổi xin lỗi oan sai là người đại diện thường không phải là người gây ra vụ việc, nên khiến người được xin lỗi không cảm thấy thỏa mãn, không cảm nhận hết được việc xin lỗi này là chân thành, không phải là hình thức.
Gây oan sai là người đại diện cơ quan thẩm quyền nhà nước. Quy định nhà nước xin lỗi là đúng nhưng chưa đủ. Nên có sự bổ sung việc triệu tập những người trực tiếp gây oan sai đến buổi lễ. Họ cũng phải xin lỗi người bị hàm oan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.