Người mẹ Gạc Ma: Kỳ 1: Am thờ con còn 'dãi nắng, dầm mưa'

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
15/03/2018 08:00 GMT+7

Tròn 30 năm trận hải chiến Gạc Ma (14.3.1988 - 14.3.2018), trong số nhiều mẹ liệt sĩ còn sống, không ít người sống neo đơn trong hoàn cảnh khó khăn.

Biệt ly

Ngày 11.3, phóng viên Thanh Niên thăm mẹ Huỳnh Thị Kế (85 tuổi, ngụ đường Núi Thành, P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Nhà mẹ nằm ở hẻm cụt, qua 3 ngã rẽ trong đường kiệt chỉ 1,5 m, 2 xe máy tránh nhau không lọt. Cổng sắt thấp lè tè và dây xích sắt kiểu nhà cũ xây cách đây hơn 30 năm vẫn y nguyên.

Nhà mẹ vẫn không có gì thay đổi, chỉ có điều lớp tường vôi đã bong tróc nhiều sau mùa mưa dai dẳng cuối 2017, khiến mẹ khổ sở sống chung với mùi ẩm mốc mấy tháng qua. Nhưng bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, dù nằm trong am nhỏ ngoài trời ngay lối ra vào nhà, vẫn tươm tất.

Giường nơi mẹ Huỳnh Thị Kế nghỉ ngơi nằm bên bờ tường đã bị thấm nhiều năm, nổi rêu mốc - Ảnh: Nguyễn Tú
Dù nhà thấm ẩm, nhưng bàn thờ liệt sĩ nằm ngoài sân vẫn luôn tươm tất - Ảnh: Nguyễn Tú
Bất kể nắng mưa, hằng ngày mẹ Kế vẫn ra lau chùi, quét dọn bàn thờ liệt sĩ Đoàn. Anh nhập ngũ tháng 3.1987, hy sinh ngày 14.3.1988 khi chỉ vừa 19 tuổi; cấp bậc: binh nhất, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 83 Quân chủng Hải quân (E83).

Dẫn chúng tôi ra ngoài sân, mẹ Kế kể: Năm 1987, một hôm bà đi bán rau hành ngoài chợ về không thấy anh Đoàn đá banh trong sân. Một lúc sau anh về khoe với mẹ vừa ra phường đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Mẹ Kế thoáng sững sờ vì mẹ chỉ có 2 người con, anh Đoàn lại là trai đầu, sau chỉ còn em gái. Nhưng rồi mẹ cũng không suy nghĩ nữa bởi mẹ biết tính con trai, có ngăn cản cũng không được vì anh Đoàn đã đăng ký.

Mẹ Kế sống neo đơn trong ngôi nhà cũ - Ảnh: Nguyễn Tú
Hằng ngày lo nhanh khói cho chồng - Ảnh: Nguyễn Tú
Gia tài lớn nhất của mẹ chỉ là những tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ con mẹ - Ảnh: Nguyễn Tú
Mẹ Kế nói, hồi đó gia đình rất khó khăn, mẹ buôn gánh bán bưng đi từ ngày này qua ngày nọ. Một ngày tháng 3.1988, mẹ nghe nói là anh Đoàn vừa từ đơn vị ở Sơn Trà về chào gia đình trước khi lên đường đi Cam Ranh (Khánh Hòa) để ra Trường Sa mà mẹ không kịp gặp.
Mẹ xuống bếp, thấy nồi cơm nguội vơi một ít. Mẹ biết anh Đoàn ăn vội chén cơm nguội với miếng cá mờm trong xoong mà ứa nước mắt. Mẹ đau đớn bởi không kịp nấu cho anh Đoàn một bữa ăn no đủ. “Rồi giờ phút nớ là hắn biệt ly luôn, không trở lại gia đình nữa”, mẹ khóc.

Mẹ muốn có nơi để thờ con đã hy sinh

Nhưng với mẹ Huỳnh Thị Kế, đau buồn thì buồn vậy thôi chứ không thể buồn mãi được. Mẹ lại tiếp tục nuôi con gái lớn và những năm sau này là chăm chồng bệnh tật không đi lại được cho đến khi chồng mất.

Hơn 10 năm qua, mẹ Kế không còn khỏe để bán rau hành ngoài chợ nữa, hằng tháng sống nhờ hơn 3 triệu đồng tiền liệt sĩ Nhà nước hỗ trợ.

Mẹ Kế nói mẹ đau lòng bởi khi con sống không chăm sóc được cho con, đến khi anh Đoàn hy sinh mà vẫn nuôi mẹ. Số tiền này mẹ chắt chiu chi tiêu cũng vừa vặn, chỉ khi đau ốm cần mua thuốc thang thì hơi thiếu trước hụt sau.

Hằng ngày mẹ làm vườn cho khuây khỏa tuổi già - Ảnh: Nguyễn Tú
Chiếc lon mẹ ghi số điện thoại của con gái để khi trái gió trở trời nhờ người gọi - Ảnh: Nguyễn Tú
Phía sau nhà mẹ có căn phòng trọ cho sinh viên thuê, thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Mẹ Kế nói tiền này cho con gái Nguyễn Thị Bích Liễu vì gia đình chị Liễu cũng khó khăn.
Buồn nhất là hiện mẹ sống neo đơn tuổi già trong căn nhà cũ nát. “Nhiều lúc mẹ cũng tủi thân vì có 2 đứa con, một đứa đi bộ đội hy sinh, đứa con gái còn lại cũng bệnh hoạn đau ốm miết”, mẹ Kế nói.

Buổi trưa chị Nguyễn Thị Bích Liễu, con gái mẹ hay về ăn trưa, rồi ban đêm về nhà chồng. Mẹ Kế không biết sử dụng điện thoại, chỉ cất số điện thoại của chị Liễu, phòng khi trái gió trở trời thì nhờ sinh viên ở trọ phía sau gọi điện.

Năm ngoái, mẹ Huỳnh Thị Kế gửi đơn đến các cấp ngành xin bố trí đất, để mẹ có căn nhà thờ phụng liệt sĩ, vì căn nhà hiện tại chỉ ở nhờ bên phía nhà chồng.

“Mẹ muốn có nơi để thờ con đã hy sinh, hiện nằm lại ở lòng biển sâu lạnh lẽo...”, mẹ Kế nghẹn ngào.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.