Thành công nhờ học hỏi
|
Chân ướt chân ráo đến Mỹ vào cuối những năm 1970, bà Helene An cùng chồng và 3 người con gái phải sống chung nhà với cha mẹ chồng và phụ việc trong tiệm ăn nhỏ mang tên Thanh Long ở TP.San Francisco (Califonia). “Mọi người trong nhà dù lớn hay nhỏ, ai cũng có việc tại Thanh Long. Ông nội và bố thu ngân, mẹ và bà đứng bếp còn tôi và em gái hát chúc mừng sinh nhật cho khách nếu cần”, bà Elizabeth (51 tuổi), con gái đầu của bà An kể với trang Eater.
Các con gái và cháu gái của bà Helene An hiện giữ vai trò điều hành, quản lý chuỗi nhà hàng, công ty dịch vụ thực phẩm của gia đình. Tuy nhiên, người được bà An chọn để truyền nghề lại là đầu bếp trẻ Tony Nguyen, người gắn bó với gia đình An từ lâu và được đầu bếp nổi tiếng xem như con trai. Ngoài ra, bà An còn ấp ủ dự định thành lập một quỹ nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các đầu bếp trẻ gốc Á và quảng bá thêm cho truyền thống, di sản Việt tại Mỹ.
|
Thanh Long phát triển cực thịnh vào thập niên 1980 nhờ món mì “thần thánh” với nước xốt bí mật của bà An và cua rang muối. Theo lời chủ quán, vợ chồng cựu Tổng thống Philippines Marcos Ferdinand cùng những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Mỹ như Robin Williams, Danny Glover... cũng có lần ghé lại.
Lượng khách tìm đến tiệm ăn ngày càng đông và gia đình bà An mở nhà hàng lớn hơn, mang phong cách “Mỹ hơn” có tên Crustacean tại San Francisco vào năm 1991. Sáu năm sau, gia đình mở nhà hàng Crustacean thứ hai tại thành phố Beverly Hills ở miền nam California và trở thành địa điểm quen thuộc của những cây bút phê bình ẩm thực và giới nghệ sĩ nổi tiếng. Ngày nay, những ngôi sao hạng A như Lady Gaga hay Kim Kardashian cũng là những thực khách tìm đến các nhà hàng của bà An.
Hoài bão cuối cùng
|
Hồi tháng 5, bà An được Viện Smithsonian, hệ thống viện nghiên cứu và bảo tàng lớn nhất Mỹ, trao giải thưởng Người tiên phong trong nghệ thuật ẩm thực.
Theo tờ Los Angeles Times, bà được miêu tả là “người mẹ của phong cách ẩm thực kết hợp” và là một trong những người đầu tiên đưa ẩm thực Việt vào Mỹ, “làm thay đổi khẩu vị của người Mỹ mãi mãi với cách nấu tôn vinh cả hai nền văn hóa”. Các tạp chí nổi tiếng như DuJour, Food & Wine, Eater dành cho bà An những danh xưng mỹ miều như “vua bếp Los Angeles”, “biểu tượng” hay “đầu bếp huyền thoại”.
Tuy nhiên, bà An chia sẻ về vinh hạnh lớn này một cách đầy khiêm tốn: “Tôi không ước ao trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Ước mơ của tôi chỉ là được sống và chăm sóc cho con cái. Tôi muốn cho các con cuộc sống tốt”.
Giờ đây, sau gần 50 năm cống hiến với những khó khăn lẫn thành công, bà An lui về hậu trường để thực hiện những dự án tâm huyết cho riêng bà, đó là quảng bá ẩm thực cao cấp của người Việt ra thế giới. “Mọi người yêu món ăn Việt nhưng không quá nhiều người hiểu về chúng. Họ biết các món đường phố nhưng chúng tôi chưa có món Việt cao cấp”, tạp chí Robb Report dẫn lời bà An chia sẻ.
Chính trăn trở này đã thôi thúc bà mở nhà hàng Da Lat Rose ở Beverly Hills hồi tháng 10 với phong cách fine dining (ẩm thực cao cấp) nhằm nâng tầm món Việt. Tại đây, các món ăn hoàn toàn được chế biến từ nguyên liệu, hương vị truyền thống của người Việt nhưng được trình bày theo phong cách hiện đại, sáng tạo gọi là “tự truyện ẩm thực”. Các món ăn phục vụ cho thực khách theo trình tự để kể về cuộc đời thăng trầm của bà An và mỗi món đều mang một câu chuyện riêng gắn với hành trình đó.
“Thế giới đã có bánh taco, mì ramen, sushi, há cảo đẳng cấp Michelin, vậy tại sao lại không thể có món Việt đẳng cấp Michelin? Chúng ta phải tự làm ra món ăn của riêng mình và đưa nó ra thế giới. Và chúng tôi đang trong quá trình đó”, bếp trưởng Tony Nguyen của Da Lat Rose cho biết.
Bình luận (0)