Điều đó cho thấy từ ước mơ đến việc chọn ngành học và công việc thực tế không có một công thức chung nào cho tất cả.
Hãy cứ ước mơ
Tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM, từng đoạt huy chương bạc Olympic toán quốc tế năm 1983 và sau đó học ĐH, làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng hợp Lomonosov, Nga.
Ông kể về ước mơ hồi nhỏ của mình: “Tôi mơ được làm phi công bay trên trời, chạm vào mây, nhìn thấy đường chân trời. Nhưng tất nhiên một cậu bé còi xương, ốm yếu, nặng chưa đầy 40 kg như tôi làm sao có thể trở thành phi công được”.
Nhưng đến năm 8 tuổi, khi đọc cuốn sách nói về 16 kỳ thi toán quốc tế, ông lại mơ một ngày mình sẽ được huy chương toán quốc tế như các anh Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa... Đến năm lớp 11, cậu học trò mê toán này đã đoạt huy chương bạc toán quốc tế và sau đó tiếp tục chọn học toán ở bậc ĐH. Đến nay, tiến sĩ Trần Nam Dũng vẫn được coi là “ông bầu” của nhiều thần đồng toán học VN.
Theo tiến sĩ Dũng, bạn trẻ đừng ngại có những ước mơ cao xa, bay bổng, tuy nhiên phải luôn đứng vững trên đôi chân của mình.
Trong khi đó, nhà văn, doanh nhân trẻ nổi tiếng Tuệ Nghi hồi nhỏ từng có ước mơ trở thành một kiểm sát viên hoặc làm các công việc trong ngành tư pháp. Lớn lên cô theo học ngành luật kinh tế.
“Mình chưa từng nghĩ sẽ làm kinh doanh hay trở thành doanh nhân. Thế nhưng vào cuối cấp 2 thì cuộc sống của mình rẽ sang một hướng khác, phải tự kiếm sống và cuộc sống mưu sinh khiến mình không nghĩ gì đến việc trở thành kiểm sát viên nữa. Mặc dù công việc hiện tại không giống với ước mơ lúc nhỏ nhưng những gì học được cũng áp dụng trong công việc khi có thể bao quát được các vấn đề pháp chế trong kinh doanh, nó trở thành những mảnh ghép hoàn thiện và vô cùng phù hợp”, Tuệ Nghi chia sẻ.
Chọn ngành như thế nào ?
Từ câu chuyện của mình, tiến sĩ Trần Nam Dũng khuyên bạn trẻ hãy lựa chọn ngành nghề phù hợp sở trường và vừa sức với bản thân. Tiến sĩ Dũng lưu ý: “Nếu bạn thật sự giỏi, có thể chấp nhận thách thức, có thể đối mặt với sức ép, hãy chọn vào những trường tốp đầu. Nhưng nếu bạn thấy sức học mình vừa phải, hãy chọn trường vừa sức. Khi đã chọn rồi, hãy tập trung học bằng cả sự đam mê và tinh thần kỷ luật. Học là việc dễ nhất mà bạn còn không làm được thì đừng nói gì đến khởi nghiệp, sáng chế”.
Nếu đời không như... mơ ướcTheo doanh nhân Tuệ Nghi, sẽ rất hiếm khi có một người từ bé đến lớn chỉ có một ước mơ và đến tuổi trưởng thành thì làm đúng công việc như ước mơ thuở nhỏ của mình. “Nếu lỡ ngành học hay công việc hiện tại lại không phải là ước mơ hồi nhỏ thì ta vẫn hoàn toàn có thể thành công và đạt được nhiều thành tựu nếu tìm ra được điểm khiến chúng ta đam mê trong công việc đó, tự đặt ra mục tiêu rồi dồn tâm trí và sự nỗ lực vào”, Tuệ Nghi bày tỏ.
Hồi nhỏ mơ khác, lớn lên học một ngành khác và tốt nghiệp lại làm một công việc khác nữa, tiến sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Chính trị quốc gia) cho rằng đó là điều hết sức bình thường. “Điều đó không sao cả. 4 năm ĐH không hề vô nghĩa vì quá trình đó bạn được học cách tư duy và nhiều kỹ năng khác. Người có tư duy giỏi là dù làm bất cứ công việc gì cũng có thể thành công, còn chuyên môn ta có thể tự học. Thời đại công nghiệp này, ai có tư duy tốt và có khả năng thay đổi, thích ứng với nghề nghiệp thì không lo thất bại”, tiến sĩ Thúy nêu quan điểm.
|
Tiến sĩ Trần Nguyễn Hải, Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng tại TP.HCM, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), mới 35 tuổi nhưng đã công bố thành công 46 bài báo khoa học quốc tế có uy tín (34/46 là tác giả chính) với 28 bài báo được xếp hạng Q1 (hạng cao nhất theo Web of Science).
Tiến sĩ Hải hiện là thành viên ban biên tập của 12 tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus. Lúc nhỏ, ước mơ của tiến sĩ Hải là trở thành một giáo viên dạy toán ở trường phổ thông. Hồi ĐH, tiến sĩ Hải lại học ngành quản lý đất đai, một ngành học không liên quan đến ước mơ lúc nhỏ lẫn công việc nghiên cứu hiện tại.
Tiến sĩ Trần Nguyễn Hải cũng cho rằng bạn trẻ nên chọn ngành học theo đam mê và sở thích của mình. “Trong quá trình học ĐH, có 3 kỹ năng bạn cần rèn luyện, đó là làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Ai rèn luyện tốt 3 kỹ năng này thời ĐH thì sau này dù công việc đó đúng với ngành mình học hay không, đúng với ước mơ mình theo đuổi hay không, thì vẫn đều có thành tựu”, tiến sĩ Hải khẳng định.
Bình luận (0)