Ngăn dòng nước mắt
"Nào, cùng nhau khởi động 15 phút mới được xuống nước nha!" là hiệu lệnh thầy Tước bắt đầu buổi học. Có lớp học trước và cũng có lớp ngồi trên bờ chờ đến giờ học, một ngày thầy Tước dạy đến 4 lớp bơi, điều mà thầy vẫn thường làm suốt gần 20 năm qua.
Thầy Tước sinh năm 1976, hiện là giáo viên bộ môn thể dục tại Trường tiểu học và THCS Hải Vĩnh (xã Hải Hưng). Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hải Lăng, nơi phải hứng chịu nhiều trận lũ, thầy Tước đã chứng kiến không ít vụ tai nạn đuối nước thương tâm, ám ảnh thầy đến ngày hôm nay.
"Tình trạng đuối nước ở trẻ em diễn ra rất nhiều đặc biệt khi mùa hè đến, các hoạt động bơi tự phát diễn ra khắp nơi. Vì vậy tôi mở lớp dạy bơi miễn phí với mong muốn giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, phải làm sao ngăn dòng nước mắt lại, đó là mệnh lệnh từ trái tim. Bác Hồ từng nói: 'Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan', tôi rất yêu quý trẻ em và mong cho các em có một tuổi thơ an toàn để phát triển", thầy Tước cho biết.
Sau đó, thầy Tước đã làm tờ trình gửi nhà trường và chính quyền địa phương để xin mở lớp dạy bơi cho học sinh. "Ban đầu phụ huynh cũng khá e ngại và chưa dám gửi con vào lớp dạy bơi. Sau đó, tôi đi động viên, cam kết chịu mọi trách nhiệm nên phụ huynh dần tin tưởng và lớp học đầu tiên hình thành với 25 em", thầy Tước nói.
Để có được nơi tổ chức lớp học, thầy Tước đã mất nhiều ngày đi khảo sát địa điểm nhưng nguồn nước nhiều nơi không đảm bảo. Thầy đã chọn con kênh N4 chạy qua cánh đồng xã nhưng phải làm đập ngăn nước. "Con kênh có dòng nước chảy giống với dòng nước ở sông, suối nên tôi thấy phù hợp để trang bị cho các em kỹ năng đối phó với dòng nước chảy khi mùa lũ đến", thầy Tước cho biết.
"Hy sinh" những mùa hè
Đối với người giáo viên đứng trên bục giảng, mùa hè là thời gian được tái tạo năng lượng sau một năm miệt mài dạy học. Còn với thầy Tước, niềm vui của thầy là cùng lũ trẻ học bơi. Cứ từ đầu tháng 6 hằng năm, lớp học của thầy Tước lại được tổ chức và kéo dài hết mùa hè.
Là một thầy giáo thể dục, thầy Tước dạy bơi rất bài bản, khoa học. Ngoài dạy bơi, thầy Tước còn hướng dẫn các em kỹ năng bơi sinh tồn và cách xử lý an toàn khi gặp người đuối nước. "Tôi còn dạy các em các kỹ năng như ngụp lặn trong nước, các kiểu nổi và các kiểu bơi khác nhau. Đồng thời, tôi dạy các em một số kỹ năng cứu hộ bằng phao hoặc các vật nổi, cứu hộ bằng sào, cứu hộ bằng dây", thầy Tước nói.
Theo chia sẻ của thầy Tước, nhiều nơi của Quảng Trị điều kiện kinh tế còn khó khăn nên trẻ em không có điều kiện học bơi. Vào hè, nhiều em tự ý ra hồ, sông suối tắm nên hay xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.
Học bơi lớp thầy Tước, nếu nhanh chỉ 2 ngày bơi được còn chậm thì 5-6 ngày. Tuy đã dạy học trò biết bơi nhưng thầy Tước luôn dặn học trò không được chủ quan kể cả đã biết bơi, luôn mang theo phao khi đi biển, đi sông.
"Có một số em nhát không dám xuống nước hoặc bám chặt lấy thầy không buông ra nên phải động viên, cho em tập trên cạn trước. Sau đó, tôi dìu các em từ từ hoặc tạo trò chơi dưới nước cho các em hưng phấn và mạnh dạn hơn", thầy Tước cho biết.
"Mùa hè đến cháu rất thích bơi. Nhưng đợt trước cháu xin ba mẹ đi bơi cùng anh chị mà ba mẹ không cho vì nguy hiểm. Khi nghe tin thầy Tước mở lớp học bơi, ba mẹ cháu đã đến nói chuyện với thầy và cho cháu vào lớp học, đến nay cháu đã bơi được thành thạo", em Võ Văn Hậu, học sinh Trường tiểu học và THCS Hải Vĩnh hào hứng nói.
Chị Nguyễn Thị Mai ở xã Hải Hưng cho biết: "Khi biết đến các lớp dạy bơi miễn phí của thầy Tước thì tôi đã đưa con đến đăng ký học. Sau 2 ngày đi học con tôi đã nắm được kỹ năng bơi lội cơ bản, tôi rất cảm ơn thầy Tước đã giúp con tôi biết bơi, giờ con xin đi chơi cũng yên tâm hơn trước".
Lan tỏa mô hình hay
Ngoài dạy bơi trên kênh N4 suốt gần 20 năm nay, thầy Tước còn phối hợp với Đoàn thanh niên xã Hải Hưng và được sự tài trợ của chương trình phát triển vùng Hải Lăng phụ trách thêm 4 lớp dạy bơi khác với trên 100 em, trong đó có 15 em khuyết tật nhẹ.
Mấy năm trước, thầy Tước còn phối hợp cùng 5 đồng nghiệp mở thêm các lớp dạy bơi miễn phí tại các xã Triệu Hòa, Triệu Long, Triệu Đại, Triệu Thuận, Triệu Trạch của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), xã Trung Hải (Gio Linh), xã Trung Nam (huyện Vĩnh Linh). Các đồng nghiệp thầy Tước mỗi người một hoàn cảnh, dạy học ở các nơi khác nhau nhưng đều chung suy nghĩ phải làm sao phổ cập bơi đến trẻ em.
Hiện nay, nhóm các thầy dạy bơi có thầy Việt, thầy Thắng, thầy Ánh, thầy Đức..., mỗi buổi dạy sẽ có 2 thầy hướng dẫn và 2 thầy giám sát theo phương châm: "An toàn, hiệu quả và miễn phí". Nhóm các thầy còn soạn cả giáo án, lập nội quy lớp học, trang bị đồ bơi cho các em để các em học bơi được tốt nhất, với mong muốn duy trì và nhân rộng lớp dạy bơi miễn phí, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng rốn lũ và có tỉ lệ đuối nước cao.
Dòng kênh thủy lợi xã Hải Hưng bao năm nay không chỉ là dòng kênh mang lại nguồn nước tưới tiêu cho ruộng đồng mà còn trở thành một lớp học dã chiến dạy bơi cho hơn 2.000 em nhỏ, trong đó có khoảng 1.500 em bơi tốt còn lại nắm được các kỹ năng cơ bản của bơi lội. Những năm gần đây, xã Hải Hưng nói riêng và các xã có mở lớp dạy bơi có tỷ lệ đuối nước giảm rõ rệt.
Ông Cát Xuân Tường, Phó chủ tịch UBND xã Hải Hưng cho biết: "Trong những năm qua, công tác giáo dục kỹ năng sống, dạy bơi lội cho trẻ em tại địa phương được đẩy mạnh, đặc biệt có sự tham gia của thầy giáo Nguyễn Viết Tước và một số đồng nghiệp ở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Chúng tôi luôn tạo điều kiện, chia sẻ và động viên các thầy để các thầy thêm động lực tiếp tục công việc ý nghĩa này".
Bình luận (0)