Nhiều mô hình ý nghĩa
Một trong những mô hình gìn giữ bản sắc văn hóa được triển khai ở Tuyên Quang là mô hình thanh niên tham gia “Dựng nhà trình tường cho đồng bào dân tộc Mông”. Hiện mô hình được triển khai hiệu quả tại xã Xuân Lập, H.Lâm Bình, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Chia sẻ về mô hình này, anh Lò Tiến Hướng, Bí thư Đoàn xã Xuân Lập, cho biết từ năm 2021, để bảo tồn văn hóa truyền thống, Đoàn xã đã vận động đoàn viên thanh niên xây dựng nhà trình tường cho đồng bào dân tộc Mông ở thôn Khuổi Trang. Mô hình giúp người dân tộc Mông lưu giữ lại những giá trị truyền thống.
CLB đàn Tính - hát Then của dân tộc Tày được tổ chức ở xã Trung Hà |
TỈNH ĐOÀN TUYÊN QUANG |
“Ở đây có trên 60% người dân tộc Mông. Trước đây, người dân chủ yếu ở nhà trình tường nhưng trải qua thời gian, nét văn hóa này bị mai một. Vì thế, chúng tôi muốn phục dựng lại nét văn hóa truyền thống này. Bà con rất vui mừng vì thấy nét văn hóa của đồng bào mình được gìn giữ, đồng thời đã xóa nhà tạm cho người dân”, anh Hướng chia sẻ.
Theo anh Hướng, hiện ở xã có 9 ngôi nhà trình tường, trong đó 4 ngôi nhà do đoàn viên thanh niên đã góp sức xây dựng. Qua việc làm này đã lan tỏa tích cực đến đoàn viên thanh niên. “Các bạn trẻ hiểu được trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống. Từ đó, góp phần xây dựng làng văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng”, anh Hướng phấn khởi nói.
Tại tỉnh Tuyên Quang, các cấp bộ Hội đã thành lập, tổ chức sinh hoạt các CLB giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như CLB “Hát Páo dung”, “Nói tiếng dân tộc Dao”, “Hát Sình ca” của dân tộc Cao Lan, “Hát Then” của dân tộc Tày... Định kỳ các CLB này tổ chức liên hoan để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các đoàn viên thanh niên xã Xuân Lập dựng nhà trình tường cho đồng bào dân tộc Mông |
Tỉnh đoàn Tuyên Quang |
Chị Quan Thị Hiền, Bí thư Đoàn xã Trung Hà, H.Chiêm Hóa, một nơi có mô hình CLB hát Then, cho biết được duy trì từ 2019, đến nay CLB có 11 thành viên từ 17 - 34 tuổi. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức giao lưu và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Từ khi thành lập, CLB trở thành sân chơi ý nghĩa cho các bạn trẻ. Đây là nơi để các bạn thể hiện tình yêu với các làn điệu truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, qua việc đi biểu diễn đã lan tỏa những nét đẹp văn hóa của dân tộc, giúp các bạn trẻ có thêm thu nhập và năng động, tự tin hơn”, chị Hiền kể.Bên cạnh các mô hình này, văn hóa truyền thống đã được đưa vào trường học. Đặc biệt là các trường nội trú, nơi có đông học sinh là người dân tộc thiểu số, có quy định ngày thứ hai hằng tuần, các dịp lễ, các chương trình kỷ niệm, sinh hoạt Đoàn, Hội, ngoại khóa..., đoàn viên thanh niên mặc trang phục của dân tộc mình, thành lập các CLB nói tiếng dân tộc, CLB chơi các nhạc cụ dân tộc. Từ đó, giúp các hội viên, thanh niên, thế hệ trẻ được học tập, nghiên cứu, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc...
Giữ nét đặc trưng riêng
Chia sẻ về các mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Tuyên Quang, chị Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, cho biết với truyền thống là cái nôi của cách mạng cùng với lợi thế thiên nhiên ban tặng, tỉnh Tuyên Quang có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa của 22 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Toàn tỉnh có tổng cộng 635 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, thực hành Then - Tày - Nùng - Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài sự phong phú về di tích vật thể, mảnh đất
Tuyên Quang còn có sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa phi vật thể với 10 di sản được công nhận cấp quốc gia, bao gồm: lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung và lễ cấp sắc của dân tộc Dao... Các di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái đặc sắc, hấp dẫn chính là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, tạo nên những sản phẩm du lịch riêng có của Tuyên Quang
“Thế hệ trẻ tỉnh Tuyên Quang luôn thấu hiểu được rằng việc gìn giữ, kế thừa văn hóa, bản sắc dân tộc tại mảnh đất quê hương cách mạng là trọng trách vô cùng lớn lao. Mang trên mình sứ mệnh đó, trong những năm qua, thanh niên tỉnh Tuyên Quang với tinh thần đoàn kết, xung kích, tiên phong, sáng tạo đã kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng riêng”, chị Nguyệt nói.
Theo chị Nguyệt, các hoạt động của Hội trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp bộ Hội cụ thể hóa gắn với việc thanh niên nông thôn đảm nhận và thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu có sức lan tỏa trong cộng đồng. “Có thể nói rằng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc cho thế hệ trẻ tỉnh Tuyên Quang đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên, thanh niên với quê hương, đất nước, khơi dậy, phát huy lòng tự hào dân tộc, kích thích bầu nhiệt huyết, tính năng động sáng tạo, tinh thần xung kích, tình nguyện, thi đua lao động, học tập, xung kích đi đầu trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội của thanh niên”, chị Nguyệt chia sẻ.
Bình luận (0)