Nguồn thu ĐH phụ thuộc vào học phí, 3 - 5 năm nữa 'tự chủ' sẽ thất bại

Quý Hiên
Quý Hiên
19/10/2022 18:08 GMT+7

Theo GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội , nếu cứ để tình trạng tài chính phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu học phí như hiện nay thì chỉ 3 - 5 năm nữa chủ trương "tự chủ ĐH" sẽ thất bại.

Hôm nay 19.10, tại Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4.

GS Lê Quân phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ 4 của Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội

Ngọc Thắng

Thu nhập người dân tăng chậm, học phí không thể tăng nhanh

Tại phiên họp, GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm của mình về một số vướng mắc trong tự chủ giáo dục đại học (GD ĐH) hiện nay, xoay quanh 2 trục tài chính và tổ chức bộ máy, nhân sự.

GS Lê Quân cho biết, hiện nguồn thu của hầu hết các trường ĐH chỉ trông vào học phí. Với đà này, chỉ 3 năm nữa là tới giới hạn khả năng tăng học phí, bởi không thể tăng thêm nữa.

“GDP tăng chậm như vậy, thu nhập người dân tăng chậm như vậy, mà học phí không thể đang 10 - 15 triệu đồng/năm lên 50 - 60 triệu đồng/năm được. Do đó, trần học phí sẽ vỡ, giống tình trạng tự chủ bệnh viện hiện nay, sau khoảng 3 - 5 năm nữa”, GS Lê Quân dự báo.

Theo GS Lê Quân, nếu không đầu tư ngân sách thì chắc chắn GD ĐH sẽ khó cất cánh. Tỷ lệ đầu tư cho GD là đã thấp rồi, GD ĐH còn thấp nữa. Trong khi dạy nghề và GD ĐH đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực cho nền kinh tế, cho năng suất lao động. GD phổ thông mà tốt thì đó là giải quyết bài toán cho tương lai, còn GD ĐH tốt thì đó là đầu tư cho thời hạn 3 - 5 năm tới. Do đó, ngân sách cần phải ưu tiên cho GD ĐH, tỷ lệ đầu tư cho GD ĐH phải tăng.

Nếu chỉ trả 30 - 40 triệu đồng/tháng là khó tuyển giảng viên

GS Lê Quân cho rằng, trong tự chủ GD ĐH có 2 vấn đề bị bỏ quên.

Đầu tiên là tự chủ về tổ chức và con người. Theo luật 34 (luật GD ĐH bổ sung, sửa đổi), tự chủ về tổ chức đang bị “gói” lại, với mô hình tổ chức bị rập khuôn.

Nếu ĐH thật sự đươc tự chủ thì cái tự chủ đầu tiên phải là tự chủ về con người, về tuyển dụng, về biên chế, rồi trả lương. Hiện nay, trong thị trường lao động lĩnh vực GD ĐH có sự cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút người có năng lực.

Vừa rồi ĐH Quốc gia Hà Nội ra nghị quyết là giảng viên các ngành khoa học cơ bản dưới 5 năm công tác là được bù lương để có thu nhập 15 triệu đồng. Bởi nếu trả lương thấp hơn là sẽ bị mất người. Hay với giảng viên các ngành khác, nếu chỉ trả lương 30 - 40 triệu đồng/tháng thì không tuyển được, vì với nhân lực trình độ cao, trường ĐH chịu rất nhiều ngành cạnh tranh về lao động với các ngành khác.

Tự chủ về tổ chức, bộ máy, nhân sự, quan trọng nhất là cần được có thang bảng lương riêng. ĐH phải được tự chủ trong việc trả lương, chứ cào bằng hết là rất khó.

Hoặc về mô hình tổ chức, nếu để cho tất cả ĐH "giống nhau" như bây giờ là không được. Theo luật 34, ĐH quốc gia cũng chỉ như mọi trường ĐH khác, cái đó là không đúng. ĐH quốc gia phải có những cái riêng, hội đồng ĐH quốc gia cũng phải khác.

“Giờ xem ĐH quốc gia là một trường ĐH, rồi 12 trường trong ĐH quốc gia là 12 hội đồng trường. Vậy, ông giám đốc ĐH quốc gia có được giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho các trường nữa hay không? Đồng phục ĐH, đó cũng là một vấn đề của luật 34”, GS Lê Quân cho ý kiến.

Phải nâng các nguồn thu khác lên 30 - 40%

Vấn đề thứ 2 là tự chủ trong việc sử dụng tài sản công.

Hiện nay, trên thế giới, nguồn lực mà các trường sống nhờ là tiền dịch vụ và chuyển giao công nghệ.

Để có các nguồn thu này, ĐH phải đáp ứng được cái mà các doanh nghiệp cần ở các ĐH. Đó là con người, là chất xám, là cơ sở vật chất… Nhưng trên thực tế hiện nay, ĐH muốn mở một bệnh viện, mở một phòng khám, hoặc mở một quán cà phê trong trường để cung cấp dịch vụ… cũng khó. Bởi động vào đâu cũng đều vướng tài sản công.

Hiện nay, ĐH Quốc gia Hà Nội ở Hoà Lạc đang làm đô thị ĐH 1.200 ha. Vừa rồi, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức khai giảng trên đó, có sinh viên đang học rồi. Nhưng ĐH này không dám gọi doanh nghiệp vào làm quán cà phê, vì động vào đất công là vướng.

GS Lê Quân kiến nghị: “Tôi đề nghị cần bổ sung sửa đổi các vấn đề liên quan tới quyền tự chủ của ĐH, là phải giống như doanh nghiệp. Doanh nghiệp người ta được quyền sử dụng nguồn lực của người ta, miễn là hiệu quả, không chuyển sở hữu, tăng giá trị lên. Nếu không, chiến lược phát triển GD ĐH sẽ khó.

Hiện nay, có những trường ĐH đạt doanh thu nghìn tỉ nhưng đó là nhờ trông chờ vào học phí. Mà nếu chỉ trông chờ vào học phí thì chỉ 3 - 5 năm nữa tôi nghĩ sẽ thất bại. Muốn ĐH phát triển thì các nguồn thu từ dịch vụ và các nguồn thu khác phải tăng lên, chiếm 30 - 40%. Mà muốn làm được điều đó phải gỡ được nút thắt về sử dụng tài sản công”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.