Nhà khoa học nói về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

30/08/2019 17:13 GMT+7

Thông tin khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm trong bán kính 1 km từ vụ cháy Công ty Rạng Đông đang kiến người dân rất hoang mang. Các nhà khoa học cảnh báo có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân ra môi trường.

Trẻ em sơ tán, người lớn khám bệnh

Sau khi vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông được dập tắt, ngày 29.8, UBND phường Hạ Đình ( quận Thanh Xuân, Hà Nội) phát đi 1.000 thông báo cảnh báo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường, vì bầu không khí đang bị nhiễm bẩn bởi khói bụi của đám cháy.

[FLYCAM] Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông tan hoang sau hỏa hoạn

Trong thông báo khuyến cáo, người dân thường xuyên súc miệng bằng dung dịch Natri Clorid từ 7 - 10 ngày sau vụ cháy; sơ tán trẻ em, người già, người ốm ra khỏi khu vực từ 1 - 10 ngày để hạn chế tác hại của khói bụi; không sử dụng nước tại các bể chứa, thực phẩm, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong 21 ngày; tiêu hủy các loại trái cây tự trồng trong bán kính từ đám cháy 500 m... 
Lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết UBND phường Hạ Đình đã thu hồi văn bản thông báo người dân không sử dụng thực phẩm, nước trong bán kính 1 km tính từ Công ty cồ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, bởi văn bản này được ban hành không đúng nội dung và thẩm quyền, gây hoang mang trong dư luận.
Tuy nhiên, những thông tin trên đã khiến người dân sống xung quanh khu vực hỏa hoạn hoang mang. Chị Kim Thanh, một người dân sống ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) lo lắng: “Khi vụ cháy xảy ra, người dân xung quanh đây còn đổ ra đường theo dõi vụ cháy suốt mấy tiếng mà không hề hay biết mức độ nguy hiểm, độc hại của hóa chất. Hôm qua, đọc thông báo gia đình tôi rụng rời, gửi ngay con nhỏ về nhà ông bà ngoại lánh nạn. Điều chúng tôi quan tâm hiện nay, hóa chất phát tán ra môi trường là loại gì, nó nguy hiểm ở mức độ nào? Chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần phải công khai minh bạch cho người dân rõ”.

Người dân đến Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh trong sáng 30.8

Ảnh Mạng xã hội

 
Lo lắng ảnh hưởng tới sức khỏe, trong sáng nay 30.9, nhiều người dân đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. "Tôi cũng rất hoang mang, cả đêm mất ăn mất ngủ vì thông tin này. Sáng nay, tôi đến Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra đường hô hấp cho yên tâm. May quá phổi không bị sao cả, khi ra về tôi thấy có hàng chục người cũng chờ khám giống tôi", anh Nam, một người dân ở phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), chia sẻ.  

Cả vùng náo loạn vì nhà kho Công ty Rạng Đông cháy ngùn ngụt

Liên quan đến sự việc trên, chiều nay 30.8, chuyên gia của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã có khuyến cáo chính thức về các nguy cơ nhiễm độc thủy ngân.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong sáng nay, có 12 người (10 nhà báo và 2 người dân) tại khu vực có đám cháy đã đến trung tâm khám với biểu hiện chính là chóng mặt. Đây là những người ở vị trí rất gần nơi cháy, trong thời gian dài. 

“Qua khám lâm sàng thì chưa có dấu hiệu gì đặc biệt, nhưng vẫn xét nghiệm chung và lấy mẫu máu xét nghiệm thuỷ ngân. Chúng tôi làm xét nghiệm khẩn trương, mong sớm có kết quả. Dự kiến sớm nhất sẽ có trong đêm nay. Sức khoẻ ban đầu các bệnh nhân vẫn ổn định”, bác sĩ Nguyên cho biết.

Tổng rà soát, đánh giá hiện trạng môi trường sau vụ cháy

Trước lo lắng của người dân, PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cũng cho biết: “Trong Công ty bóng đèn và phích nước Rạng Đông sử dụng nhiều hóa chất khác nhau, thủy ngân trong bóng đèn là một trong những hóa chất được sử dụng tại đây. Những vật liệu để xuất sản xuất khi cháy hóa chất bị nung nóng, bay hơi thoát ra ngoài thành khói bụi lơ lửng trên không trung và rơi xuống mặt đất, nguồn nước, bám vào thực phẩm tươi sống, rau xanh…rất nguy hiểm và có khả năng gây nhiễm độc”. 
GS - TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý: “Người dân cần theo dõi sức khỏe, khi thấy sức khỏe không bình thường cần phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Cũng cần phải nói thêm, trận mưa giông chiều 29.8 là một “cơn mưa vàng” giúp rửa trôi khói bụi, làm giảm mức độ độc hại của hóa chất ra môi trường”, ông Thịnh nói.

Trắng đêm vất vả vì vụ cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông

Theo GS - TS Trần Tứ Hiếu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Sức khỏe cộng đồng, đèn huỳnh quang có chứa một lượng thủy ngân. Thủy ngân ở dạng bình thường đã độc, ở dạng bay hơi cực độc, có thể dẫn tới vô sinh, ung thư và nhiều bệnh tật khác.
Ông Hiếu cũng cho hay, ở Nhật Bản từng có vụ nhà máy hóa chất rò rỉ thủy ngân ra nguồn nước gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe kéo dài hàng chục năm sau. “Nhà máy chứa hóa chất độc hại lẽ ra cần phải được di dời khỏi trung tâm thành phố rất lâu rồi. Khi xảy ra sự cố, không chỉ hướng dẫn, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần phải công bố sự thật về mức độ ảnh hưởng, nguy hiểm của những loại hóa chất thất thoát ra môi trường, có nghiên cứu càng sớm càng tốt”, ông Hiếu nói.
Theo PGS Trần Hồng Côn, Khoa hóa (Đại học Quốc gia Hà Nội), đề nghị cần có khảo sát sớm về số lượng bóng đèn bị vỡ, hàm lượng thủy ngân trong mỗi bóng bao nhiêu để người dân yên tâm, tránh gây hoang mang. 
Liên quan đến vụ cháy trên, hôm nay, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cũng đã cử Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc phối hợp với cơ quan môi trường của Hà Nội để tổng rà soát, đánh giá hiện trạng môi trường sau vụ cháy, như: lấy mẫu không khí, nước, đất xung quanh khu vực xảy ra sự cố bằng các thiết bị hiện đại để tiến hành đánh giá thực trạng môi trường sau vụ cháy. Trên cơ sở đó, có khuyến cáo phù hợp tới người dân.

Vụ cháy công ty Rạng Đông: Cần vệ sinh ngay nhà máy cấp nước và trường tiểu học

“Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Thủy ngân tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là Metyl thủy ngân, độc đến mức, chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong”, nguồn Bộ Y tế.

Theo khuyến cáo, nhiễm độc thuỷ ngân có nhiều dạng. Trong môi trường cháy là thuỷ ngân kim loại dạng bốc hơi do nhiệt độ cao trong đám cháy. Nếu ngộ độc cấp sẽ có biểu hiện tức ngực ho khó thở, sốt, tê chân tay lẫn suy thận (biểu hiện tiểu ít dần).

Cấp cứu nhiễm độc thủy ngân tại cộng đồng chỉ có thể bằng cách rửa bằng nước sạch vùng da mắt, và nếu nghi ngại, cần đến ngay cơ sở y tế khám để được làm xét cơ bản, kiểm tra chức năng phổi, gan. Nếu biểu hiện ngộ độc cấp, cần được  làm xét nghiệm nhanh nhất,  xét nghiệm  trong 24 giờ về nồng độ thủy ngân, cũng như điều trị triệu chứng (nôn, đau đầu, suy thận...).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.