Nhập khẩu than tăng mạnh để 'nuôi' nhiệt điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
20/08/2020 06:15 GMT+7

Trong bối cảnh nhiều nhóm hàng nhập khẩu giảm mạnh hoặc tăng trưởng cầm chừng vì ảnh hưởng dịch Covid-19 , sản xuất ngưng trệ, thế nhưng nhập khẩu nhóm sản phẩm than đá lại tăng mạnh gần 50%.

Nhập khẩu than đá tăng 12 triệu tấn

Số liệu của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, Việt Nam đã nhập khẩu 4,4 triệu tấn than đá các loại với tổng trị giá 294 triệu USD. Tính lũy kế 7 tháng của năm nay, cả nước đã nhập khẩu gần 36,5 triệu tấn than với kim ngạch 2,6 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái nhập chỉ khoảng 24 triệu tấn. Đáng lưu ý, trong các thị trường truyền thống mà Việt Nam đang nhập khẩu than đá như Indonesia, Nga, Úc, Trung Quốc…, giá than nhập từ Trung Quốc luôn cao nhất. Tính trung bình giá than nhập trong 7 tháng qua từ Indonesia khoảng 1,1 triệu đồng/tấn, giá nhập trung bình của tất cả các thị trường cũng khoảng 1,6 triệu đồng/tấn thì than nhập từ Trung Quốc 6,2 triệu đồng/tấn, cao gấp 4 lần so với mức giá trung bình. Năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cả nước nhập khẩu 43,85 triệu tấn than đá, tương đương 3,79 tỉ USD, tăng gần 92% về lượng và tăng hơn 48% về kim ngạch so với năm 2018.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam buộc phải tăng nhập khẩu than với số lượng lớn do nhu cầu than cho các nhà máy (NM) nhiệt điện ngày càng tăng.
Trong khi đó, lượng than khai thác trong nước ngày càng khó khăn, chi phí tốn kém do phải khai thác dưới độ sâu dẫn đến hiệu quả không cao.
Chuyên gia năng lượng, TS Trần Văn Bình (CHLB Đức) cho rằng theo Quy hoạch điện 7 của Việt Nam thì các NM nhiệt điện, NM điện BOT hay NM điện trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được phép mua than để phục vụ cho sản xuất điện của NM.
Nên việc các NM này có thể tìm mua nguồn than giá rẻ để phục vụ sản xuất là bình thường. “Sản lượng than nhập khẩu tăng mạnh trong mấy năm qua tỷ lệ thuận với số NM nhiệt điện “mọc” lên tại Việt Nam. Với 24 NM điện than, trong đó 20 NM đang dùng công nghệ đốt lò hơi sử dụng than cám chất lượng thấp và than phun, nên nhìn chung các NM điện than đa số dùng than chất lượng thấp, giá rẻ để vận hành. Đó là chưa tính hàng chục NM nhiệt điện trong các khu công nghiệp, khu chế biến… Thế nên mới có giá thành điện than giá rẻ. Thoạt nghe có vẻ rất kinh tế, nhưng cũng là “bi kịch” cho việc phát triển ngành điện của chúng ta. Bởi các NM nhiệt điện đang sử dụng công nghệ lạc hậu, công nghệ cũ, nói thẳng là công nghệ thải loại từ các quốc gia tiên tiến để vận hành”, TS Bình nhận xét và khẳng định một điều theo ông là “không mới”, rằng chúng ta làm ra điện giá rẻ để phát triển kinh tế và đang trả giá bằng việc hít thở môi trường không khí ô nhiễm hằng ngày.

Ngưng phát triển mới nhà máy nhiệt điện

Ngày 14.8 vừa qua, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công thương và các bộ ngành về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8), Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch điện 8 cũng tóm tắt kết quả thực hiện Quy hoạch điện 7 đến nay đạt 93,7% tổng công suất được đặt ra trong quy hoạch.
Trong đó, nguồn điện than đạt 57,6% trong khi nguồn năng lượng tái tạo vọt lên đến 205% so quy hoạch. Đặc biệt, quy hoạch mới dự tính giảm tỷ lệ nhiệt điện từ 42% xuống 36% vào năm 2025 và khoảng 31% năm 2045. Trong giai đoạn 2020 - 2030, sẽ tính đến khả năng không phát triển thêm các dự án điện than mới ngoài các dự án đã có trong Quy hoạch điện 7.
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, cho rằng nên tiến đến ngưng phát triển dự án mới sớm hơn chứ không nên chỉ “tính đến phương án” ngưng mà kéo dài trong 10 năm tới. Ông cho biết hiện tại Trung Quốc đã chủ trương không phát triển nhiệt điện, Hàn Quốc cuối năm qua cũng lên kế hoạch đóng cửa 15 NM, các quỹ đầu tư của Nhật cũng tuyên bố không hỗ trợ vốn vay cho các dự án nhiệt điện mới.
Con số 16 nhà thầu mua hồ sơ tham gia các NM nhiệt điện của Việt Nam theo Quy hoạch điện 7 đều đến từ Trung Quốc chứng tỏ có hiện tượng “làn sóng” di dời NM nhiệt điện từ Trung Quốc sang các nước lân cận. Thế nên, Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 cũng cần đưa ra kế hoạch mạnh mẽ hơn, nhằm hạn chế tối đa nhiệt điện, tăng tốc năng lượng tái tạo. Lúc đó, trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng có lợi thế hơn khi nhà đầu tư nhìn Việt Nam với cái nhìn thiện cảm vì môi trường...
TS Phùng Đức Tùng đánh giá, kết quả sản xuất điện theo Quy hoạch điện 7 chỉ ra phát triển năng lượng tái tạo đang vượt trội mạnh mẽ. Đây là nền tảng để Quy hoạch điện 8 hướng đến nên tăng giảm tỷ lệ thế nào với điện than. Sức ép từ lợi ích nhóm, nhà đầu tư… có thể không cho phép ta bỏ nhiệt điện lúc này, nhưng cần thiết phải đưa ra khuyến nghị không khuyến khích, khắt khe hơn trong cấp giấy phép mới.
Thứ hai, đẩy nhanh phát triển hạ tầng cho điện mặt trời, điện gió. Kế hoạch để đến năm 2025 mới bỏ được độc quyền phát điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Thứ ba, quy hoạch phải đưa vào chiến lược phát triển điện hạt nhân. Công nghệ phát triển điện hạt nhân nay tiến bộ nhiều, xác suất không an toàn như ta lo lắng sẽ vô cùng thấp so với tác hại nguy hiểm môi trường vì phải hít khói thải từ NM điện than mỗi ngày.
Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020, xét triển vọng 2030, nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, cũng trong quy hoạch này, sản lượng khai thác than trong nước được tính toán chỉ đạt 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020 và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030.
Trong khi đó, nguồn than khai thác còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón, hóa chất và các đối tượng tiêu thụ khác. Riêng các nhóm đối tượng trên cũng ước tính cần 25,5 triệu tấn than vào năm 2030.
Như vậy, tổng nhu cầu sản lượng than cả nước vào năm 2030 lên đến gần 157 triệu tấn, khai thác trong nước chỉ được tối đa 57 triệu tấn, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải tiếp tục nhập khẩu 100 triệu tấn than vào năm 2030.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.