Bài học về ý thức, thói quen vệ sinh phòng bệnh
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Y khoa Phan Chu Trinh, kể: “Từ lúc thông tin về dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (nCoV) được công bố đến giờ, đi ra đường, ra tiệm thuốc hay đến bất cứ đâu, tôi thấy ý thức về việc bảo vệ sức khỏe của người dân đã nâng cao rõ rệt, từ người lớn đến trẻ nhỏ”.
Theo bác sĩ Tùng, trước đây rất ít người có thói quen rửa tay trước khi ăn hoặc rửa tay nhiều lần trong ngày, ít người đeo khẩu trang ra chỗ công cộng vì cho rằng điều đó không quan trọng. Nhưng đến nay, hầu hết tất cả mọi người đều bắt đầu nhận thức được việc đó là cần thiết để bảo vệ chính mình, bảo vệ người khác. “Tôi tin rằng dịch viêm phổi do nCoV sẽ góp phần thay đổi ý thức, thói quen của mọi người và đó là một điều rất tốt cho sức khỏe của chúng ta”, bác sĩ Tùng nhìn nhận.
Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thục Duyên, làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, có con học lớp 4 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Con gái tôi hằng ngày đều lên mạng cập nhật thông tin về dịch bệnh. Tự cháu quan tâm chứ ba mẹ không bắt cháu đọc. Cháu xem thời sự trên ti vi thấy đưa tin về nCoV làm nhiều người tử vong, lại nghe ba mẹ thường xuyên nói cần phải rửa tay sạch sẽ nhiều lần, cần phải đeo khẩu trang, có ý thức giữ gìn vệ sinh để chống vi rút, nên cháu muốn tìm hiểu thông tin. Tôi thấy cháu tự động lấy khẩu trang đeo mỗi lần đi ra ngoài với ba mẹ, tự động rửa tay bằng xà phòng nhiều lần mà không cần phải nhắc nhở như trước”.
Ông Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), cũng cho rằng có rất nhiều bài học để dạy học sinh của mình trong dịp này. “Đó là tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh. Không chỉ cho các em nhỏ, mà ngay cả chính phụ huynh, thầy cô giáo cũng phải thay đổi. Trước đây, mọi người có thể vẫn làm, nhưng chưa thực sự coi trọng. Không chỉ trong mùa dịch bệnh, mà khi dịch kết thúc, chúng tôi sẽ chú ý hơn về việc này, như thường xuyên tuyên truyền, trang bị kiến thức cho học sinh, xem lại trường lớp thiếu các thiết bị, đồ dùng gì để bổ sung, tăng cường. Thêm vào đó là nhắc nhở, giám sát học sinh trong việc rửa tay, súc miệng và tất cả mọi người trong công tác vệ sinh trường lớp”, ông Trần Tâm chia sẻ.
Tinh thần tương thân tương ái trước hoạn nạn chung
Trong thời gian qua, có rất nhiều hình ảnh xấu xí về việc người dân tranh giành nhau đi mua khẩu trang, nhà thuốc tăng giá bán gấp ba, bốn lần ngày thường. Tuy nhiên, ngược lại với cảnh đó, là những hành động đẹp đẽ như nữ sinh viên, cô giáo trẻ phát khẩu trang miễn phí; những cậu bé, cô bé dành toàn bộ tiền lì xì mua khẩu trang phát cho mọi người; tiến sĩ tặng hàng ngàn chai dung dịch sát khuẩn cho người dân; bạn trẻ kêu gọi đi hiến máu cứu người... Tất cả đều có thể mang đến bài học về thái độ ứng xử với cộng đồng trước hoạn nạn chung.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Qua đây, chúng ta có thể giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên và ngay chính người lớn về tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, hỗ trợ nhau và cùng hướng tới cái chung. Dịch bệnh nếu đã lan ra là mọi người cùng nguy hiểm. Do đó, nếu ích kỷ, muốn hưởng lợi cho riêng mình, đẩy nguy cơ hay cái hại cho người khác, thì chính chúng ta sẽ chịu chung hậu quả. Trong nỗi sợ hãi, chúng ta vẫn cần ý thức về lợi ích chung, hướng tới cái chung. Hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ người khác bảo vệ họ, cũng chính là bảo vệ bản thân trước nguy cơ dịch bệnh”.
Cũng sau đợt này, ông Trần Tâm cho biết Trường tiểu học Bành Văn Trân sẽ lồng ghép các bài học về vệ sinh phòng bệnh, thái độ ứng xử với dịch bệnh, với cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, thương yêu, chia sẻ... vào các chuyên đề về kỹ năng sống cho học sinh.
Bình luận (0)