Nhiều cán bộ rơi vào lao lý vì thương vụ AVG bị đóng dấu mật

23/12/2019 06:11 GMT+7

Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG diễn ra vào cuối năm 2015, sau gần 1 năm đàm phán và thực hiện các thủ tục .

Toàn bộ thương vụ “đốt” hàng ngàn tỉ ngân sách này bị phủ tấm màn đen bằng nhiều văn bản, tài liệu mật. Lời khai các bị cáo trong vụ án nói gì về việc này?

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong giây phút bị đề nghị án tử hình - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Dự án truyền hình… đóng dấu mật

Theo cáo trạng vụ án liên quan MobiFone mua 95% cổ phần AVG, do nhu cầu phát triển của MobiFone, từ đầu năm 2015, Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, gửi Văn bản số 337 trình Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) phê duyệt chủ trương cho MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Đề xuất này sau đó đã được Bộ TT-TT và Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc bộ này thống nhất về mặt chủ trương.
Thời điểm ngày 5.3.2015, giữa MobiFone và AVG chưa tiến hành thỏa thuận nào về việc mua bán, thì Phạm Đình Trọng, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT), đã lập phiếu trình có nội dung AVG đã trao đổi, làm việc với MobiFone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần; đồng thời đề xuất AVG và MobiFone không thông tin tuyên truyền về giao dịch này và đưa giao dịch vào tài liệu “mật” của nhà nước. Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn lúc đó ký Văn bản số 44 gửi Bộ Công an đề xuất đưa dự án vào tài liệu mật.
Từ các văn bản chỉ đạo này, toàn bộ việc đàm phán, thỏa thuận mua cổ phần AVG đã diễn ra dưới một “tấm màn đen”. Ngày 21.12.2015, ông Trương Minh Tuấn thay mặt Bộ TT-TT ký Quyết định số 236 phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Ngày 22.12.2015, Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone, ký Quyết định số 2666 thành lập tổ đàm phán hợp đồng mua lại AVG. Ngày 25.12.2015, Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, ký hợp đồng chuyển nhượng với AVG giá trị 8.889 tỉ đồng. Trong vòng 19 ngày sau đó, MobiFone đã thanh toán hơn 8.445 tỉ đồng (tương đương 95% tổng giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG. Thương vụ này đã gây thiệt hại cho MobiFone (doanh nghiệp nhà nước) hơn 6.590 tỉ đồng, bởi giá trị thực của AVG chỉ 1.970 tỉ đồng.
“Việc MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước, nhưng Bộ TT-TT đưa giao dịch này thuộc danh mục “mật” là không đúng quy định tại Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ”, cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu rõ.

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Đây là biến cố bi thảm nhất cuộc đời tôi" - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Không ai có thông tin để đưa ra quyết định chính xác

Tại phiên xét xử các bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG, các bị cáo là lãnh đạo MobiFone đều thừa nhận sai phạm lớn nhất của dự án này là giá mua cao hơn nhiều lần so với giá trị thực của AVG. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc “mua hớ” này là do dự án đóng dấu mật, khiến ngay cả những người trong cuộc cũng không có nhiều thông tin để nắm bắt, so sánh đối chiếu.
Biện minh cho sai lầm của mình, bị cáo Nguyễn Bảo Long, nguyên Phó tổng giám đốc MobiFone, khai dự án đưa vào diện tài liệu mật từ tháng 3.2015, nhưng đến tháng 6.2015, bị cáo mới được phân công nhiệm vụ Tổ trưởng tổ thẩm định kỹ thuật dự án.
“Do đưa vào tài liệu mật, tổ thẩm định kỹ thuật không được tiếp cận thông tin về tài chính, kinh doanh. Tôi với tư cách Phó tổng giám đốc kỹ thuật và Tổ trưởng tổ thẩm định chỉ đánh giá các yếu tố liên quan đến kỹ thuật vận hành dự án. Tôi buộc phải tuân thủ theo quy định của cấp trên”, bị cáo Long nói.
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, nguyên Phó tổng giám đốc MobiFone, cũng khai được tham gia dự án muộn và chỉ nhận được những thông tin rất hạn chế: “Người ta chia nhỏ công việc, người ta để dự án mật, và người ta đưa ra nhiều mục tiêu cao cả vì sự phát triển của doanh nghiệp, xây dựng mục tiêu đạt doanh thu 5 tỉ USD, phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển đa ngành nghề: viễn thông, công nghệ thông tin và truyền hình. Với những mục tiêu cao cả ấy, những người yêu MobiFone không nắm được thông tin chi tiết về vụ việc. Việc phân chia nhỏ để không ai thấy bức tranh toàn cảnh của vụ việc này để có ý kiến phản đối kiên quyết”.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng giám đốc MobiFone, khai bản thân với chức trách là thành viên tổ định giá kinh doanh và đàm phán, nhưng chỉ được làm 2 báo cáo về dự án. “Rất nhiều người không hiểu, nhưng dự án đóng dấu mật đối với chúng tôi là đặc biệt khó khăn. 26 năm làm việc, tôi chưa bao giờ tham gia một dự án nào đóng dấu mật. Điều này mang tính quyết định, khiến chúng tôi không biết làm thế nào, chúng tôi muốn phản biện nhưng không đủ cơ sở để đưa ra đánh giá khách quan”, bị cáo này biện minh.

Trách nhiệm của ai ?

Trả lời thẩm vấn trước tòa về việc vì sao gửi văn bản sang Bộ Công an xin đưa giao dịch mua AVG vào danh mục tài liệu mật, bị cáo Trương Minh Tuấn khẳng định việc đề xuất đưa giao dịch MobiFone - AVG vào danh mục tài liệu mật là theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Bộ giao cho Vụ Quản lý doanh nghiệp chuẩn bị nội dung và bị cáo là người ký công văn này gửi sang Bộ Công an. Trong khi đó, bị cáo Phạm Đình Trọng cũng xác nhận được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giao dự thảo công văn xin ý kiến Bộ Công an đưa giao dịch mua AVG vào danh mục “mật”.
Đề cập thêm về vấn đề tài liệu mật trong dự án và trách nhiệm những người liên quan, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà, nêu quan điểm trong quá trình diễn ra phiên tòa đã có một số ý kiến “chưa phù hợp”, khi cho rằng Bộ Công an là bên quyết định tài liệu mật đối với giao dịch mua bán cổ phần AVG.
“Từ năm 2007, Bộ TT-TT được thành lập và chưa ban hành danh mục mật của ngành. Do yếu tố nhạy cảm và đảm bảo an ninh truyền thông nên Bộ TT-TT đã hỏi ý kiến Bộ Công an và Bộ Công an có ý kiến, nhưng thẩm quyền quyết định đưa giao dịch mua AVG vào danh mục mật là thuộc về Bộ TT-TT. Điều này phù hợp quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước”, luật sư Hoài lập luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.