Những con đường khác...
Theo hệ thống trường lớp tuyển sinh trung học năm học 2020 - 2021 mà Sở GD-ĐT TP.HCM công bố vào đầu tháng 6, ngoài khoảng 65.000 chỉ tiêu vào lớp 10 trường công thì còn có hàng chục ngàn chỉ tiêu của các trung tâm GDTX, các trường tư thục, các trường trung cấp, cao đẳng dành cho học sinh (HS) đã tốt nghiệp THCS.
Với chỉ tiêu của các mô hình học tập nói trên, lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định sẽ không thiếu chỗ học, HS có thể lựa chọn một trong những con đường học tập khác như: Học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm GDTX hay học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, từng chia sẻ: “Đừng bao giờ nghĩ rằng việc học trường tư thục, trung tâm GDTX hay các trường nghề sau khi học lớp 9 là không đủ năng lực vào THPT mà cần xem đây là việc chúng ta có thêm quyền chọn lựa. Thậm chí, lựa chọn này tốt hơn vì đó là cơ hội để thử thách năng lực ở một môi trường phù hợp. Các em đã đủ 15 tuổi, các em nên có một hành động có trách nhiệm trong lựa chọn việc học cho tương lai của bản thân”. Và sau khi có quyết định của mình thì “dù con đường đó thuận lợi hay khó khăn thế nào, các em cũng phải xem đó là một thử thách để cố gắng đi trọn vẹn con đường”, ông Tân nhấn mạnh.
Còn giáo viên Nguyễn Đức Uy, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), khi tư vấn cho phụ huynh cũng như HS trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đã khẳng định vào công lập không phải là con đường duy nhất để theo học bậc THPT. Các trường ngoài công lập, các trung tâm GDTX - GDNN, các trường trung cấp nghề cũng có thể đáp ứng nhu cầu này. Chỉ cần HS lựa chọn mô hình phù hợp với năng lực, định hướng tương lai và điều kiện kinh tế của gia đình.
Thầy Uy nói thêm, phụ huynh cũng cần lưu ý cách chọn trường cho con. Ngoài yếu tố cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học, chất lượng giảng dạy... cũng nên kiểm tra sự phù hợp về học lực, ước muốn, tính cách của con cũng như việc đi lại thuận tiện, tài chính và tổ chức cuộc sống gia đình phù hợp, tránh căng thẳng.
Học phí, bằng cấp, quyền lợi không chênh lệch
Với học phí 120.000 đồng/tháng, bằng tốt nghiệp cũng như quyền lợi thi THPT, xét tuyển ĐH, CĐ như HS phổ thông trong khi chỉ học với 7 môn: toán, văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý thì hệ GDTX là một lựa chọn phù hợp với đa số HS. Được biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối GDTX năm nay vào khoảng 10.000 HS, trong đó có một số trung tâm như Q.6, Q.11... tăng số lượng so với năm trước.
Lãnh đạo các trung tâm GDTX cũng cho hay để thu hút HS đến với trung tâm, bên cạnh việc đảm bảo chuẩn kỹ năng, kiến thức cho HS theo chương trình của Bộ GD-ĐT, các trung tâm đều dành thời gian giúp HS ôn tập, chuẩn bị kiến thức tham gia kỳ thi THPT, tham gia xét tuyển ĐH, CĐ. Đặc biệt, có trung tâm còn hướng đến mục tiêu giáo dục hướng nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp, chú trọng rèn luyện kỹ năng thông qua các câu lạc bộ như âm nhạc, khoa học, thể thao, văn học...
Nhiều chính sách hỗ trợ ở trường ngoài công lập
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tổng chỉ tiêu lớp 10 của gần 100 trường ngoài công lập trong năm học mới vào khoảng 30.000 HS. Nhiều trường thực hiện chính sách miễn giảm học phí, phí sinh hoạt, tăng chỉ tiêu so với năm học trước để thu hút HS.
Ông Trần Minh, phụ trách chuyên môn của Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6), cho biết: “Nhiều năm trước, tâm lý của phụ huynh tìm trường cho con thường quan tâm đến kết quả, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của các trường để gửi gắm với mong muốn con em được học nhiều kiến thức. Tuy nhiên vài ba năm trở lại đây, quan điểm đã có thay đổi, bên cạnh kiến thức thì nhiều phụ huynh tìm hiểu xem con em sẽ được tham gia các hoạt động giáo dục, hoạt động kỹ năng như thế nào? Vì vậy, điều cần thiết là phụ huynh nên tìm hiểu để biết định hướng, mục tiêu giáo dục của các trường. Nếu thấy phù hợp với quan điểm giáo dục của gia đình, đồng thời mức học phí có thể đáp ứng được thì đưa ra quyết định”.
Các trường ngoài công lập tại TP.HCM đều thực hiện dạy 2 buổi/ngày với chương trình giảng dạy theo chỉ đạo chuyên môn của Sở GD-ĐT. Ông Trần Minh cho biết mức học phí trung bình khoảng 1,6 triệu đồng/tháng, HS bán trú, ăn trưa tại trường thì sẽ đóng thêm khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.
Trong năm học mới, nhiều trường tư thục thực hiện những chính sách hỗ trợ như giảm học phí cùng các phụ phí sinh hoạt khác. Chẳng hạn, lãnh đạo Trường THCS - THPT Đào Duy Anh cho biết với HS lớp 10, nhà trường thực hiện chính sách giảm 50% học phí xuống còn khoảng 800.000 đồng/tháng. Nếu là HS giỏi thì tiếp tục được áp dụng chính sách giảm thêm để khuyến khích, động viên trong học tập. Tương tự, ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình), cho biết nhà trường tính toán áp dụng chính sách hỗ trợ, giảm các khoản thu để chung tay cùng phụ huynh sau những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 mà vẫn đảm bảo chất lượng cũng như các hoạt động giáo dục khác...
Tư vấn truyền hình trực tuyến: Ôn và làm bài thi lớp 10 hiệu quả
Lúc 8 giờ hôm nay (15.6), Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề Ôn và làm bài thi lớp 10 hiệu quả.
Chương trình diễn ra trực tiếp tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) và được truyền hình trực tuyến trên các kênh của Báo Thanh Niên (thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên).
Tham dự chương trình có ông Hồ Tấn Minh, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cùng các giáo viên giàu kinh nghiệm trong việc hướng dẫn HS ôn thi như: thầy Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1); cô Phạm Thị Xuân Oanh, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) và thầy Đặng Hữu Trí, giáo viên môn toán Trường THCS Nguyễn Du (Q.1). Trong chương trình, các khách mời sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, chính thống về định hướng đề thi, bí quyết ôn thi trong thời gian ngắn và kỹ năng làm bài thi đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.
|
Bình luận (0)