Nhiều sinh viên kiệt sức vì tình cảnh... đi sớm về trễ

27/12/2022 17:14 GMT+7

Việc phải di chuyển gần 30 đến 40 km mỗi ngày để đi học khiến tinh thần của nhiều sinh viên có nhà xa trường lúc nào cũng mệt mỏi, sức khỏe cũng sa sút theo.

Mỗi ngày phải di chuyển khoảng cách khá xa để đến trường đi học, không chỉ khiến nhiều sinh viên luôn trong trạng thái mệt mỏi khi thiếu ngủ mà còn ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài giảng và hứng thú trong học tập. Bên cạnh đó, sinh viên có nhà xa trường cũng gặp hạn chế trong việc tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp.

Việc phải liên tục dậy sớm để đi học cho kịp giờ khiến nhiều sinh viên có nhà xa trường cảm thấy mệt mỏi, không còn hứng thú học tập

PHƯƠNG THẢO

Kiệt sức vì liên tục phải dậy sớm

Nhà cách trường tận 36 km, Mai Thị Diễm Trân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết để đến được trường phải di chuyển tổng cộng 2 tiếng đồng hồ bằng xe buýt. “Thời gian đầu mình gần như kiệt sức vì phải thức dậy liên tục vào 5 giờ sáng. Khi đến lớp mình luôn trong trạng thái mệt mỏi nên tiếp thu bài giảng kém hiệu quả. Hơn thế nữa, đường về lúc nào cũng tốn gấp đôi thời gian vì kẹt xe. Những lúc ấy, mình gần như bất lực, cảm thấy lãng phí thời gian vì không thể làm gì khi xe quá đông đúc. Rất may trường mình là trạm đầu của xe buýt chứ nếu không đã phải đứng suốt gần 3 tiếng”, Trân cho hay.

Cùng hoàn cảnh như Trân, Huỳnh Khánh Vy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết mỗi ngày cô nàng phải di chuyển 24 km để đến trường. “Ban đầu, vì không quen dậy sớm và chưa tính toán, trừ hao thời gian xe đón trả khách hợp lý nên thời gian đến trường của mình luôn trễ hơn dự kiến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến điểm số, chất lượng tiếp thu bài giảng mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng, hứng thú trong học tập”, Vy bộc bạch.

Uể oải trên những chuyến xe buýt cuối ngày để từ trường về nhà

DIỄM TRÂN

Bên cạnh đó, Vy còn bị say xe suốt thời gian đầu nên cơ thể bị suy nhược, chóng mặt và cảm thấy mệt mỏi về tinh thần. Dù hiện tại, đã 3 năm đi xe buýt nên Vy đã dần quen nhưng nhà xa vẫn là nỗi ám ảnh của Vy mỗi lần đi học. “Mình thường phải thức khuya để chạy dự án, bài vở và đi làm thêm nên việc di chuyển đến trường tốn nhiều thời gian cũng khiến giấc ngủ của mình ngày càng ngắn đi. Cả ngày mình luôn rơi vào trạng thái uể oải vì thiếu ngủ”, cô kể.

Còn Nguyễn Thế Duy, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, phải di chuyển 38 km để đi học. “Lúc đầu, mình không ngại quãng đường xa để đi học vì đây là ngành nghề mơ ước và cũng nỗ lực trừ hao 30-40 phút để đến kịp buổi học. Nhưng chỉ khoảng một học kỳ sau, mình bắt đầu hối hận và chán chường vì phải di chuyển quãng đường quá xa để đi học”, Duy chia sẻ.

Bên cạnh việc dậy sớm, Duy cho biết những lúc kẹt xe triền miên cũng là lý do Duy mất đi năng lượng trong học tập. “Có những hôm kẹt xe thì 3 tiếng đồng hồ mình mới có thể về đến nhà. Ngoài ra, có những lúc xe hư giữa đường mình phải đổi qua xe sau, trên xe chen lấn rất chật chội. Dù may mắn là xe kẹt vào lúc từ trường về nhà nên không ảnh hưởng tới việc học nhưng điều này cũng ngốn khá nhiều thời gian trong một ngày của mình”, Duy cho hay.

Thời sinh viên không được trọn vẹn

Ngoài những mệt mỏi khi phải dậy sớm về trễ, Diễm Trân cũng nuối tiếc vì luôn bị giới hạn trong các hoạt động của câu lạc bộ, những buổi hội thảo hay cùng các bạn đi chợ đêm ở làng đại học… “Trong khi bạn bè ở ký túc xá luôn háo hức rủ nhau đi ăn uống trong các khu ẩm thực hoặc thoải mái tham dự những buổi hội thảo đến tận tối thì mình lúc nào cũng nơm nớp canh thời gian để về. Vì chuyến xe buýt cuối là vào 6 giờ 45 mỗi ngày. Mình khá buồn và tủi thân vì không thể tận hưởng trọn vẹn những hoạt động, niềm vui thời sinh viên”, Trân tâm sự.

Nhiều sinh viên có nhà xa trường tiếc nuối vì bỏ lỡ những buổi vui chơi cuối ngày tại các phiên chợ đêm cùng bạn bè

HOA NỮ

Nhà cách trường 24 km, Nguyễn Trần Châu Anh (ngụ ở P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) phải dừng tham gia câu lạc bộ vì không thể thường xuyên hội họp sau giờ học.

“Vì không thể họp trực tiếp nên mình khó theo kịp tiến độ, cộng thêm với việc kiệt sức vì mỗi ngày phải tốn khoảng 4 tiếng trên xe buýt cả đi lẫn về nên đành tự nguyện xin rời câu lạc bộ. Không những thế, khi làm việc nhóm, các thành viên khác cũng dễ dàng gặp nhau tại ký túc xá còn mình không thể tham gia thảo luận cùng nên ít khi có thể đóng góp ý kiến”, Châu Anh cho biết.

“Cả một học kỳ đầu, mình rất hối hận vì lúc chọn trường đã không cân nhắc kỹ về khoảng cách địa lý. Lúc ấy, mình đã chủ quan rằng nhà và trường vẫn cùng thành phố và vấn đề di chuyển sẽ không ảnh hưởng đến việc học, các hoạt động ngoại khóa quá nhiều. Đồng thời, mình cứ nghĩ chỉ học ở cơ sở ngoại thành vào năm nhất, sau đó sẽ được chuyển về học ở cơ sở trung tâm thành phố”, Châu Anh nói.

Sinh viên có nhà xa trường thì những hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp cũng bị hạn chế

MAI THỤY

Dù tốn nhiều thời gian nhưng Châu Anh chọn di chuyển bằng xe buýt thay vì xe máy. Cô cho biết tuyến đường để đến trường khá nguy hiểm vì nhiều xe tải, xe container di chuyển. Cộng với việc dậy sớm khiến cô không hoàn toàn tỉnh táo dễ gây tai nạn. Bên cạnh đó, xe buýt có giá vé rẻ hơn so với tiền xăng đắt đỏ, nhất là khi nhà cô khá xa.

Cũng gặp nhiều bất tiện khi nhà cách trường 27 km nhưng Lương Kiết Văn, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vẫn chọn ở nhà thay vì thuê trọ hay ở ký túc xá. “Việc thuê trọ sẽ tăng chi phí sinh hoạt cho gia đình. Chịu khó tốn thời gian di chuyển một chút thì có thể vừa tiết kiệm chi phí nhà ở, vừa được ở nhà mình thoải mái, không phải ở xa gia đình và người thân. Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ tránh được vài rắc rối với bạn cùng phòng” Văn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.