Một năm bị “chôn chân” của du học sinh Việt
Bỏ lỡ khá nhiều việc và mọi chuyện không theo đúng kế hoạch nên Mai Ngọc Minh (du học sinh, ngành truyền thông ở Úc) cảm thấy như mình vừa bỏ phí một năm. Thời gian dịch Covid-19 ở Úc vừa qua, Minh vẫn phải học online, gặp nhiều bất cập; ở phòng trọ trong thời gian dài và không thể về nước; một mình chống chọi với nỗi cô đơn xứ người; tình hình tài chính gia đình bị ảnh hưởng... đã khiến Minh khá chật vật trong đời sống, chi tiêu.
“Mỗi ngày tôi theo dõi thông tin về Covid-19 thấy số ca nhiễm tăng, rồi không biết khi nào được về với gia đình, nói thật là tôi cảm thấy bi quan, bế tắc. Đến khi nước Úc hết cách ly xã hội thì tôi đã tìm được công việc mới tốt hơn công việc cũ, cũng đủ khả năng đỡ đần bố mẹ một phần”, Minh kể lại.
|
Theo Minh, năm vừa qua cô đã học được nhiều bài học. Minh học được cách sống chậm lại, yêu bản thân, biết quý trọng cuộc sống và thời gian hơn.
Cũng vừa nhận việc hồi tháng 2, Lê Ngô Thảo My (du học sinh ở Hà Lan) chưa kịp vui thì cảm giác lo lắng đã ập tới vì dịch Covid-19. Suốt một năm qua, với My là một cuộc đấu tranh nội tâm mỗi ngày. Giữa nỗi lo mất việc và ý chí cống hiến cho công ty, là những lần “chôn chân” ở nhà suốt thời gian dài.
Dần dần My thích nghi với cuộc sống, suy nghĩ tích cực hơn, tập trung vào những điều có giá trị hơn. My cho biết nếu mình có thể đi ngược xu hướng và vẫn làm việc chăm chỉ thì công sức sẽ được đền đáp. “Trong năm mới, mình chỉ mong sức khỏe dồi dào”, My chia sẻ.
Ngược dòng đại dịch
Nguyễn Phạm Diệp Uyên, (du học sinh chương trình thạc sĩ truyền thông ở Mỹ) cho rằng một năm qua khá đặc biệt khi Uyên đến Mỹ học, còn nhiều du học sinh ồ ạt quay về Việt Nam tránh dịch.
“Như mọi người thì mình khá háo hức đón năm mới nhưng rồi đại dịch ập đến khiến mình phải hoãn nhiều chuyến đi trao đổi nước ngoài, sau đó rơi vào những tình cảnh éo le. Mình ra Hà Nội để phỏng vấn học bổng nhưng buổi phỏng vấn chuyển sang trực tuyến vì diễn tiến phức tạp của Covid-19 hồi tháng 3. Sau đó mình chờ đợi 4 tháng vô định cho visa du học thạc sĩ tại Mỹ”, Uyên nói và cho biết cuối cùng Uyên lên máy bay sau khi phỏng vấn được 3 ngày.
|
Uyên nghĩ bài học lớn nhất trong năm vừa qua là bình tĩnh và lạc quan, không nên buông bỏ quá sớm dự định, phải nỗ lực theo đuổi và sẵn sàng cho tình huống tốt hoặc xấu nhất. “May mắn là học kỳ vừa qua mình học tốt. Trường mình mở các lớp học trực tiếp, mình cũng trợ giảng trực tiếp, nhưng phải thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn,...”, Uyên nói thêm.
Còn Trương Viễn Huy (đang học thạc sĩ ngành quản trị khách sạn quốc tế ở Singapore) cho biết dịch đến mọi thứ như đóng băng. Ngay thời điểm Singapore cách ly xã hội, hầu như mọi thứ phải đóng cửa gần 2 tháng. Mọi người đều làm việc ở nhà. Thời gian nhàn rỗi nên anh quyết định đi tìm cái gì đó để học, để thay đổi mình trong đại dịch. Anh tìm đến ngôi trường dạy về ngành nhà hàng khách sạn hàng đầu thế giới để học.
“Vì thích chương trình thạc sĩ trong một năm nên tôi ứng tuyển và may mắn trúng tuyển. Khóa học rất linh động, một ngày học trực tuyến ở nhà qua zoom, một ngày học trên trường” Huy nói rồi kể tiếp: “Trong quá trình học, tôi được gặp gỡ nhiều giáo sư, ai cũng giỏi và uyên bác. Qua những chia sẻ của họ, tôi lại muốn học xong thạc sĩ sẽ học lên tiến sĩ rồi đi giảng dạy giống họ...”.
Qua đại dịch trong năm, Huy rút ra bài học, chọn học ngành giáo dục và y tế không bao giờ lỗi thời, dù mình ở bất cứ nước nào. Vì thế bạn trẻ đừng ngần ngại đầu tư kiến thức, đó là đầu tư sinh lãi dài hạn nhất của cuộc đời.
Bình luận (0)