Nhờ cộng đồng mạng, tam giác mạch, dã quỳ, muồng vàng... từ vô danh thành biểu tượng

05/10/2019 13:22 GMT+7

Từ thân phận cỏ dại mọc lên từ những mảnh đất hoang sơ ở các vùng du lịch , nhờ sự lan tỏa trên cộng đồng mạng và các lễ hội, giờ đây chúng lại trở thành biểu tượng phát triển du lịch của địa phương.

Tam giác mạch, vẻ đẹp trữ tình của núi rừng Tây Bắc

Vài năm trở lại đây, nhắc tới Hà Giang, nhiều người nhớ ngay tới những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài trên những cung đường nối vào các bản, mường. Khung cảnh núi non hùng vĩ của vùng Tây Bắc được tô thêm nét lãng mạn, trữ tình bởi màu sắc hồng pha tím của hoa tam giác mạch khiến lòng người xao xuyến.
Trước khi trở thành “đặc sản” của núi rừng Tây Bắc, tam giác mạch là cây lương thực bên cạnh ngô và lúa. Đồng bào vùng cao dùng hạt tam giác mạch để làm bánh, nấu rượu, còn thân để làm thức ăn cho gia súc. Những phượt thủ, nhiếp ảnh gia đã “biến” loại hoa này trở thành biểu tượng núi rừng nhờ hình ảnh ấn tượng lan truyền trên mạng xã hội.
Nhận thấy tiềm năng để phát triển, tỉnh Hà Giang đã ưu ái tổ chức một lễ hội để tôn vinh loại hoa này. Lễ hội hoa Tam giác mạch thường diễn ra từ tháng 10 hàng năm, khi mùa lúa kết thúc. Tại 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh, người dân sẽ gieo hạt tam giác mạch vào hai thời điểm là tháng 10 và tháng 11. Nhờ gieo hạt cùng lúc, các cánh đồng hoa sẽ nở đồng loạt mang đến sự rực rỡ cho núi rừng.
Trải qua 4 mùa lễ hội, không chỉ hoa tam giác mạch, vẻ đẹp thiên nhiên và con người Tây Bắc đã lan tỏa rộng rãi trong nước và quốc tế. Du lịch Hà Giang đã có sự thay đổi lớn và ngày càng phát triển. Trong năm 2018, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1 triệu lượt người, tăng 11,1% so với 2017.
Màu hoa tam giác mạch sẽ thay đổi theo thời kì. Mới nở hoa có màu trắng sau đó chuyển sang hồng phớt tím và cuối cùng là màu đỏ rực rỡ. Ảnh: Lion Photo

Màu hoa tam giác mạch sẽ thay đổi theo thời kì. Mới nở hoa có màu trắng sau đó chuyển sang hồng phớt tím và cuối cùng là màu đỏ rực rỡ

Lion Photo

Thiên đường hoa dã quỳ

Những cơn mùa cuối mùa vừa dứt, Tây Nguyên sẽ khoác lên mình màu áo mới, màu vàng rực rỡ của “mặt trời trong sương”. Là một người con Tây Nguyên, tôi đã có cơ hội ngắm nhìn sắc dã quỳ bung nở gần 20 năm. Vậy mà trong suốt thời gian ấy, tôi và những người xung quanh chẳng ai phát hiện ra vẻ đẹp hoang dại của những bụi hoa ven đường lại nao lòng đến thế.
Dạ quỳ hay cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại, hiếm có loại hoa nào lại có nhiều tên gọi đến vậy. Nhưng với chúng tôi, nó đơn giản là dã quỳ mà gọi lái đi thành “quỷ già”. Thời điểm dã quỳ nở đẹp nhất là từ tháng 10 đến hết tháng 11.
Những dải màu vàng vắt ngang đồi, hay những cánh đồng bung sắc vàng cam rực rỡ như mặt trời dưới nằm dưới đất, rải nắng đi muôn nơi. Ở các tỉnh Tây Nguyên, thời điểm này nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao nên buổi sáng thường có sương mù bao phủ. Sắc vàng của dã quỳ như ánh nắng mang đến cảm giác ấm áp, chan hòa.

Những hàng dã quỳ in bóng xuống mặt nước. Biển Hồ (Gia Lai) trở nên thơ mộng, trữ tình mà hoang dại

Công Ngô

Đồi dã quỳ nở rộ khiến cảnh sắc trở nên rực rỡ, tươi mới đến lạ thường. Ảnh: Công Ngô

Đồi dã quỳ nở rộ khiến cảnh sắc trở nên rực rỡ, tươi mới đến lạ thường

Công Ngô

Nhằm quảng bá du lịch và văn hóa, Gia Lai đã bắt đầu tổ chức Lễ hội hoa Dã quỳ từ năm 2017. Núi lửa Chư Đăng Ya (đã ngưng hoạt động) thuộc làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah được chọn là nơi diễn ra lễ hội.
Du khách ngoài chiêm ngưỡng cánh đồng hoa dã quỳ trải dài trên các sườn đồi, còn được đắm chìm trong văn hóa bản địa đặc sắc với cồng chiêng, ca múa, thủ công nghiệp và ẩm thực.
Được mệnh danh là “thiên đường hoa dã quỳ”, Đà Lạt tiếp tục là địa điểm du lịch nhiều hấp dẫn. Trên những cung đường đi qua các địa danh nổi tiếng của xứ sở ngàn hoa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng “biển” hoa dã quỳ trải dài miên man hai bên vệ đường.
Cảm giác chạy xe máy, hòa mình vào không khí se lạnh của mùa thu và ngắm nhìn những cánh đồng hoa dã quỳ khiến du khách rũ bỏ mọi mệt mỏi, lo toan, bộn bề. Ngập trong ánh mắt và tâm trí là cảnh sắc thiên nhiên vừa hoang dại vừa lãng mạn.
 Check in đồi hoa dã quỳ là điều không thể bỏ lỡ khi đến Đà Lạt mùa đông này. Ảnh: Hà Hin

Check- in đồi hoa dã quỳ là điều không thể bỏ lỡ khi đến Đà Lạt mùa này

Hà Hin

 Dã quỳ còn được gọi là hướng dương dại bởi nó cũng tìm hướng mặt trời mà sinh trưởng. Mỗi bông hoa hấp thụ từng giọt nắng để đến khi bung nở cứ ngỡ mặt trời.

Dã quỳ còn được gọi là hướng dương dại bởi nó cũng tìm hướng mặt trời mà sinh trưởng. Mỗi bông hoa hấp thụ từng giọt nắng để đến khi bung nở cứ ngỡ mặt trời.

 
Hoa vàng trên đồi xanh
Từ thời Pháp thuộc, cây muồng đen được người Pháp trồng tại các đồng điền cà phê để tạo bóng mát và chống xạt lở ở vùng ven đồi. Đầu tháng 10, hoa muồng bắt đầu nở, đem đến sắc vàng rực rỡ, nổi bật trên nền xanh của cà phê và chè. Chiêm ngưỡng cảnh sắc này, nhiều người thốt lên “tôi thấy hoa vàng trên đồi xanh”.
Cây muồng là giống cây chịu hạn tốt nên mọc dại hoặc được trồng rất nhiều từ Quảng Ninh đến các tỉnh Tây Nguyên và phía nam Đồng Nai. Tuy có mặt ở nhiều nơi nhưng vẻ đẹp của hoa muồng thực sự nổi bật tại Gia Lai. Trên những đồi chè, người dân chồng xen vài hàng chè lại tới 1 hàng muồng vừa để giữ đất, nước vừa che đi cái nắng, gió khắc nghiệt vùng cao nguyên để những tán chè bên dưới luôn xanh mướt.
 Hoa muồng trong buổi sớm mai với những tia nắng đầu ngày và sương mù còn vương. Ảnh: Công Ngô

Hoa muồng trong buổi sớm mai với những tia nắng đầu ngày và sương mù còn vương

Công Ngô

Nhằm tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa bản địa, huyện Chư Prông (Gia Lai) sẽ tổ chức Ngày hội hoa muồng vàng từ ngày 5 - 6.10. Thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn được chọn là địa điểm diễn ra ngày hội.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hàng hoa muồng trăm tuổi đang độ đẹp và rực rỡ nhất. Đây là lần đâu tiên, huyện Chư Prông tổ chức ngày hội mang tên một loại hoa.
Hơn 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công, sản vật và ẩm thực được chuẩn bị để mang tới không gian trải nghiệm văn hóa. Ngoài ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa muồng, du khách còn có cơ hội khám phá thác nước cao 25 m trên dòng suối La Púch.
 Các bạn trẻ tìm đến đồi chè Bàu Cạn để chụp ảnh cùng hoa muồng vàng. Ảnh: Công Ngô

Các bạn trẻ tìm đến đồi chè Bàu Cạn để chụp ảnh cùng hoa muồng vàng

Công Ngô

Cây muồng được trồng để bảo vệ những gốc chè bên dưới chúng. Người dân địa phương chẳng mấy ai nghĩ đến một ngày loại cây thân thuộc ấy lại trở thành "nam châm" thu hút khách du lịch

Công Ngô

Những cây muồng lớn, lâu năm tỏa tán rộng như muốn ôm trọn mặt đất và con người nơi đây

Công Ngô

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.