Nhờ đâu Đức có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp?

01/04/2020 08:05 GMT+7

Đức là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 khá thấp so với nhiều quốc gia châu Âu khác, nhờ xét nghiệm quy mô lớn, văn hóa, may mắn và cả hệ thống chăm sóc y tế vô cùng ấn tượng.

Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã lây nhiễm tại phần lớn châu Âu, trong đó Ý và Tây Ban Nha là hai quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất. Số liệu về ca nhiễm và tử vong ở Pháp và Anh cũng đang tăng rất nhanh.
Tuy nhiên, Đức dường như đang đi ngược xu hướng. Đến nay, Đức đã ghi nhận số ca nhiễm khá cao là 66.885 ca, nhưng chỉ mới có hơn 645 ca tử vong vì Covid-19, theo số liệu từ Đại học John Hopkins.

Nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Đức.

Reuters

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức là khoảng 0,96 %. Tỷ lệ này rất thấp so với Tây Ban Nha (8,8%), Ý (11,4%) và Trung Quốc đại lục (4,02%).
Nhiều ý kiến đánh giá Đức đang chống dịch đúng hướng so với những quốc gia khác. Vậy Đức đã làm gì?
Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm
Yếu tố quan trọng nhất giúp tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức thấp là do nước này tiến hành xét nghiệm nhiều người hơn các nước châu Âu khác.
Xét nghiệm càng nhiều càng phát hiện được nhiều ca nhiễm Covid-19 nhẹ hoặc không thể hiện triệu chứng, giúp giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.

Đức được cho là quốc gia thực hiện xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn trên thế giới.

Reuters

Theo AFP, tại Đức có khoảng 300.000 – 500.000 người được xét nghiệm mỗi tuần. Hiện có tin chính quyền Đức muốn nâng số này lên thành ít nhất 200.000 người mỗi ngày. Đến ngày 28.3, Anh đã xét nghiệm 113.777 người. Số ca xét nghiệm tại Tây Ban Nha và Ý còn thấp hơn mức này. Đến ngày 28.3, Mỹ đã xét nghiệm 626.667 người.
Hệ thống y tế vững chắc
Đức có hệ thống y tế công lập lẫn tư nhân rất phát triển và toàn diện.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, mỗi người Đức trung bình chi cho chăm sóc y tế 4.714 USD/năm - cao so với nhiều quốc gia khác. Đức đứng thứ 2 châu Âu về tỷ lệ giường bệnh chăm sóc đặc biệt, đóng vai trò quan trọng để điều trị các ca Covid-19 nặng.

Đức có số giường bệnh chăm sóc tích cực nhiều hơn các quốc gia châu Âu khác.

Reuters

Đức có 621 giường bệnh cho mỗi 100.000 người dân. Con số này ở Ý và Tây Ban Nha lần lượt là 275 và 293.
Người lớn tuổi tránh được nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Độ tuổi nhiễm Covid-19 trung bình ở Đức là 46, trong khi tại Ý là 63. Người lớn tuổi gặp nguy hiểm hơn khi nhiễm Covid-19, và những người mắc sẵn bệnh nền sẽ dễ tử vong hơn.
Nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nền ở người lớn tuổi lại khá cao.
Theo Viện Robert Koch Institute, 80% ca nhiễm Covid-19 ở Đức đều dưới 60 tuổi. Tại Tây Ban Nha, khoảng 50% ca nhiễm Covid-19 là người trên 60 tuổi.
Vẫn còn ở giai đoạn đầu bùng phát dịch
So với Ý và Tây Ban Nha, Đức vẫn còn ở trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19. Martin Hibberd, giáo sư bệnh truyền nhiễm Đại học Y Nhiệt đới và Vệ sinh London cho biết: "Mất 2 đến 3 tuần để chăm sóc đặc biệt trước khi người bệnh đầu hàng căn bệnh này".
Siết chặt lệnh phong tỏa
Đức bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa từ ngày 24.3 nhằm kiềm chế dịch Covid-19. Quy định này cấm tụ tập trên 2 người, trừ khi là người thân trong gia đình bị cô lập cùng nhau. Mức phạt khi vi phạm có thể lên đến 25.000 Euro.

Khung cảnh Đức vắng vẻ sau khi chính quyền siết chặt lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19.

Reuters

Số liệu tương lai?
Ngày 28.3, Bộ Nội vụ Đức đưa ra ý tưởng theo dõi công dân qua điện thoại di động để biết được ai có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.
Dù hiện nay Đức được xem là thành công, các nhà nghiên cứu cho rằng vì đại dịch Covid-19 rất khó đoán, các câu trả lời cho tương lai vẫn chưa rõ ràng.
Các chuyên gia Đức cũng cảnh báo thận trọng. Phát ngôn viên Viện RKI cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức ở mức thấp".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.