Đó là ví von của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khi trả lời chất vấn của đại biểu “về bài học cho ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh” trên diễn đàn Quốc hội vào ngày 11.11, được nhiều người đồng tình.
Củng cố năng lực y tế để không “tan tác hết”
Kể từ ngày 23.1.2020, khi 2 ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, đến ngày 18.11 trải qua 4 đợt dịch, Việt Nam đã ghi nhận hơn 1 triệu bệnh nhân Covid-19, trong đó hơn 23.000 người đã tử vong. Song, sự mất mát không dừng lại ở những con số. Những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tâm lý của người dân do cuộc sống bị đảo lộn vì đại dịch tới nay vẫn chưa thể thống kê hết được.
Covid-19 sáng 19.11: Cả nước 1.065.469 ca nhiễm | Hà Nội bỏ quy định cách ly gây tranh cãi |
Các chính sách (chống dịch) đều hướng đến người dân, đồng thời người dân cũng tham gia vào phòng chống dịch một cách tích cực, chủ động.
Là người công tác trong ngành y tế TP.HCM - tâm dịch “nóng” nhất của cả nước, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, nói trước Quốc hội rằng con số mất mát, hy sinh có thể không chỉ là hơn 20.000 người đã được thống kê (tính đến thời điểm bà Lan nói trước Quốc hội). “Đấy chỉ mới là về Covid-19”, bà Phong Lan chia sẻ và nói thêm: “Rất nhiều người dân, nhiều bệnh nhân đã không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn Covid-19, có thể cũng gián tiếp ra đi vì Covid-19”.
Bệnh nhân Covid-19 được phát hiện sớm và được tiếp cận y tế điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở để giảm thiểu nguy cơ tử vong, là một trong những bài học “xương máu” trong phòng chống dịch bệnh |
NGỌC DƯƠNG |
“Tất cả những gì chúng ta đã phải trả giá trong thời gian vừa qua là hệ quả để lại của hệ thống y tế chưa đủ mạnh”, bà Phong Lan nói và chỉ ra rằng cả hệ thống y tế cơ sở lẫn năng lực điều trị của ngành y tế đều “rất yếu”. Bà chia sẻ bản thân làm đại biểu Quốc hội tới nay là 3 nhiệm kỳ và nhiệm kỳ nào cũng chứng kiến việc chỉ một số ít địa phương chi đủ 30% ngân sách cho y tế dự phòng theo quy định, dù tỷ lệ 30% này là không đủ và cơ chế phân bổ theo địa giới hành chính chứ không theo quy mô dân cư đầy bất cập. Sự thiếu đầu tư cùng với cơ chế chính sách đối với y tế cơ sở “chắp vá” và thay đổi liên tục như việc giao các trung tâm y tế và bệnh viện trên địa bàn quận, huyện cho các sở y tế quản lý, đã khiến hệ thống y tế cơ sở què quặt và trở nên thiếu hiệu quả. Trong khi đó, cũng theo bà Phong Lan, lực lượng y tế tư nhân lại bị bỏ quên trong phòng chống dịch.
Bộ đội phát hàng thiết yếu cho người dân nghèo thất nghiệp trong những ngày TP.HCM tăng cường giãn cách phòng dịch |
ĐỘC LẬP |
Những phân tích của bà Phong Lan cũng được chính Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong báo cáo về kinh tế - xã hội trước Quốc hội: “Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở, còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận tình trạng nhiều địa phương không cấp đủ 10 - 20 triệu đồng cho các trạm y tế theo quy định. Với sự đầu tư như vậy, thật khó tránh tình trạng chỉ chưa tới một nửa số trạm y tế hiện có đáp ứng được 80% các dịch vụ y tế cơ bản của tuyến xã.
Bài học từ đại dịch đối với hệ thống y tế không phải là điều khó nhận thấy, song hoàn thiện hay nâng cao năng lực y tế cơ sở, theo người đứng đầu ngành y tế, vẫn là câu chuyện của tương lai.
Đừng lặp lại tư duy “hàng rào dây kẽm gai”
Ngày 11.10.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128, chuyển đổi mục tiêu chống dịch từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là sự chuyển đổi chiến lược, tư duy chống dịch.
Tuy nhiên, nhiều ngày sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, với nỗi sợ hãi bùng dịch, nhiều tỉnh “ngồi im” nghe ngóng các tỉnh khác. Trong khi đó, nhiều tỉnh tiếp tục tìm mọi cách để ngăn chặn dịch bệnh “vào” địa phương mình khi tỉnh khác mở cửa. Dù Chính phủ đã chỉ đạo, vẫn có địa phương tiếp tục đưa ra các loại giấy đi đường hay yêu cầu xét nghiệm đối với người dân.
Bên cạnh đó còn là sự lúng túng, bị động của nhiều địa phương, với không ít câu chuyện đáng suy ngẫm về tư duy cán bộ và quản lý nhà nước tại nhiều địa phương. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, “đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi nhưng đến đại dịch mới bộc lộ ra”.
Hàng ngàn người gửi tên thân nhân mất vì Covid-19 để cầu siêu |
Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhiều nơi hiểu sai chủ trương “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài chống dịch”. Lẽ ra phải lấy đơn vị xã, phường, thị trấn làm nơi tổ chức công việc cho chống dịch, thì nhiều nơi lại hiểu pháo đài này như cái lô cốt để bao vây lại. Dù Thủ tướng cho rằng cũng có lý do là “lo sức khỏe của người dân quá” để châm chước, song tư duy của boong-ke, lô cốt, “hàng rào dây kẽm gai” của nhiều cán bộ vẫn là vấn đề đáng lo ngại cho tới tận những ngày này.
Phát huy sức mạnh rất lớn của dân
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội vừa qua, trả lời về kinh nghiệm được rút ra sau 2 năm chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định bài học kinh nghiệm đầu tiên chính là cách tiếp cận toàn dân trong chống dịch - nghĩa là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch.
Các biện pháp thích ứng an toàn với dịch đang giúp nhịp sống của TP.HCM dần quay trở lại bình thường |
NGỌC DƯƠNG |
“Các chính sách (chống dịch) đều hướng đến người dân, đồng thời người dân cũng tham gia vào phòng chống dịch một cách tích cực, chủ động”, Thủ tướng giải thích. Bên cạnh đó, ở một quốc gia mà tinh thần đoàn kết, sẻ chia luôn được đề cao như một đặc tính dân tộc như ở Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch đã được thực hiện theo nghĩa rộng nhất của từ này. Toàn dân đã tham gia chống dịch. Chúng ta đã được chứng kiến không ít những câu chuyện cảm động về tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong đại dịch, từ những cây ATM gạo, khẩu trang, rồi tới cả bình ô xy cho các F0…
Chúng ta cũng đã biết có hàng ngàn tỉ đồng đã được người dân, doanh nghiệp gửi tới các Quỹ phòng chống Covid-19 hay Quỹ Vắc xin khi được kêu gọi… Mỗi khi có một địa phương nào bùng dịch, cả nước lại có một phong trào hướng về với rất nhiều sự giúp đỡ. Những kết quả của Việt Nam trong thời gian qua chính là nhờ sự đồng lòng nhất trí trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Sức mạnh của người dân là rất lớn. Đó chính là điều được nhiều người đúc kết và cần mãi phát huy để ứng phó với không chỉ những biến thể của dịch bệnh, trong tương lai.
Cần gói kích thích kinh tế, trợ lực người dân
Suy giảm kinh tế hiện nay bắt nguồn từ cú sốc dịch bệnh, nên giải pháp căn cơ nhất cho phục hồi kinh tế là làm sao kiểm soát, khống chế được dịch bệnh. Đây là chiến lược cần được đặt lên hàng đầu, với các kịch bản phòng chống dịch trong các tình hình mới từ vắc xin, thuốc điều trị, hệ thống y tế cơ sở, đi liền đó là các chính sách để thực hiện cụ thể.
Đặc biệt, bài toán đặt ra là các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, trợ lực người dân phải đi đúng và trúng, đồng thời phải phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ để tránh lạm phát quay trở lại. Kịch bản nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô phải luôn hàng đầu.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
Mai Hà (thực hiện)
Vỡ trận dự phòng sẽ vỡ trận điều trị
Bài học rút ra trong phòng chống dịch giai đoạn vừa qua là cần dự báo đúng, bởi tốc độ lây lan dịch rất nhanh, nhưng dự báo chưa đúng nên số ca mắc mới tăng cao, dẫn đến bị động. Vỡ trận dự phòng dẫn đến vỡ trận điều trị, khi dịch đã bùng phát thì rất khó để xử lý. Thứ 2 là xét nghiệm, ngoài phát hiện ổ dịch phải xét nghiệm đánh giá nguy cơ, xét nghiệm phải theo điều tra dịch tễ, trả luôn kết quả trong ngày. Về phong tỏa, phải tránh ngoài chặt trong lỏng, đảm bảo an sinh xã hội để người dân yên tâm ở trong nhà. Hoặc cách ly tập trung, nhưng không đầy đủ điều kiện dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Bài học vừa qua tử vong nhiều do dự phòng để số ca mắc cao, điều trị không tiếp cận được kịp thời nhất với người bệnh. Đặc biệt, phải đánh giá được nguy cơ dựa trên cấp xã, phường để đưa ra phương án hợp lý nhất: nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh hiện tượng không đáp ứng đủ để phòng dịch, hoặc quá tải thì ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống người dân. Hiện nay, chúng ta đã mở cửa trở lại, phải chấp nhận có F0 trong cộng đồng, không thể “zero F0”, nhưng phải làm sao để số mắc mới và số ca nặng không tăng cao quá.
PGS-TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế)
Mai Hà (thực hiện)
Khai thác sức mạnh công nghệ để ngăn ngừa đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã dạy cho thế giới nhiều bài học đau đớn. Tôi đã chỉ ra các lĩnh vực mà tôi tin rằng cấu trúc y tế toàn cầu phải được tăng cường để chuẩn bị, ngăn ngừa, phát hiện và phản ứng nhanh với các đợt bùng phát dịch bệnh và đại dịch. Một trong số đó là nhu cầu về những hệ thống và công cụ mới, mạnh mẽ để giám sát toàn cầu, thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về các đợt bùng phát với tiềm năng trở thành dịch và đại dịch. Vi rút lây lan nhanh, nhưng dữ liệu có thể được truyền tải nhanh hơn. Với thông tin chính xác, các nước và các cộng đồng có thể đi trước những nguy cơ đang nổi lên và cứu mạng người. Đô thị hóa, phá rừng, biến đổi khí hậu và những hoạt động nông nghiệp quá mức đều đang gia tăng nguy cơ dịch và đại dịch, gồm những bệnh có nguồn gốc động vật và kháng thuốc. Tuy nhiên, các công nghệ mới đang cho chúng ta năng lực dự báo, ngăn ngừa, phát hiện và phản ứng với các đợt bùng phát nhanh hơn trước. Khai thác sức mạnh từ những công nghệ mới này để cứu mạng không chỉ là cơ hội, mà còn là nghĩa vụ.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus
(Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu ngày 25.10)
Bảo Vinh (dịch)
Chúng ta còn một con đường dài phía trước. Nhưng với các liệu pháp điều trị đạt được, độ phủ vắc xin, phương pháp xét nghiệm và các biện pháp can thiệp phi dược phẩm hợp lý, chúng ta có thể giảm thiểu tác hại. Đó là cơ sở để phục hồi nền kinh tế và cuộc sống của nhân loại.
GS Howard P.Forman (Chuyên về chính sách y tế, Đại học Yale, Mỹ)
Hoàng Đình (thực hiện)
Bình luận (0)