Những công trình chở khát vọng phục hồi

13/10/2022 20:39 GMT+7

không chỉ là các dự án hạ tầng quan trọng, nó còn chở theo khát vọng phục hồi kinh tế đất nước sau thời gian dài giãn cách phòng chống Covid-19 .

Khi cả nước còn trong những ngày nghỉ lễ lớn nhất trong năm hồi đầu tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác đặc biệt “xuyên Việt, xuyên Tết” kéo dài 3 ngày, trên cung đường bộ dài gần 1.600 km và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc.

Hơn ai hết, người đứng đầu Chính phủ hiểu rằng cao tốc, sân bay, đường sắt... không chỉ là các dự án hạ tầng quan trọng, nó còn chở theo khát vọng phục hồi kinh tế đất nước sau thời gian dài giãn cách phòng chống Covid-19.

Thông đại lộ để đến đại phú

Chuyến công tác đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu với lễ khánh thành tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn tại Ninh Bình sáng sớm 4.2. Đây là dự án thành phần đầu tiên hoàn thành trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược, trong đó cao tốc Bắc - Nam phía đông được chọn là một trong những đột phá của hạ tầng để tập trung đầu tư.

Trên thực tế, vai trò của tuyến hành lang vận tải Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau là vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng khẳng định cao tốc Bắc - Nam chưa xong thì chưa thể nói đến chuyện bứt phá kinh tế. Tuy nhiên, sau 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên (TP.HCM - Trung Lương) vào năm 2004, cả nước mới có 1.163 km đường cao tốc đi vào khai thác, tốc độ xây dựng trung bình 74 km/năm, bằng 1,5% tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc. Tương tự, dù năng lực cạnh tranh kinh tế của VN đã tăng bậc rất nhanh, song chỉ số kết cấu hạ tầng đường bộ còn thấp, đứng thứ 104/141 quốc gia, chỉ số về chất lượng đường bộ đứng 103/141.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa đang được khẩn trương thi công

Ái Châu

Vì thế, việc đẩy mạnh tuyến cao tốc Bắc - Nam không chỉ “thông đại lộ sinh đại phú” mà còn là khát vọng của bao người dân VN từ mũi Cà Mau tới địa đầu tổ quốc. Bởi tuyến đường này đi qua 30 tỉnh, TP, nhiều khu dân cư, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trung tâm văn hóa, du lịch. Khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn để kết nối giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa, đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước.

Tuyến đường không chỉ cải thiện lưu lượng giao thông trên trục huyết mạch mà còn giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp các khu vực tiếp giáp, tạo cơ hội cho khoảng 60% dân số sinh sống dọc trục đường được hưởng lợi. Đây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, phát triển vượt bậc.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 của Bộ GTVT, Phó thủ tướng Lê Văn Thành “đặt hàng” Bộ GTVT phải bảo đảm đến cuối năm 2022, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải được khởi công để có thể khánh thành, đưa vào khai thác năm 2024 - 2025. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra…; thực hiện khảo sát, thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần. Các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, hội đồng giải phóng mặt bằng và tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan. Các đoàn công tác liên tục được tổ chức, ráo riết khảo sát thực địa, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, TP có dự án thành phần đi qua để thống nhất hướng tuyến dự án, các công trình trên tuyến. Với cơ chế đặc thù mà Quốc hội và Chính phủ cho phép, dù khối lượng công việc rất lớn nhưng đến cuối tháng 6, các cơ quan, đơn vị liên quan đã hoàn thành lập hồ sơ dự án, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt toàn bộ 12 dự án thành phần.

“Tính từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư, thời gian để Bộ GTVT hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương khoảng 5 tháng và thời gian chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án khoảng 10 tháng, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn tất trong thời gian khoảng 1,5 năm. Đây có thể được coi là dự án trọng điểm quốc gia đột phá nhất về thời gian chuẩn bị thực hiện đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT khi đó nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Nha Trang - Cam Lâm đang triển khai

Hiền Lương

Sân bay, đường sắt...đua tiến độ

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì UBND tỉnh Đồng Nai cùng Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng vừa hoàn thiện hồ sơ để khởi công 2 tuyến đường với tổng vốn 4.800 tỉ đồng, kết nối sân bay Long Thành.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến số 1 dài 3,8 km, điểm đầu từ cổng phía tây sân bay Long Thành kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và điểm cuối khớp nối tỉnh lộ 25C. Tuyến rộng 85 - 120 m, quy mô 8 làn xe chính và 6 làn đô thị song hành. Đây sẽ là đường chính để ra vào thi công giai đoạn đầu của dự án sân bay Long Thành. Tuyến số 2 dài 3,5 km, có quy mô 4 làn xe theo hai nhánh chạy độc lập, song hành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đường này kết nối tuyến một với cao tốc TP.HCM-Long Thành - Dầu Giây...

Gần 20 năm kể từ khi chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua, năm 2022 là năm mà sân bay này được triển khai quyết liệt nhất với hàng loạt các hoạt động từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, rà soát kiểm tra tiến độ, các địa phương cũng như chủ đầu tư phải cam kết tiến độ từng hợp phần công việc, báo cáo thường xuyên... Thậm chí đầu năm nay, Chính phủ còn thành lập Ban Chỉ đạo dự án cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành để giúp Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các dự án này.

Nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới, sân bay Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV, cho biết sau khi hoàn thành, Long Thành không chỉ giúp giảm tải, thay thế vai trò, vị trí của Tân Sơn Nhất hiện nay, mà sẽ còn cạnh tranh với Changi (Singapore) hay Suvarnabhumi (Thái Lan)... để trở thành hub (điểm kết nối) của khu vực và thế giới.

Khi đó, Long Thành không phải là 1 nan hoa nữa mà biến thành trục bánh xe, từ Long Thành sẽ trung chuyển đi các sân bay lớn trên khắp thế giới. Đồng thời, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra “hệ kinh tế sân bay” cho khu vực gồm các khu đô thị, dịch vụ thương mại giải trí, nhóm ngành logistics, kho bãi, công nghiệp phụ trợ... Sân bay quốc tế Long Thành với diện tích hơn 5.000 ha cũng được quy hoạch dựa theo mô hình này.

Trong đó, vùng 1 có bán kính 5 - 10 km quy hoạch thành khu chức năng hỗ trợ, các kho trung chuyển, dịch vụ logistics. Lợi thế kinh tế đến từ sân bay sẽ được tận dụng tối đa bởi H.Long Thành đang có 5 khu công nghiệp, ngoài ra còn hàng chục khu công nghiệp giáp ranh ở khu vực TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương. Để kết nối với Long Thành, sẽ có 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt, mở ra không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ và cả nền kinh tế. Theo một tổ chức quốc tế của Úc đánh giá, sân bay này sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 - 5%.

Cũng sau 17 năm long đong, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Bộ GTVT gấp rút hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Chính trị, xem xét cho chủ trương vào đầu tháng 9. Song song, Bộ cũng yêu cầu Ban QLDA đường sắt chỉ đạo tư vấn khẩn trương hoàn thành báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, trong khi Phó thủ tướng Lê Văn Thành đồng thời thúc Bộ GTVT thống nhất với các địa phương về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.

“Tôi chỉ mơ lên tàu từ TP.HCM tối ngủ sáng có mặt ở Hà Nội” - giấc mơ hơn một thập kỷ mà chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch chia sẻ với Thanh Niên cũng là giấc mơ của rất nhiều người Việt sau nhiều năm xót xa nhìn hệ thống đường sắt ngày càng thất thế, lạc hậu. Quyết liệt đẩy mạnh loạt dự án trọng điểm không chỉ mang lại diện mạo cũng như hy vọng mới cho ngành hàng không, đường sắt mà còn hỗ trợ tiến trình hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Thi công dự án sân bay Long Thành

Lê Lam

Giấc mơ thập niên đường Vành đai

Chưa bao giờ, đường vành đai của 2 thành phố lớn nhất cả nước lại được nói nhiều, bàn nhiều như trong năm nay. Ngày 16.6.2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Hà Nội với nhiều cơ chế đặc biệt. Đây là mốc thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chấm dứt hàng thập niên trông ngóng đường vành đai của cả 2 đầu tàu kinh tế.

Với TP.HCM - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Vành đai 3 không chỉ hiện thực hóa “giấc mơ 13 năm” của người dân TP mà còn mở ra cơ hội để kích hoạt kinh tế phục hồi. Hình ảnh ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cùng lãnh đạo UBND TP, các giám đốc, trưởng phòng thuộc Sở GTVT áo ướt đẫm mồ hôi tháp tùng đoàn khảo sát của Kiểm toán Nhà nước thực địa công trường dự án trước “giờ G” trình Quốc hội, giải đáp chi tiết từng thắc mắc, tỉ mỉ ghi chép từng góp ý của đoàn khảo sát… cho thấy quyết tâm cao độ của TP với Vành đai 3.

Đường Vành đai 3 kết nối TP.HCM với nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... sẽ giải quyết rất lớn việc vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy kinh tế, xã hội toàn vùng. Chưa kể sau này, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường vành đai sẽ hình thành thêm một hướng kết nối, các phương tiện không cần đi vào đường nội đô để lên cao tốc, giúp giảm lượng lớn phương tiện cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm TP đến sân bay.

“Vành đai 3 được Chính phủ “bật đèn xanh” ngay khi TP.HCM vừa mở cửa kinh tế sau đại dịch là dấu mốc cực kỳ quan trọng. Công trình “nóng máy”, hàng ngàn công nhân, kỹ sư sẽ có công ăn việc làm, kích hoạt các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ, thương mại… giúp kinh tế TP dần vực dậy. Không những thế, từng bước tiến đột phá của Vành đai 3 sẽ tạo động lực cho các dự án khác đồng loạt tăng tốc, càng khẳng định giai đoạn biến đổi của giao thông TP đã chính thức bắt đầu”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.

Tương tự, tuyến Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội, sau hơn 10 năm chờ đợi kể từ khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, cũng đã chính thức khởi động để hoàn thành sứ mệnh liên kết vùng và kết nối giao thông đô thị. Việc đầu tư tuyến đường sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển thủ đô trong tương lai. Theo UBND TP.Hà Nội khi tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối các địa phương lân cận và Hà Nội, như phát triển mới và khai thác hiệu quả khoảng 6.500 ha quỹ đất phía tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, giúp Hà Nội điều chỉnh được tổng thể quy hoạch thủ đô sau 14 năm hợp nhất về mặt hành chính, khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn.

Đầu tháng 1.2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có tổng chiều dài khoảng 729 km, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần đầu tư hoàn toàn từ vốn đầu tư công. Tổng mức đầu tư lên tới 146.990 tỉ đồng. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18 triển khai dự án với hàng loạt cơ chế đặc thù chưa từng có tiền lệ. Bộ GTVT lập tức lên mốc khởi công, chính thức nối thông hơn 2.000 km cao tốc Bắc - Nam chạy dọc đất nước, từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) đến mũi Cà Mau.

Cả nước chung tay phát triển

Tinh thần là cả nước chung tay phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Giao thông tới đâu thì không gian phát triển và giá trị đất đai tăng lên tới đó. Các địa phương chuẩn bị quy hoạch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đầu tư các dự án. Làm sớm thì địa phương phát triển nhanh, phát triển sớm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thúc đẩy tăng trưởng

Trong bối cảnh VN đang tái mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy sự hồi phục, sản xuất, mở cửa thu hút các dòng vốn đầu tư thì việc thúc đẩy các dự án đầu tư công là ưu tiên hàng đầu. Trong khi khối đầu tư tư nhân còn dè dặt, các khoản đầu tư công thông qua các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn rất tốt. Dòng tiền đang rất cần bơm ra nền kinh tế và những dự án hạ tầng quy mô lớn là địa chỉ thích hợp nhất để dòng tiền đi đúng hướng. Dòng tiền sẽ lưu thông tốt hơn, tạo công ăn việc làm, nối lại thị trường lao động, cải thiện thu nhập cho người dân, từ đó phục hồi sức cầu cho nền kinh tế.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn(Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.