Cuộc phiêu lưu ở rừng Amazon
Hè năm 2018, khi mới 22 tuổi, anh Cao Nhựt Minh Thuần lên đường thực tập ở rừng Amazon. Nơi anh đến thuộc phía đông Ecuador sát biên giới Colombia, từ ngôi làng bên ngoài phải đi xuồng khoảng 5 giờ đồng hồ mới đến được trạm nghiên cứu trong rừng. Trong khoảng 6 tháng, một ngày của chàng trai trẻ bắt đầu từ 5 - 6 giờ sáng. Anh gặm vội ổ bánh mì, mang theo thiết bị ghi chép đến chờ sẵn tại tổ của loài khỉ nhện. Công việc theo dõi bắt đầu ngay khi đàn khỉ thức dậy và kéo dài đến khi chúng quay về tổ vào cuối ngày.
Lan Khanh tại cuộc triển lãm All The Flowers Are For Me ở Bảo tàng Peabody Essex (bang Massachusetts) |
Loài khỉ nhện, đặc biệt là các cá thể đực, hoạt động với tần suất cao độ. Chúng chủ yếu sinh hoạt trên cây, vì thế một trong những khó khăn lớn nhất mà anh Thuần phải đối mặt chính là làm sao duy trì tư thế ngẩng đầu trong suốt thời gian dài để quan sát khỉ vắt vẻo trên cao. Nhiều lúc anh phải chạy đua với chúng để bảo đảm đối tượng luôn trong tầm mắt. Sau khi chúng quay về tổ ngủ, anh lại tiếp tục xử lý dữ liệu ghi nhận trong ngày, sắp xếp các tiêu bản, trước khi đi ngủ giữ sức và chuẩn bị cho ngày tiếp theo. “Phải ngủ sau khỉ và thức dậy trước chúng để không bị mất dấu các đối tượng, trên thực tế tôi phải ngủ “đua” với khỉ”, Thuần chia sẻ.
Cao Nhựt Minh Thuần tại Trạm nghiên cứu đa dạng sinh học Tiputini (Amazon) |
NVCC |
Trong đa số thời điểm, tổ thực tập chỉ gồm 2 người là Thuần và một trợ lý thực địa khác, chưa kể ban quản lý trại. Thỉnh thoảng vẫn có những đoàn nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới lui tới trong thời gian ngắn và sau đó rời đi. Công việc tại rừng Amazon đòi hỏi năng lực làm việc độc lập, sự bền bỉ, kiên trì và thật sự yêu quý động vật. “Thường tôi chỉ ăn bánh mì, mười mấy ổ một tuần. Cũng có cơm và các món khác, nhưng ăn cơm khá bất tiện vì mình không biết trước khi nào phải vắt giò lên cổ để đuổi theo khỉ”, anh Thuần chia sẻ.
Ka Roi Ngo (phải) |
Có lần, chàng trai Việt bị ấu trùng ruồi trâu ký sinh trên da một thời gian dài mà không biết. Thông thường thành viên các đoàn khoa học chỉ bị nhiễm ấu trùng khoảng 2 tuần. Thời điểm anh Thuần phát hiện, ấu trùng đã được 2 tháng và đạt kích thước “khủng”. Đồng nghiệp phải dùng sáp đèn cầy và tìm cách tống nó ra ngoài. Dù vậy, đối với Thuần, thời gian ở rừng Amazon thật sự quý báu, cho phép anh tiến gần thêm một bước đến mục tiêu mà anh hy vọng sẽ trở thành nhà linh trưởng học trong tương lai.
Giờ đây, ở tuổi 26, anh Thuần đã trải qua thời gian thực tập ở Vườn quốc gia Cúc Phương, sa mạc ở bang Arizona (Mỹ), rừng Amazon và điểm đến kế tiếp là khu bảo tồn Mawana (Nam Phi), cũng tập trung nghiên cứu linh trưởng. Anh chuẩn bị lên đường trong năm nay, và dự kiến sẽ làm việc từ 8 - 10 tháng tại đây.
Cô gái với giấc mơ mỹ thuật
Trong khi đó, đối với Lan Khanh, 26 tuổi, không bao giờ quá trễ để khám phá bản thân muốn gì. Thời điểm lên đại học, thuận theo ý cha mẹ, Khanh học chuyên ngành marketing của Đại học RMIT vì cho rằng tương lai mình sẽ nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, định mệnh là điều gì đó thật sự kỳ diệu và vô cùng khó đoán trước. Một phần được thúc đẩy bởi sự tò mò, và phần còn lại muốn làm gì đó khác với hướng đi quen thuộc, Khanh đăng ký một trong những môn tự chọn là lịch sử mỹ thuật. Những giờ lên lớp, dù ngắn ngủi, cũng đã đủ tạo nên ấn tượng mạnh mẽ cho cô sinh viên trẻ, và gieo xuống hạt giống bền bỉ cho đến ngày nảy mầm.
Sau khi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân kinh doanh, Khanh quyết định tìm hiểu cặn kẽ về ngành học đã mang tới sự rung động đến khó tin cho bản thân. Trong lúc làm việc toàn thời gian cho một xưởng phim, Khanh vẫn tiếp tục nghiên cứu và lên kế hoạch cho hướng đi kế tiếp. Sau khi mất nửa năm thuyết phục cha mẹ, cuối cùng Khanh cũng chính thức bắt đầu theo đuổi con đường mơ ước. Vào thời điểm bước chân vào Đại học Suffolk ở thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ), cô gái người Việt cũng là sinh viên quốc tế duy nhất theo học ngành lịch sử mỹ thuật tại trường. Điều đó cũng phản ánh mức độ “kén chọn” của ngành học này, thậm chí trong cộng đồng sinh viên các nước phương Tây.
Điều kỳ diệu là bất chấp chương trình học nặng nề và khô khan đối với nhiều người khác, Khanh vô cùng yêu thích khám phá tranh và lịch sử của nó theo từng thời kỳ. Đối với Khanh, tranh không chỉ phản ánh tâm trạng, linh hồn của họa sĩ, mà còn là tấm gương phản ánh xã hội và thời cuộc.
Về việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, Khanh cho hay vẫn muốn tiếp tục học chuyên sâu trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành này có những cơ hội nghề nghiệp như làm việc tại bảo tàng mỹ thuật, tham gia đấu giá tranh, đảm nhiệm vai trò cố vấn nghệ thuật, hoặc trở thành người mua tranh hộ cho các công ty. Trong khi đó, nghề giám tuyển, tức chuyên gia về một trường phái tranh cụ thể, chỉ dành cho người hoàn thành bậc tiến sĩ trở lên. Và Khanh vẫn nỗ lực vì ước mơ đó.
Theo đuổi ngành “siêu lạ”
Về phần mình, Ka Roi Ngo, 21 tuổi, đang theo đuổi ngành học mơ ước: Cơ thể động học (tiếng Anh là kinesiology). Đây là ngành mới, có thể nhiều người vẫn chưa biết đến cái tên này. Nói một cách tóm tắt, “cơ thể động học” là ngành nghiên cứu về chuyển động của cơ thể người, tập trung quan sát các nguyên tắc và cơ chế vận động về khía cạnh sinh lý, giải phẫu, cơ sinh học và tâm lý thần kinh. Đáng ngạc nhiên là ngành học ít người biết đến lại có tầm ứng dụng rộng rãi, từ cơ sinh học, phẫu thuật chỉnh hình đến tâm lý thể thao và hỗ trợ trị liệu cho người bị thương tật về thể chất và tâm lý, cũng như người lớn tuổi.
Trong thời gian học cấp 3 ở trường quốc tế, Ka Roi suy nghĩ rất nhiều về ngành học phù hợp cho nghề nghiệp tương lai. Anh vô cùng yêu thích thể thao, và liên tiếp có mặt trong các đội thi đấu của trường suốt nhiều năm. Thay vì theo đuổi con đường vận động viên chuyên nghiệp, chàng trai trẻ cho rằng có thể chọn một chuyên ngành giúp anh luôn sống trong môi trường thể thao dài hạn. Sau thời gian tìm hiểu, Ka Roi quyết định chọn ngành học trên và đích đến là Canada, nơi “chuyên viên về cơ thể động học” được công nhận là nghề nghiệp chính thức ở một số tỉnh bang.
Vào thời điểm trúng tuyển, Ka Roi là người Việt Nam duy nhất đăng ký ngành này tại Đại học British Columbia ở Vancouver. Hiện là sinh viên năm ba, anh cho hay những gì mình học được khá khác so với nhận thức trước đó. “Điểm khác biệt chủ yếu là không phải lúc nào mọi chuyện cũng xảy ra ở khía cạnh thể chất/tâm sinh lý, mà sức khỏe tâm thần còn đóng vai trò lớn đối với sự thể hiện của vận động viên”, anh cho biết. Vì thế, tâm lý học thể thao cũng là khóa học bắt buộc cho sinh viên theo đuổi chuyên ngành này.
Lời khuyên chung của Minh Thuần, Lan Khanh và Ka Roi Ngo cho giới trẻ hiện nay là: hãy dành thời gian khám phá bản thân muốn gì và dũng cảm theo đuổi khi xác định được mục tiêu. Cuộc hành trình tiến đến ước mơ hoàn toàn không dễ, và luôn cần sự kiên trì cùng nỗ lực để giữ được “ngọn lửa đam mê” ban đầu.
Bình luận (0)