Tôi, một giáo viên hưu trí, tự vấn với lương tâm mình: Với tình hình dịch bệnh thế này, giờ về hưu làm thế nào để tuyên truyền, để kêu gọi ý thức của cộng đồng, làm cách nào để gắn kết được với các trò cũ, tiếp cận bạn bè, mọi người một cách nhanh nhất và cũng thú vị nhất để tất cả biết giữ gìn, phòng chống Covid-19 đây ?
Vâng, Covid-19 cứ mỗi lần bùng phát thì báo chí, mạng xã hội lại ùn ùn chia sẻ tin tức về Covid-19 một cách nhanh nhất! Người ta nhắc nhau ra đường phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… Nhớ khi đợt dịch thứ nhất, thứ hai bùng lên, chính báo chí, mạng xã hội cũng lan truyền thông báo sớm nhất, cũng lên án mạnh nhất những người thiếu ý thức làm lây lan dịch bệnh. Và báo chí, mạng xã hội cũng ca ngợi nhiều nhất, nhanh nhất những chiến sĩ, những y bác sĩ ở tuyến đầu Tổ quốc, ca ngợi những nghĩa cử cao đẹp của người dân khi sẻ chia bó rau, thúng bí, bó cải, những hộp cơm… cho vùng bị phong tỏa cách ly và cả những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch…
Tôi cũng thế! Đọc báo online để cập nhật tin tức một cách nhanh nhất, sớm nhất! Còn nhớ làn sóng dịch lần thứ 2, thứ 3, Covid-19 tấn công vào Đà Nẵng, thành phố du lịch nổi tiếng của cả nước, rồi tấn công vào Hải Dương, một thành phố lớn phía Bắc khi đang giai đoạn Đại hội Đảng lần thứ 13. Thật gay go khốc liệt!
|
Đợt dịch bệnh thứ 4 này thật khủng khiếp
Tôi cập nhật tin tức hàng giờ trên các tờ báo online (báo chính thống) để chia sẻ đưa tin lên trang Facebook của mình sớm nhất, hòng giúp những người ít thời gian đọc báo do phải đi làm, chỉ thi thoảng họ ghé vào Facebook xem, biết kịp thời những tin tức mới nhất về Covid-19. Tôi cũng tìm cách kêu gọi mọi người ra đường đừng quên khẩu trang, luôn rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách…
Đợt dịch bệnh thứ 4 này thật khủng khiếp. Nó hoành hành dữ dội ở các tỉnh phía bắc nước ta từng ngày từng giờ! Phía nam thì phải mấy phòng tuyến bảo vệ chủ yếu do các anh cảnh sát biển, các anh bộ đội biên phòng ngày đêm canh giữ, người thì băng băng trên biển cả để kiểm soát những trường hợp vượt biên trái phép.
Đúng là chống dịch như chống giặc, thậm chí còn hơn thế, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu từ những ngày đầu dịch bệnh đến quê hương ta.
|
Mình nhỏ bé, là người về hưu, thôi thì làm được việc gì giúp xã hội được thì làm…
Sáng sớm 27.5.2021, vừa nhấm mẩu khoai lang luộc với cốc sữa, vừa đọc báo trên điện thoại, tôi giật mình vì TP.HCM vừa phát hiện ca dương tính đến Bệnh viện Nhân dân Gia định khám và may mắn bệnh viện khám sàng lọc phát hiện cách ly ngay. Tôi vội chia sẻ lên trang Facebook để mọi người cảnh giác cao độ. Không ngờ chỉ 30 phút sau, một bài báo nữa đưa tin Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) phát hiện thêm 3 ca, rồi 10 ca nghi mắc Covid-19 nữa.
Tôi lại mau mắn chia sẻ giúp cộng đồng mạng cẩn thận hơn khi ra đường đi làm, đi học, đi ăn uống hàng quán, bởi có bao giờ mà thành phố mình lại phát hiện các ca nhiễm Covid-19 tới tấp như vậy đâu.
Chia sẻ lên mạng xã hội không phải để dọa dẫm cho mọi người hoang mang sợ hãi mà để mọi người càng phải đề cao cảnh giác, thực hiện triệt để quy tắc 5K mà Bộ Y tế đã nhắc nhở hàng ngày hàng giờ, nhắc nhau phòng tránh dịch bệnh tốt hơn, để cuộc sống được yên ổn!
|
Ra chợ cũng thế, tôi tìm cách nhắc nhở mọi người
Hơn tuần nay, trước cửa chợ Lò Than (thuộc P.6, Q.8, TP.HCM), khu chợ thân quen của tôi hơn nửa thế kỷ nay, luôn túc trực đội ngũ gồm 2 anh cảnh sát, 1 anh dân phòng và chị y tế khoác blue trắng ngồi sẵn với chiếc máy đo thân nhiệt, chai nước sát khuẩn, 2 hộp khẩu trang… Họ phải nhắc nhở, thậm chí phát khẩu trang cho vài người đi chợ quên không đeo! Hình ảnh thấy xúc động làm sao!
Trong chợ, vài người bán hàng len lén bỏ khẩu trang ra hoặc kéo xuống tận cằm do không đeo quen, do nóng ngộp, do trước giờ có ai kiểm tra đâu, nay đeo thấy khó chịu.
Bà Chính bán rau củ quả các loại thấy tôi liền nhoẻn miệng, cười tươi tắn duyên dáng vì chả có khẩu trang:
- Cô giáo ơi, mua giùm chị gì đi nè !
- Ôi (tôi cũng cười theo giả lả), không đeo khẩu trang em hổng dám mua đâu nha! Em sợ "Cô vi"!
- Í í, chị quên, bí quá, chị mới bỏ ra hà! Để chị đeo vô nè, mua cho chị sáu cái hột vịt hai chục ngàn nhen!
Thế là tôi lựa thêm ít trái đậu bắp cho bà Chính vui. “Chị nhớ đeo khẩu trang vô! Không đeo bị phạt tiền triệu, mấy ngày chị mới đủ lời để bù vô”, tôi nói. “Ừa, chị nghe lời em rồi nè cô giáo ơi! Mua gì cho chị gì nữa hông ?", bà Chính đáp lời tôi.
|
Sang hàng cá, cô bé bán cá bầu bí đã tháng thứ bảy, khẩu trang cũng kéo xuống cằm! Cô bé luôn tay đánh vẩy, cắt vây hết con cá này đến con cá khác, mặt cúi xuống chăm chú, một lúc lại ngước lên trả lời khách hoặc mời chào:
- Cô, mua gì cho con với. Nay có bạc má tươi ơi tươi nè cô !
Tôi lại nửa đùa nửa thật:
- Ui, con không đeo khẩu trang đúng cách kìa, cô giận rồi! Ăn rau thôi vậy…
Cái chợ bé xíu nên người bán lẫn người mua biết mặt, quen người, biết cả nhà của nhau nên mới nghe tôi nói vậy cô bé liền cười chớ không giận:
- Con đeo khẩu trang lại nè cô ơi! Cô mua bạc má hay chỉ vàng, con lựa nhen! Làm sạch sẽ cho cô luôn nhen!...
Sang hàng hoa quả của vợ chồng cái Dung, hai vợ chồng bán 2 quầy đối diện nhau để tiện phụ nhau bán hàng. Cô vợ luôn đeo khẩu trang cẩn thận, Dung nói: “Em đeo suốt. Đeo cho chắc cú cô ơi. Rủi có gì mắc công lắm”!
Mấy người đi chợ cùng cười theo. Có người nói vô: “Đeo khẩu trang cho tất cả đều an toàn, thực hiện 5K nha bà con! Thôi tui dìa lẹ. Không dám tụ tập nữa”...
Dịch bệnh căng thẳng nên ngày nào tôi cũng ra chợ mua nhanh rồi về hoặc hai ba bữa đi một lần. Chứ “không đi thì… chợ không đông”!
Người về hưu góp được chút công sức gì thì góp để cùng địa phương, nhà nước phòng chống dịch bệnh. Với tôi thế là một điều hạnh phúc. Hạnh phúc của người về hưu!
Bình luận (0)