Những người "dập tắt chiến tranh": Nửa đêm đi hòa giải

Vũ Thơ
Vũ Thơ
31/07/2020 07:12 GMT+7

“Ối bà Đầm ơi, bà đến ngay nhà cháu, không bố cháu đánh chết mẹ cháu!...”. Nửa đêm nghe cuộc gọi như vậy, bà Đầm lại tức tốc đến nơi, hóa giải các mâu thuẫn của gia đình họ.

Đó cũng chỉ một trong “nghìn lẻ một chuyện” của những người làm hòa giải ở cơ sở như bà Vũ Thị Đầm (59 tuổi, thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, H.Hoài Đức, Hà Nội). Bởi họ luôn phải giải quyết muôn hình vạn trạng các mâu thuẫn của người dân. Để giữ môi trường sống bình yên cho mỗi ngôi nhà, mỗi khu phố, nhiều người đã cống hiến cuộc đời mình cho cái nghề “dập tắt chiến tranh”.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Vũ Thị Đầm, người đã có 21 năm làm công tác hòa giải ở địa phương và đã được nghe rất nhiều câu chuyện khó tin sau lũy tre làng.

Nhà riêng thành nhà lánh nạn

Ngôi nhà bà Đầm ở chỉ là nhà cấp 4, nhưng khá rộng rãi và thoáng mát, với một khoảng sân lớn. Đây cũng chính là ngôi nhà lánh nạn của phụ nữ trong xóm, mỗi khi bị bạo lực gia đình và đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hà Nội công nhận suốt 18 năm qua. Ngôi nhà ấy đã cứu rất nhiều phụ nữ trong làng thoát khỏi bạo hành của chồng và được bà hàn gắn vết thương để có một gia đình êm ấm.

Tôi chỉ làm vì tình làng, nghĩa xóm. Được va chạm với nhiều người, tôi đã hoàn thiện bản thân mình hơn

Bà Vũ Thị Đầm (thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, H.Hoài Đức, Hà Nội)

Bà Đầm cho biết, bà chỉ có nghề làm ruộng, trình độ học vấn chỉ hết lớp 9, nhưng hơn 20 năm qua, bà đã hòa giải thành công không biết bao nhiêu chuyện ở làng quê này. “Vợ chồng 70 tuổi đòi ly hôn cũng có. Anh em tranh giành về đất đai, hay mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình rồi đánh cãi nhau cũng có... Ở làng quê thì nhiều mâu thuẫn lắm, từ chuyện con gà sang, con chó ị cũng sinh ra cãi chửi nhau”, bà Đầm tâm sự.
Tuy nhiên, vụ nào bà cũng hòa giải thành công và có những vụ nổi tiếng trong làng. Đó là trường hợp một cặp vợ chồng, bà phải mất mấy năm hòa giải, để họ có một mái ấm gia đình đến bây giờ và đã trở thành ông bà của nhiều đứa cháu.
“Đêm ấy, trời mưa rét, tôi đang ngủ thì có người gọi: “Ối bà Đầm ơi, bà đến ngay nhà cháu, không bố cháu đánh chết mẹ cháu!”. Tôi đến nơi thì thấy bà vợ đang bị nhốt trong buồng, ông chồng tay lăm lăm gậy sắt và dọa “ai vào sẽ đập chết”. Vì vậy, các con của ông bà ấy cũng sợ quá, chỉ dám đứng ở cổng nhìn vào. Hàng xóm cũng đến đông lắm nhưng không ai dám can. Tôi nghĩ, mình không vào thì ai cứu. Vậy là tôi vẫn kiên trì gọi người chồng tới 3 lần thì được đồng ý cho vào nhà”, bà Đầm nhớ lại.
Khi tìm hiểu, bà biết người chồng gian díu với một phụ nữ khác và lại chơi xóc đĩa, thua 15 triệu đồng, giờ về đòi vợ đưa tiền để trả, nhưng không được, nên đánh. “Khi ấy, tôi đã phân tích rằng ông ấy đã mắc tới 4 tội, đó là: ngoại tình, bạo hành vợ, cờ bạc và bạo lực tâm lý đối với con cái. Với 4 tội đó, nếu tôi gọi công an đến giải quyết thì sẽ bị đưa ngay lên đồn. Đồng thời, tôi cũng nói rằng, nếu không muốn hòa giải để gia đình đổ vỡ, ông ấy sẽ mất hết: mất vợ, mất con, mất nơi ở (vì ông ấy đang ở rể) và mất cả danh dự... Vì thế, ông ấy phải xuống nước và đến hơn 3 giờ sáng, thì tôi mới được trở về nhà”, bà Đầm kể.
Cũng chính gia đình bà T., người vợ trong câu chuyện đó, với 4 đứa con trai, con dâu, con gái, đã phải nhiều lần đến lánh nạn ở nhà bà Đầm. Khi đến đây, chồng bà T. còn sang định gây rối, nói bà chứa chấp bất hợp pháp. Tuy nhiên, bà lại vui vẻ nói, nhà bà được pháp luật công nhận và nếu muốn vào nghe hòa giải thì bà mời vào, còn không thì là nơi bất khả xâm phạm…
Bây giờ đã ngoài 60 tuổi, nhưng nhớ lại cái ngày khốn khổ đó, bà T. vẫn không khỏi sợ hãi. “Ngày đó, tôi khổ lắm, bị ông ấy đánh lên, đánh xuống, chảy cả máu đầu. Nếu không có bà Đầm giúp đỡ, thì không biết tôi có được ngày hôm nay không”, bà T. xúc động nói.

Xích mích thì nhiều lắm

Còn nhiều vụ khác nữa đã được bà Đầm hòa giải thành công, mà sau bao nhiêu năm họ vẫn nhớ ơn bà. Đó là một cặp vợ chồng trẻ mới cưới, thấy vợ đi cắt cỏ đồng về, bị ướt đũng quần, mà chồng ghen, đưa cho 500.000 đồng “tiền bồi thường” và đòi ly hôn, đuổi về nhà ngoại. Người vợ trẻ đã đến cầu cứu bà Đầm. “Khi ấy, tôi cũng đang nuôi con nhỏ, lại vừa mới đi hái rau về, còn chưa kịp bó để mang đi chợ bán, thì nhận được tin. Tôi lại bỏ dở việc nhà, sang hòa giải và đến nay vợ chồng họ đã có với nhau 3 đứa con khôn lớn, trưởng thành”, bà Đầm kể.
Bà Vũ Thị Đầm đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của xã, huyện và TP.Hà Nội. Mới đây nhất, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ H.Hoài Đức vinh danh là điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. 
Những câu chuyện xích mích trong gia đình thì nhiều lắm, nhưng với mỗi câu chuyện, bà Đầm lại tìm cách phân tích có lý, có tình để người dân hiểu và sống hòa thuận hơn. Có khi chỉ vì một câu nói, mà gia đình anh em xô xát, dẫn đến đánh cãi nhau. Bà từng hòa giải một nhà hai anh em đánh nhau chỉ vì một câu nói của chị dâu. Đó là khi người em đi làm đồng về chân tay, quần áo lấm bùn, vào thẳng nhà vệ sinh rửa thì bị chị dâu phàn nàn “tha cả bẩn thỉu vào nhà”. Người em ấm ức cho rằng chị khinh bỉ mình, ví mình như con chó, vì chỉ có chó mới biết “tha”. Vậy là nói qua nói lại, anh em họ đánh nhau.
Khi bà Đầm được gọi đến hòa giải, bà đã gọi người em ra phân tích trước. “Tôi bảo: Cùng một câu nói thôi, những người có văn hóa cao hơn sẽ nói dễ lọt lỗ tai hơn, còn người ít học vấn hơn thì có khi không diễn đạt được. Vì chị dâu học kém hơn cháu 2 lớp, nhận thức không bằng cháu được, cháu có trình độ cao hơn thì nên xử sự có văn hóa hơn...”. Từ sự phân tích đó, người em đã nguôi ngoai và không đánh nhau nữa.
Hay như từ những chuyện nhỏ mà bà được các chị em phụ nữ tâm sự, bà cũng “dập tắt chiến tranh” ngay từ ý định của họ. “Có người bảo với tôi, chồng họ cứ yêu cầu đi về là phải hỏi. Họ bức xúc lắm nói: “Nó có là bố tao đâu mà phải hỏi!”; hay có những mẹ chồng tức con dâu không ngớt lời chửi bới: “Nó vừa dốt, vừa ngu, vừa láo”... Trước những câu chuyện như thế, bà Đầm lại phân tích, khuyên nhủ, khiến mọi người đều “tâm phục, khẩu phục”.
Những người dâp tắt chiến tranh: Nửa đêm đi hòa giải

Bà Vũ Thị Đầm trò chuyện với một cán bộ thôn trong ngôi nhà mình, cũng là nhà lánh nạn của các nạn nhân bị bạo lực gia đình

Làm hòa giải vì tình làng, nghĩa xóm

Chia sẻ về bản thân, bà Đầm cho biết, bà chỉ học hết lớp 5 rồi đi thanh niên xung phong. Khi sức khỏe yếu, bà về quê, được nhà nước cho đi học thêm 4 lớp nữa để dạy mầm non. Sau đó, bà lập gia đình, rồi tham gia công tác phụ nữ ở địa phương. Bà đã từng trải qua và kiêm nhiệm rất nhiều công việc như: xóm trưởng, Tổ trưởng tổ phụ nữ tự nguyện tiết kiệm, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, hòa giải viên... Với công việc hòa giải, bà đã làm hơn 20 năm nay nhưng chưa bao giờ nhận một đồng thù lao nào. “Tôi chỉ làm vì tình làng, nghĩa xóm. Được va chạm với nhiều người, tôi đã hoàn thiện bản thân mình hơn”, bà Đầm nói.
Đặc biệt, trong gia đình, bà Đầm là người phụ nữ đảm đang và gương mẫu. Hiện bà sống cùng 3 người con, đều đã lập gia đình, trong cùng một nhà, nhưng chưa bao giờ xảy ra điều tiếng, xô xát. Chồng bà là thương binh chỉ còn 31% sức khỏe, cũng tâm sự: “Bà ấy làm việc không quản ngày đêm. Tôi cứ mở mắt ra là đã thấy “mất vợ”. Nhưng tôi cũng không phàn nàn vì bà ấy làm vì cộng đồng, vì xã hội”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.