Nhiều việc không tên
Gặp Chu Thị Hảo, giáo viên mầm non của Trường mầm non Bình An, TP.Thủ Đức (TP.HCM), tại điểm tiêm vắc xin cũng ở ngôi trường này. Hảo cho biết suốt những ngày qua, không riêng Hảo mà nhiều thanh niên tình nguyện khác luôn túc trực để hỗ trợ y, bác sĩ tiêm vắc xin với công việc nhiều vô kể...
“Công việc của mình là đo nhiệt độ, hỗ trợ khai báo y tế, hướng dẫn chỗ ngồi, chỉ dẫn chỗ để xe cho người dân. Bên cạnh đó, mình còn an ủi, động viên, trấn an tinh thần, tìm hiểu và giải đáp những thắc mắc cho người dân đến tiêm vắc xin. Ngoài ra, còn nhiều việc không tên khác như chuẩn bị bàn ghế, dọn vệ sinh khu vực tiêm phòng...”, Hảo kể.
Tại điểm tiêm vắc xin, công việc của thanh niên tình nguyện luôn tất bật. Ai nấy đều chú tâm hướng dẫn người dân giãn cách để tránh lây nhiễm chéo. Hoàng Hải Sơn, sinh viên năm cuối Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng đang xếp ghế khu vực ngồi chờ cho mọi người đảm bảo tuân thủ đúng khoảng cách an toàn. Khi vừa có người dân đến tiêm, Sơn nhanh chóng đo thân nhiệt và hướng dẫn rửa tay sát khuẩn trước. Chàng sinh viên này cũng hướng dẫn mọi người khai báo y tế bằng mã QR. Với những người dân không có điện thoại thông minh, Sơn tỉ mỉ hướng dẫn khai bằng hình thức ghi giấy.
Cạnh đó, Phạm Thị Thu Hường, sinh viên năm nhất Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đang liên tục phát cho mỗi người dân một số thứ tự, rồi giúp điền thông tin cá nhân từng người vào phiếu khám sàng lọc. Vừa có trường hợp đã tiêm vắc xin xong, Hường lại tâm sự, chỉ dẫn cách theo dõi tình trạng sức khỏe khi về nhà...
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh là lý do chung để các bạn trẻ tham gia vào đội tình nguyện này. Như Hải Sơn chia sẻ: “Đã từng có những lo lắng việc tiếp xúc trực tiếp với tất cả mọi người đến từ nhiều nơi khác nhau, khả năng lây lan dịch bệnh sẽ cao. Nhưng sau một lúc suy nghĩ, tôi đã quyết định tham gia. Tôi nghĩ đơn giản, giúp mọi người cũng như giúp mình. Khi có càng nhiều người được tiêm phòng thì khả năng nhiễm bệnh của họ sau đó cũng sẽ giảm đi, khả năng lây nhiễm càng giảm thì toàn xã hội sẽ an toàn hơn giữa thời điểm bùng dịch như thế này”.
Bài học về tiếp đón người dân
Theo chị Phan Ngọc Đoan Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP.Thủ Đức, để góp sức vào chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, Hội Liên hiệp Thanh niên TP.Thủ Đức đã thành lập đội hình hơn 200 đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ tại 34 điểm.
“Nhiệm vụ của các thanh niên tình nguyện tham gia thực hiện công tác hỗ trợ, điều phối người dân tại các địa điểm tiêm chủng, hỗ trợ công tác nhập liệu hồ sơ sức khỏe, hỗ trợ khai báo y tế, đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế tại nơi tiêm chủng vắc xin”, chị Trang cho biết.
Cũng theo chị Đoan Trang, lực lượng thanh niên tình nguyện đã được tập huấn về kỹ năng và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho biết những ngày làm việc ở đây để lại nhiều xúc cảm khó quên.
Theo cô giáo Chu Thị Hảo, làm việc cùng đội ngũ y tế chống dịch Covid-19 đã giúp cô có thêm sự hiểu biết, cảm thông và trân trọng hơn những vất vả của đội ngũ y bác sĩ. Đồng thời, bản thân cô cũng có được nhiều kinh nghiệm thực tế bổ ích khi làm việc đội nhóm và tiếp đón người dân.
Còn Hải Sơn: “Có một điều mà các thanh niên tình nguyện tin tưởng, đó là với sự đoàn kết, đồng lòng của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong việc phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian sắp tới, đại dịch này sẽ nhanh chóng bị kiểm soát và đẩy lùi”.
Là người phụ trách các đội hình tình nguyện hỗ trợ tiêm vắc xin tại khu vực 3 gồm 12 phường của TP.Thủ Đức, chị Nguyễn Thị Hà Xuyên (25 tuổi) nhận xét: “Bản thân mình cảm thấy các thanh niên tình nguyện làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm vì cộng đồng. Họ đã nỗ lực hết sức mình, tận tình hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện khai báo y tế, đối chiếu thông tin, theo dõi sau khi tiêm...”.
Bình luận (0)