Những nơi giúp trẻ khiếm thính tiếp cận chuẩn giáo dục như học sinh bình thường

17/12/2022 09:53 GMT+7

Mở rộng cơ hội hòa nhập là mục tiêu của những trường cùng tổ chức giáo dục trẻ khiếm thính để giúp các em không dừng bước học tập, tạo sự nghiệp trong tương lai.

Dạy tiếng Anh, hướng nghiệp từ THCS

Từ năm học 2022-2023, học sinh khối THCS tại Trường chuyên biệt Anh Minh, Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng (đều ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã được dạy phổ cập tiếng Anh như một công cụ giao tiếp với giáo án chuẩn quốc tế, bám sát các tiêu chí của Bộ GD-ĐT.

Nhà trường nỗ lực hướng đến chuẩn đầu ra là học sinh đáp ứng yêu cầu ngữ pháp, từ vựng cũng như khả năng hiểu hội thoại cơ bản, từ đó sử dụng tiếng Anh hiệu quả ở đa lĩnh vực bằng cách viết hoặc nhắn tin.

Bên cạnh đó, những học sinh có tiềm năng thì được đào tạo tin học sâu hơn (như tin học văn phòng, lập trình...) hay thể thao (gồm cờ vua, bóng đá, bóng rổ, đá cầu, thể dục động tác) và còn được tạo điều kiện đến doanh nghiệp học nghề, tức lồng ghép hướng nghiệp vào các môn học.

Điều này giúp trẻ khiếm thính sớm có được những kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu việc làm, hoặc theo đuổi con đường vận động viên chuyên nghiệp.

Giáo viên sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để hướng dẫn học sinh chuyên biệt trong một sự kiện mừng lễ trung thu được tổ chức bởi Hear.Us.Now

ngọc long

Đây là những nỗ lực của các trường chuyên biệt và tổ chức giáo dục người khiếm thính Hear.Us.Now từ nhiều năm qua. Theo cô Trần Huỳnh Bảo Ngọc, phụ trách học thuật Hear.Us.Now, các thầy cô tham gia giảng dạy đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, có thâm niên trong nghề, bên cạnh đó còn có sự giúp sức của nhiều tình nguyện viên đang là sinh viên.

Cô Ngọc chia sẻ điều khó khăn nhất trong giảng dạy cho trẻ chuyên biệt là vấn đề giao tiếp vì một số giáo viên thiện nguyện chưa thành thạo ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, thầy cô đều có phương pháp, cách thức riêng để truyền tải kiến thức đến các em nên không ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Riêng ở môn tiếng Anh, theo cô Ngọc, giáo án không có phần nghe, nói vì 2 kỹ năng này là “không thể với trẻ chuyên biệt”. Dù vậy, giáo viên đứng lớp vẫn giao tiếp bằng tiếng Anh bình thường để học sinh có thể đọc tín hiệu môi và phát triển khả năng phát âm, nếu có thể.

Học sinh khiếm thính tham gia chế tạo đài phun nước áp dụng nguyên tắc bình thông nhau ở lớp STEM/STEAM

Ngọc long

“Thông qua giảng dạy những môn học mang tính định hướng nghề nghiệp, chúng tôi kỳ vọng học sinh chuyên biệt khi hòa nhập vào xã hội có nghề nghiệp ổn định, cảm thấy bản thân là người có ích, nhất là từ những điều mình yêu thích”, cô Ngọc nói.

Phát triển kỹ năng hòa nhập

Với phương châm lấy trẻ làm trung tâm, Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng có nhiều hoạt động giúp học sinh có khả năng hòa nhập trong trường học và cộng đồng.

Thầy Danh Minh Trí, giáo viên lớp 1 dự bị, cho hay từ năm học này, chương trình áp dụng sách giáo khoa mới bộ Chân trời sáng tạo. Hiện tại, các em khiếm thính được học các môn toán, tiếng Việt, hát, vẽ, qua đó phát triển các kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là ngôn ngữ ký hiệu.

“Do đa phần độ tuổi các em trong lớp là từ 6 đến 13 nên việc dạy kỹ năng sống như yêu cầu trợ giúp, biết hỏi khi không hiểu, tự chăm sóc sức khỏe bản thân… là cần thiết nhất. Ngoài ra, mỗi tuần trung tâm cũng tổ chức hoạt động ngoại khóa với những chủ đề khác nhau cho các em học tập, vui chơi, đồng thời hướng dẫn vận động cơ xương khớp”, thầy Trí thông tin.

Chia sẻ thêm về hoạt động giảng dạy, cô Bùi Thị Ngọc, giáo viên lớp STEM, cho hay cuối mỗi chương là tiết thực hành STEM/STEAM như tạo màu an toàn cho thực phẩm, máy phát điện bằng rau, củ, quả...

Thầy Minh Trí đeo khẩu trang trong suốt hướng dẫn học sinh khiếm thính phát âm tiếng Việt

ngọc long

“Những bài học không đi sâu vào bản chất, nguyên lý khoa học mà chủ yếu rèn cho các em những kỹ năng sống khi hòa nhập cộng đồng để không bị thua thiệt”, cô Ngọc thông tin.

Tham gia những tiết học của trung tâm, người viết còn quan sát thấy tất cả thầy cô đều sử dụng loại khẩu trang trong suốt khi giảng bài. Chia sẻ về phụ kiện này, cô Ngọc kể rằng trẻ khiếm thính giao tiếp qua thị giác chiếm đến 60-70% lượng thông tin, vì vậy đọc tín hiệu môi là một trong những cách giúp học sinh “nghe” được.

“Nếu sử dụng khẩu trang thông thường, các em sẽ gặp rào cản trong giao tiếp vì không thể xem khẩu hình miệng của người đối diện. Để đảm bảo an toàn sức khỏe hậu Covid-19 cũng như bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và việc làm của người khiếm thính, hãy sử dụng khẩu trang trong suốt khi giao tiếp với họ”, nữ giáo viên lưu ý.

Nhiều nghiên cứu phát triển năng lực học tập

Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2022 vừa qua ghi nhận không ít đề tài hướng đến nâng cao năng lực học tập cho trẻ chuyên biệt. Chẳng hạn, nhóm sinh viên do Đinh Thị Anh Thảo (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) phụ trách đã đưa ra các phương pháp dạy học để phát triển năng lực đọc, viết trong ngữ văn cho học sinh khiếm thính.

Còn nhóm trưởng Đỗ Yến Nhi (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) cùng các thành viên chọn chế tạo những bộ dụng cụ thí nghiệm cho trẻ khiếm thị sử dụng trong dạy học vật lý các chủ đề lực, điện học.

Nhóm sinh viên do Bùi Ngọc Lan (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) phụ trách thì nghiên cứu phát triển kỹ năng hội thoại cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ giai đoạn tiền tiểu học và đầu tiểu học thông qua kịch vải (panel theater), một hoạt động giảng dạy kể chuyện bằng bảng vải còn khá mới ở Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.