Những quỹ đất bị 'đánh cắp'

Đình Sơn
Đình Sơn
28/09/2021 06:46 GMT+7

Đó là quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân...

Đó là quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân mà theo quy định các chủ đầu tư dự án bất động sản nhà ở, các khu công nghiệp khi triển khai dự án phải chừa lại, nhưng thực tế thì rất ít, rất hiếm đơn vị tuân thủ.

Đóng bằng tiền thay vì đất

Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) toàn quốc trong giai đoạn từ 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ, nhưng số lượng NOXH trên cả nước mới hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn.

Trong và ngoài các khu nhà cho công nhân, NOXH có đông công nhân và người lao động, chủ đầu tư phải xây trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... để đáp ứng nhu cầu người dân, người lao động.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh

Như vậy, sau nhiều năm triển khai, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đến nay mới đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu đã đề ra. Cũng theo Bộ Xây dựng, trong quý 2/2021, cả nước chỉ có 3 dự án NOXH với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đang có 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa. Hầu hết dự án đầu tư xây dựng NOXH cho người có thu nhập thấp tại các TP trọng điểm được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50 - 70 m2, với mức giá bán dao động dưới 20 triệu/m2. Liên quan nhà ở cho công nhân, trên cả nước hiện chỉ có 214 dự án NOXH dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha, trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha. Cũng có nghĩa là, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Riêng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2.580.000 m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân. Thực tế, hầu hết các khu công nghiệp đều không dành quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân. Điều này đã bộc lộ bất cập khi dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ thì các doanh nghiệp không có chỗ ở cho công nhân ở lại làm việc, sinh hoạt. Nhiều đơn vị phải đóng cửa, giảm công suất là vì vậy.
Trong khi đó, tại TP.HCM, mới đây Thanh tra TP.HCM đã đưa ra kết quả thanh tra liên quan đến việc điều tiết NOXH của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy có 17/26 dự án chỉ ghi nhận chủ đầu tư thực hiện điều tiết NOXH theo quy định mà không xác định cụ thể chủ đầu tư phải thực hiện xây dựng NOXH. Tức là đa số các chủ đầu tư chọn phương án nộp tiền thay vì nộp quỹ đất 20% của dự án.

Khu công nghiệp phải có nhà cho công nhân

Theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Nghị định 100 về phát triển và quản lý NOXH của Chính phủ quy định, với dự án dưới 10 ha, chủ đầu tư được lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Bởi vậy, đa số các chủ đầu tư không bố trí 20% quỹ đất trong dự án để làm NOXH mà lựa chọn nộp tiền. Điều này khiến quỹ đất phát triển NOXH bị thu hẹp. Trong khi đó, số tiền doanh nghiệp đóng thay cho quỹ đất 20% cũng không được bố trí cho quỹ phát triển NOXH tại địa phương.
Các chuyên gia quy hoạch cho rằng dù luật đã quy định rất cụ thể về việc các khu công nghiệp phải dành quỹ đất làm nhà cho công nhân, dự án nhà thương mại phải dành 20% quỹ đất làm NOXH nhưng không ai làm, bởi luật chưa nghiêm và chưa có chế tài.
Tại nhiều khu công nghiệp đã không để đất xây nhà cho công nhân, mà thậm chí còn cắt đất xây dựng nhà xưởng cho thuê. Những khu công nghiệp có quy hoạch đất làm nhà cho công nhân, chỉ sau một thời gian đã hô biến thành các dự án bất động sản thương mại hoặc phân lô bán nền. Trong khi đó, quỹ đất 20% được doanh nghiệp đóng bằng tiền và số tiền này đã nhanh chóng “hòa” vào thu ngân sách và sử dụng vào mục đích khác chứ không phải để riêng cho chương trình phát triển NOXH. Chính vì vậy, cần có cơ chế tách bạch số tiền này ra, không nộp chung vào thu ngân sách và phải dùng vào mục đích xây dựng NOXH.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá trong thời gian qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động... Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản chỉ đạo “nóng” đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển NOXH, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, TP. Đồng thời nâng cao chất lượng NOXH, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng NOXH ở đô thị và khu công nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.