Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên
Nhóm bạn gồm: Lê Thị Phương Thu, Nguyễn Đoàn Nhật Quỳnh, Hồ Thị Trang và Bùi Đức Thắng vừa xuất sắc giành giải nhất hội thi Festival khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức với sản phẩm “Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên”.
Theo chia sẻ của các thành viên nhóm nghiên cứu, sự kết hợp giữa hương hoa và vị nấm mang lại sự đầy đặn về hương vị, bổ trợ cho nhau làm tăng giá trị cảm quan của sản phẩm mà không cần ướp hương hay vị tổng hợp.
“Trong đó, a xít ganoderic là một trong những thành phần chủ yếu của linh chi có hoạt tính dược lý mạnh làm trẻ hóa các mô và tế bào của cơ thể, giúp duy trì sự trẻ trung và góp phần cải thiện sức sống. Dược chất trong nấm vân chi cũng có tác dụng ức chế tế bào ung thư và nâng cao hoạt tính miễn dịch của cơ thể”, nhóm trưởng Phương Thu thông tin.
Bên cạnh đó, nhóm cho biết hoa cúc chi và atiso có những dược chất có đặc tính chống ô xy hóa mạnh với vị đắng nhẹ, thanh mát giúp cơ thể giải nhiệt, mát gan, an thần. Hoạt chất chuyển hóa trung gian lavonoid trong 2 loại hoa này có tác dụng trị liệu đối với một số bệnh như dị ứng, loét dạ dày, giúp cơ thể điều hòa các quá trình chuyển hóa, chống lão hóa, làm bền thành mạch máu và giảm lượng cholesterol trong máu.
Theo Phương Thu, sản phẩm trà hoa nấm đã được kiểm định tại Trung tâm kiểm định chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 và Quatest 2. Nguyên liệu chính của sản phẩm là nấm linh chi, nấm vân chi, hoa cúc chi, hoa atiso, cỏ ngọt. “Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên là sản phẩm mới đầu tiên từ sự kết hợp giữa hương của hoa và vị của nấm”, Phương Thu chia sẻ.
Trước những lợi thế về dinh dưỡng và dược tính mà dòng trà hoa nấm mang lại, nhóm định hướng khởi nghiệp với dòng sản phẩm này. Thật thú vị khi đấy cũng chính là chiến lược phát triển bền vững giúp người nông dân địa phương ở H.Hòa Vang và Q.Cẩm Lệ (Đà Nẵng) giải quyết được đầu ra của nấm dược liệu, cải thiện đời sống an sinh xã hội. Nhóm cũng đồng thời góp phần đa dạng hóa dòng sản phẩm trà, thúc đẩy canh tác hoa cúc dược liệu tại địa phương, vừa phục vụ du lịch, vừa phát triển vùng nguyên liệu cho chế biến.
“Trong tương lai, nhóm mong muốn có nhà đầu tư hỗ trợ về nguồn vốn để mua thêm máy móc sản xuất một cách độc lập, quảng bá thương hiệu đến nhiều người tiêu dùng”, Phương Thu bày tỏ nguyện vọng của nhóm.
Ông Trịnh Công Duy, Giám đốc Trung tâm phát triển phần mềm ĐH Đà Nẵng, đại diện Ban giám khảo công bố giải nhất với sản phẩm trà hoa nấm, cho biết sản phẩm được đánh giá rất cao về chất lượng chuyên môn, được nghiên cứu bài bản, bước ra từ phòng thí nghiệm. Hiện tại sản phẩm đã được hỗ trợ sản xuất làm quà tặng và nhận được những phản hồi rất tích cực tại địa phương...
Độc đáo trà thảo mộc làm từ tía tô
Hai sinh viên Nguyễn Duy Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Thắm, Khoa Nông nghiệp - Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Tiền Giang, đã có nghiên cứu độc đáo khi sản xuất trà thảo mộc từ tía tô.
Đề tài vừa đoạt giải nhì cuộc thi Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2020, do Thành đoàn TP.HCM phối hợp ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Theo Duy Khánh, cây tía tô là một loại rau thơm quen thuộc phổ biến ở nước ta và một số quốc gia châu Á. Bên cạnh đó, cây tía tô còn là một vị thuốc trong y học cổ truyền, có tác dụng giải cảm, giải độc, trị ho…
“Với mong muốn nâng cao giá trị cho cây tía tô tại địa phương nên nhóm đã có ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu này chế biến thành các sản phẩm chức năng, nghiên cứu sản xuất trà thảo mộc tía tô”, Duy Khánh chia sẻ.
Để có nguyên liệu nghiên cứu, nhóm đã dành nhiều thời gian đến mua trực tiếp từ rẫy của các hộ nông dân ở xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành, Tiền Giang. Ngọc Thắm kể lại sau khi có nguyên liệu đã tiến hành thực hiện nhiều phương pháp để phân tích.
Cụ thể như trích ly, đem bột lá tía tô sấy khô đã nghiền mịn được cân chính xác tiến hành đun cách thủy, được lọc qua giấy lọc... rồi áp dụng phương pháp Folin-Ciocalteau để xác định hàm lượng polyphenol. Hay ứng dụng phương pháp Folin-Denis để xác định hàm lượng tannin. Dùng phương pháp pH vi sai để tìm hàm lượng anthocyanin...
Sau đó phối trộn tía tô với cỏ ngọt, trà xanh và gừng theo các tỷ lệ khác nhau... để cho ra loại trà thảo mộc độc đáo. “Việc phối trộn ấy có ảnh hưởng lớn đến hàm lượng các hợp chất sinh học: polyphenol, tannin và anthocyanin trong sản phẩm. Đồng thời giúp sản phẩm có chất lượng tốt nhất”, Ngọc Thắm giải thích.
Để tạo ra sản phẩm ưng ý nhất, nhóm cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của thời điểm thu hoạch và bộ phận sử dụng đến hàm lượng một số hợp chất sinh học trong cây tía tô.
Theo đó, Duy Khánh cho rằng: “Nghiên cứu đánh giá hàm lượng một số hợp chất sinh học trên cây tía tô được thực hiện với hai thời gian thu hoạch, đó là trước khi cây ra hoa và khi cây chuẩn bị ra hoa, cũng như áp dụng với hai bộ phận nguyên liệu là lá và thân cây. Sau thời gian nghiên cứu, được thực hiện trên cơ sở đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm trà thảo mộc túi lọc thì nhận ra lá tía tô lúc cây chuẩn bị ra hoa là nguyên liệu tốt để chế biến trà”.
Qua việc nghiên cứu này giúp nhóm xây dựng quy trình công nghệ để chế biến sản phẩm trà thảo mộc tía tô túi lọc chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng tốt cho sức khỏe. Các mẫu trà thí nghiệm đã được đánh giá cảm quan bằng phương pháp cho điểm dựa theo bảng mô tả được xây dựng trên cơ sở yêu cầu chất lượng của TCVN 7975:2008 về các sản phẩm trà thảo mộc túi lọc.
Ngọc Thắm chia sẻ thêm: “Hy vọng khi sản phẩm được tung ra thị trường sẽ được sự đón nhận và ủng hộ của khách hàng”.
Bình luận (0)