Những thiên thần áo trắng lặng thầm

An Dy
An Dy
24/10/2019 14:35 GMT+7

Ít ai biết rằng, các nữ điều dưỡng - những thiên thần áo trắng lặng thầm, phải đối diện với khó khăn, nguy hiểm, áp lực còn hơn cả công việc của những người đàn ông.

Phòng nhận bệnh Khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện Đà Nẵng) giữa đêm mà người ra vào xuôi ngược còn đông hơn cả ban ngày. “Đây là giờ tiếp nhận các ca tai nạn giao thông, đa chấn thương. Hầu như đêm nào tầm giờ sau 10 giờ là bệnh vào liên tục”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thương, Khoa Ngoại thần kinh, vừa nhận bệnh vừa giải thích.
Có những đêm, Thương và các đồng nghiệp tiếp nhận liên tục hơn 50 ca tai nạn, đa chấn thương, rải rác từ chập tối đến khi trời mờ sáng. Đa phần bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, kích động, do vết thương, mất tri giác hoặc do men rượu bia. Những người đi cùng cũng trong tình trạng tương tự, nên đó cũng là giờ các điều dưỡng như Thương làm việc căng thẳng nhất nhưng tỉnh táo nhất có thể.
Điều dưỡng Võ Thị Na chăm sóc, theo dõi các bệnh nhân nặng trong ca trực kéo dài 16 giờ đồng hồ liên tục

Điều dưỡng Võ Thị Na chăm sóc, theo dõi các bệnh nhân nặng trong ca trực kéo dài 16 giờ đồng hồ liên tục

“Có lúc chúng tôi chạy xuôi chạy ngược tiếp nhận bệnh nhân, ghi nhận tình trạng của họ kèm các chỉ số để cung cấp cho bác sĩ trực đánh giá, rồi trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân, giải thích thắc mắc của người nhà hàng của chục ca bệnh cùng một lúc. Nhưng cũng không thể nào đáp ứng hết”, Thương kể.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kiều Chinh, Điều dưỡng trưởng - người có thâm niên 26 năm ở Khoa Ngoại thần kinh, đa phần trạng thái kích động của người nhà đều xuất phát từ việc họ nghĩ rằng nhân viên y tế “để mặc” bệnh nhân đau đớn mà “không làm gì”. “Trên thực tế chúng tôi đều đang làm việc, đó là theo dõi trạng thái bệnh nhân, đo các chỉ số sinh tồn… Không thấy bác sĩ đến hỏi han không có nghĩa là bác sĩ “bỏ mặc”.
Niềm vui đời thường của chị em điều dưỡng BV Đà Nẵng ngày 8.3

Niềm vui đời thường của chị em điều dưỡng BV Đà Nẵng ngày 8.3

Chúng tôi liên tục cập nhật tình trạng của từng ca bệnh đến bác sĩ trực để cân nhắc, điều chỉnh các can thiệp phù hợp. Nhiều trường hợp bệnh nhân đau đớn, la hét chửi rủa, thậm chí đánh và phun cả nước bọt vào mặt điều dưỡng, tấn công nhân viên y tế. Có lúc không chịu được cảnh bệnh nhân đau đớn khi thuốc chưa có tác dụng, người nhà bệnh nhân còn đập phá đồ đạc, náo loạn cả khu vực điều trị khiến cả kíp trực khiếp vía”, chị Chinh nói.

Ám ảnh những tiếng bíp bíp!

So với các khoa khác, việc chăm sóc bệnh nhân ở khu vực cấp cứu, ngoại thần kinh, ngoại chấn thương, hồi sức ngoại ở các bệnh viện… có phần vất vả hơn. Bởi bệnh nhân đa phần không thể đi lại, di chuyển, với những bệnh nhân không có thân nhân còn vất vả gấp bội. Những nữ điều dưỡng ở các khoa này “gánh” luôn cả việc chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh cho họ hằng ngày. “Có những người nặng đến gần 80 ký mà không có thân nhân, chị em điều dưỡng, hộ lý phải khiêng, xốc, trở bệnh nhân để thay tả bĩm, vệ sinh. Nhiều khi làm thì không còn sức để thở”, một nữ điều dưỡng Khoa Ngoại thần kinh tâm sự.
Có khi nửa đêm, chị em diều dưỡng còn lặn lội đi mua đồ ăn, nước ngọt “đãi” bệnh nhân, chỉ để họ “ngoan ngoãn” không bứt đứt dịch truyền
Bác sĩ Trà Tấn Hoành, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng
Câu chuyện của một bệnh nhân người Pháp bị tai nạn chấn thương, không có tiền, không thân nhân lưu lại tại Khoa Ngoại thần kinh mới đây vẫn là kỷ niệm nhớ đời đối với các chị điều dưỡng. “Bất đồng ngôn ngữ”, “bệnh nhân bất hợp tác”, “văn hóa sinh hoạt khác biệt”, là những cản ngại mà họ phải vượt qua để chăm sóc bệnh nhân này. Cứ mỗi lần đến phiên trực bệnh nhân này thì ai cũng ngại, bởi anh ta vừa chướng và thất thường. Khi đến gần chăm sóc thì anh ta chộp lấy và ôm lại khiến ai cũng hoảng sợ bỏ chạy. “Thiệt là nhớ đời luôn!”, một điều dưỡng từng chăm sóc bệnh nhân người Pháp nhiều tuần liền kể.
“Những bệnh nhân người nước ngoài bị tai nạn đa chấn thương đưa vào bệnh viện, thường khó hợp tác với các nhân viên y tế trong điều trị và lưu trú, các chị cũng chia nhau dỗ dành, động viên. Có khi nửa đêm, chị em diều dưỡng còn lặn lội đi mua đồ ăn, nước ngọt “đãi” bệnh nhân, chỉ để họ “ngoan ngoãn” không bứt đứt dịch truyền”, bác sĩ Trà Tấn Hoành, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng, nói thêm.
Ở Khoa Hồi sức Ngoại (Bệnh viện Đà Nẵng), áp lực của những nữ điều dưỡng nằm ở hệ thống những máy móc, dây nhợ chằng chịt bao vây người bệnh nặng. Hơn 15 năm làm việc ở đây, chị Võ Thị Na vẫn không thôi căng thẳng với những tiếng “bíp bíp” dồn dập từ giường bệnh nhân, những người mà chị chăm sóc, gần gũi hằng ngày như người thân dù họ hôn mê chẳng tỉnh. “Sợ nhất là bệnh nhân trở nặng đột ngột, hệ thống máy kích hoạt báo động. Những tiếng bíp bíp vang lên liên tục đến ám ảnh, tim đập theo các chỉ số sinh tồn trồi sụt của bệnh nhân…”, chị Na trải lỏng khi đang theo dõi nhịp thở của một bệnh nặng.

Nuôi dưỡng tấm lòng thiện nguyện

Có nhiều bệnh nhân hôn mê không có thân nhân vẫn thường được các điều dưỡng chia sẻ thông tin, liên lạc tìm kiếm người nhà, xin hỗ trợ điều trị tích cực, kịp thời từ phía bệnh viện. “Có nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nguy kịch, nằm nhiều tuần liền nhưng không biết các nào liên lạc người thân. Cô ấy được mấy chị em ở đây chăm sóc như người thân. Về sau khi sức khỏe ổn định, cô ấy quay lại thăm chúng tôi và không khỏi ngỡ ngàng với mớ dây nhợ, máy móc hồi sức mà cô ấy từng sử dụng trong suốt thời gian dài. Hoàn cảnh cô ấy cũng khó nên đến với nhau chỉ bằng cái tình, vậy mà vui, thấy công việc của mình ý nghĩa”, chị Na tâm sự.
Ở Khoa Hồi sức ngoại, không có hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le nào mà chị Na và các chị em điều dưỡng không nắm. Chị chia sẻ với các đồng nghiệp để nhận sự hỗ trợ đặc lực nhất từ phía họ. Nhiều hoàn cảnh khó khăn cũng từ sự “sâu sát” của các chị mà được các bác sĩ đề xuất hỗ trợ vượt qua cơn khó ngặt.
Riêng ở Khoa Ngoại bỏng Tạo hình (Bệnh viện Đà Nẵng) thì bệnh nhân nghèo lại “níu” điều dưỡng Lê Thị Ba, bởi chị có tiếng tốt bụng. Cứ có hoàn cảnh “thân cô thế cô” không người chăm sóc là chị lại cùng các điều dưỡng trong khoa chia nhau đi xin từng suất cháo từ thiện, từng tấm áo, mảnh chăn sạch. Một bệnh nhân khá đặc biệt là bà Lê Thị Thân (61 tuổi, Điện Bàn, Quảng Nam), người nhận những chăm sóc ân cần từ điều dưỡng Ba gần 17 năm qua, xúc động cho biết: “Tôi nằm bệnh viện suốt mấy chục năm qua vì bệnh mạn tính, cách tháng lại vào, nên tôi với các chị ấy (PV: điều dưỡng) thân thương còn hơn người nhà vì bên nhau quá nhiều năm rồi, lại toàn lúc ốm đau ngặt nghèo…”.
“Cùng với các bác sĩ, kỹ thuật viên thì các chị điều dưỡng như chị Ba, chị Chinh… là những người vinh dự được ngành y tế TP.Đà Nẵng ưu ái trao danh hiệu Tỏa sáng Blouse trắng. Đó là giải thưởng, cũng là món quà dành tặng cho cho những đóng góp lặng lẽ, âm thầm của họ, vì sức khỏe, vì chất lượng điều trị của người bệnh”, chị Nguyễn Thị Thu Dung, Điều dưỡng Trưởng (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết.
 
“Không hiểu sao cứ bệnh nhân vào khoa tôi lại toàn là bệnh nhân nghèo, nên tôi không khi nào hết việc, cứ làm người đi “xin”, đi chăm suốt. Cám ơn môi trường làm việc này đã giúp chúng tôi có cơ hội nuôi dưỡng lòng thiện nguyện, được gần gũi với bệnh nhân làm điểm tựa cho họ khi họ ốm đau bệnh tật”, chị Ba giản dị trải lòng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.