Nợ xấu ‘phình to’, bong bóng bất động sản, chứng khoán xuất hiện

Anh Vũ
Anh Vũ
01/06/2022 17:51 GMT+7

Đại biểu Quốc hội lo ngại dòng tiền rẻ đã "bơm" vào các thị trường bất động sản, chứng khoán trong 2 năm đại dịch Covid-19 có thể làm nợ xấu phình to, bong bóng chứng khoán và bất động sản đã ít nhiều xuất hiện.

Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1.6, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đồng ý với nhận định của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ cũng như của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ở điểm kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc.

Thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro và nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thảo luận về nợ xấu ngày 1.6
gia hân

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, vấn đề duy trì chính sách tiền rẻ, tiền lỏng, bên cạnh những mặt cấp thiết tích cực của nó là những hệ lụy khó tránh khỏi.

Đó là một phần đáng kể của dòng tiền dễ dãi này đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích khiến vấn đề bong bóng ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp 3 không và nhiều tài sản tài chính khác ít hay nhiều, nhẹ hay nặng chắc chắn đã xuất hiện.

Mới đây, theo đại biểu của đoàn Quảng Trị, khi các cơ quan hữu trách nhà nước ra tay xử lý trọng điểm, lập tức những thị trường này co xẹp lại và rơi vào trầm lắng một cách bất thường.

Tính từ tháng 3.2020 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu tới cuối tháng 4.2022, nhà đầu tư nước ngoài thực đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tới 68.000 tỉ đồng, tương đương hơn 3 tỉ USD, còn tính từ đầu năm tới cuối tháng 4.2022 mức bán ròng của nhóm này đạt 4.400 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD.

“Dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản, tài chính nói chung khi mà khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp. Đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào? Liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này hiện thực sự đứng ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng cỡ nào trong thời gian tới”, đại biểu Đồng đặt câu hỏi.

Tất nhiên, theo đại biểu Đồng, những ngành kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ, tài chính ngân hàng đã kiếm lợi lớn trong suốt thời đại dịch, theo đó, thu ngân sách nhà nước từ các lĩnh vực này cũng tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất.

Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách nhà nước thặng dư cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch đã được đặt ra trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại đầu kỳ họp này.

Nợ xấu đang phình to
ngọc thắng

Về nợ xấu, bên cạnh khối nợ khoanh, nợ cơ cấu theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phình lên do hệ lụy từ nhiều đợt giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch, áp lực nợ xấu còn gia tăng từ khu vực phi sản xuất do rủi ro đảo chiều của chính sách.

Nhận định thực trạng nợ xấu, đại biểu Đồng cho biết, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro và nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới đã khá rõ, bất chấp số liệu vừa được cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước về nợ xấu của các tổ chức tín dụng tới 31.12.2021 chỉ còn khoảng 377.900 tỉ đồng, chiếm có 5,76% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế.

Bởi thế, việc cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 cho tới cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khuôn khổ pháp luật về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo nợ vay trở nên có sức thuyết phục, dù một số ý kiến phân tích khi thảo luận tại tổ là không nên kéo dài mà chỉ ưu tiên cho một lĩnh vực, đẩy khó khăn cho các lĩnh vực khác không phải là không có cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.