Cơ cấu lại ngành du lịch
Nhận định sản phẩm du lịch (DL) về đêm vẫn còn đơn điệu, ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, đề nghị cần có cơ chế chính sách phát triển, xem đây là vấn đề cần thiết hiện nay.
|
|
Báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa 9 (nhiệm kỳ 2016 - 2020) khai mạc hôm qua, ông Trần Chí Cường cho biết về lĩnh vực dịch vụ, DL tuy có tổng lượt khách tăng cao, nhưng qua số liệu cần phân tích thêm doanh thu mang lại từ lĩnh vực lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng chưa tương xứng và có xu hướng tăng chậm lại. Số ngày lưu trú bình quân của khách thấp hơn so cùng kỳ, tình trạng thất thu trên lĩnh vực DL vẫn còn phổ biến. “Đà Nẵng vẫn còn thiếu các sản phẩm DL để tăng chi tiêu của du khách, sản phẩm DL về đêm vẫn còn đơn điệu. Biển là sản phẩm chủ lực nhưng tiến độ giải quyết ô nhiễm môi trường còn chậm so với yêu cầu”, ông Cường nói.
Đáng chú ý, có một tỷ lệ không nhỏ khách đến Đà Nẵng theo tour giá rẻ, chi phí sử dụng dịch vụ không cao, chủ yếu khai thác lợi nhuận từ mua hàng hóa. Vì vậy, ông Cường kiến nghị TP cần khẩn trương hoàn thành đề án cơ cấu lại ngành DL, đề án xác định sức chứa điểm đến DL, sớm hình thành sản phẩm DL mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hiện có… TP khẩn trương có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thu hút đầu tư các hoạt động giải trí về đêm, có cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm, xem đây là vấn đề cần thiết cho phát triển DL hiện nay. “Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có quy hoạch cụm hoạt động DL, dịch vụ riêng biệt, bài bản, không làm ảnh hưởng đến tập quán văn hóa, môi trường sống của người dân”, ông Cường nhấn mạnh.
Xử lý dự án chậm triển khai
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng đánh giá, dù đã có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhưng năm 2019 có 6/11 chỉ tiêu chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế của TP đạt thấp so với kế hoạch. Yếu tố đóng góp rất lớn trong GRDP của TP (khoảng 30-35% GRDP) là vốn đầu tư phát triển, song năm 2019 chỉ tiêu này đạt thấp, chỉ tăng 3,6% (kế hoạch là 5-6%). Nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất là vốn đầu tư ngoài nhà nước không tăng, thậm chí còn giảm 3,17%. “Vì vậy, cần phân tích nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế trong huy động nguồn vốn này, vướng mắc này do đâu”, ông Trần Chí Cường gợi ý.
Trong năm 2019, công tác rà soát các lô đất, các dự án chậm triển khai đã được tập trung thực hiện, thu khoảng 214 tỉ đồng gia hạn sử dụng đất, thu 861 tỉ đồng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn bất cập, công tác rà soát, gia hạn sử dụng đất ở một số địa phương còn chậm. Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị trong năm 2020, TP cần tập trung xử lý, tháo gỡ những vướng mắc liên quan thực hiện kết luận 2852 của TTCP để khai thông nguồn lực đất đai, đẩy mạnh thu hút đầu tư; rà soát quỹ đất để tích hợp vào quy hoạch chung; kiên quyết thu hồi các khu đất lớn hết thời gian gia hạn sử dụng đất…
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP, cũng đề nghị TP cần đôn đốc và có hướng xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm triển khai khu vực trung tâm TP, hoàn thành năm 2020; rà soát các dự án ven biển và chủ động nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu để trình duyệt ngay sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được phê duyệt. Với các dự án liên quan đến thanh tra, điều tra, ông Tiến cho rằng cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng, chủ động lập thủ tục chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở thực hiện ngay sau khi có kết luận thanh tra, điều tra.
Thừa Thiên-Huế thảo luận xây dựng Bộ tiêu chí của đô thị di sảnHôm qua 10.12, trong ngày làm việc thứ 2, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiếp tục thông qua 6 nghị quyết (về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, lập đoàn giám sát tình hình kết quả thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo…). Trước đó, ngày 9.12, HĐND tỉnh đã thông qua 15 nghị quyết. Tại kỳ họp này, các đại biểu đã tập trung thảo luận xây dựng Bộ tiêu chí của đô thị di sản để đề nghị T.Ư công nhận Thừa Thiên-Huế là đô thị di sản đặc thù trực thuộc T.Ư.
Theo báo cáo, năm 2019 Thừa Thiên-Huế đã có 12/14 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (2/14 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu). Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 7,18% (kế hoạch đề ra 7,5-8%), nhưng đây là mức tăng cao hơn so với năm 2018 (6,61%) và đứng đầu trong 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.
* Hôm qua, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa 17 cũng khai mạc kỳ họp thứ 12, tập trung xem xét và quyết định các nội dung chính: kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020; các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh; báo cáo của TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh; báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; các kết quả giám sát chuyên đề… Hôm nay (11.12), các đại biểu sẽ thảo luận và bước vào phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn.
B.N.Long - T.Q.Nam
|
Bình luận (0)