Nữ ca sĩ, rapper da màu nổi tiếng Mapei, giọng ca được mệnh danh nữ hoàng của indie pop & soul tại Thụy Điển, lần đầu tiên lưu diễn tại Việt Nam.
Sau chương trình biểu diễn trong lễ Lucia (lễ hội Ánh sáng) tại Hà Nội, cô tiếp tục đến với khán giả thành phố Hồ Chí Minh trong đêm nhạc Mapei: Live in Vietnam, thuộc dự án Soul Live Project Series: Rock & Pop, diễn ra vào ngày 29.11 tại Soul Live Project Complex (thành phố Hồ Chí Minh).
|
Từ một rapper, Mapei đã trở thành một nghệ sĩ nhạc soul nổi tiếng tại Thụy Điển và trên thế giới. Năm 2015, Mapei được công chúng toàn cầu biết đến khi trở thành khách mời trong chương trình Late show with David Letterman (chương trình talkshow nổi tiếng tại Mỹ trên kênh CBS, từng có sự tham gia của những cái tên biểu tượng của thị trường âm nhạc giải trí thế giới như Beyoncé, Lady Gaga, Madonna, Emma Watson, Natalie Portman, Johnny Depp ...).
Cô đã được đề cử giải Grammis (tương đương với giải thưởng Grammy dành cho các nghệ sĩ Thụy Điển) hạng mục Nghệ sĩ mới của năm và Nghệ sĩ hip hop/soul của năm. Cô cũng từng viết nhạc cho chương trình truyền hình nổi tiếng Shake it up.của Disney. Cô nổi tiếng với đĩa đơn Don’t Wait, do Downtown Records phát hành vào năm 2013. Ca khúc Don’t Wait đã đạt 13 triệu lượt xem trên YouTube và tới 70 triệu lượt nghe trên Spotify với hàng trăm bản cover.
Nữ hoàng nhạc soul của Thụy Điển Mapei đã có cuộc trò chuyện với Thanh Niên trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam lần này.
Hãy luôn là chính bản thân mình
Chị được nhìn nhận là nghệ sĩ mang hình ảnh tích cực. Chị muốn truyền tải điều gì đến công chúng qua âm nhạc của mình?
- Nữ ca sĩ Mapei: Thông điệp của tôi là hãy luôn luôn suy nghĩ và làm những điều tích cực, hãy luôn là chính bản thân mình. Tôi muốn nhấn mạnh vào những thông điệp này, vì xuất phát điểm của tôi rất khiêm tốn.
Tôi từng phải rất vất vả để trang trải cho việc học và theo đuổi giấc mơ của mình. Ở thời điểm hiện tại, tôi đã làm được điều tôi mong muốn là chính bản thân tôi.
Bởi vậy, tôi muốn truyền đi thông điệp bằng âm nhạc: Hãy tạo cơ hội cho những người khó khăn được là chính họ và hãy giúp cho họ thực hiện giấc mơ của mình.
Nỗ lực để trở thành một nghệ sĩ có chỗ đứng quả là không dễ dàng gì?
Việc bắt đầu thực sự khó khăn, tôi phải tự làm lấy tất cả mọi thứ. Trước khi facebook trở nên phổ biến như hiện nay, nhiều người sử dụng trang mạng My Space. Trên trang My Space, tôi đã tự đăng tải lên đó thông tin của, những ca khúc, album... Đó là cách tiếp cận của tôi với khán giả. Dần dần, âm nhạc của tôi được đón nhận.
Tôi bắt đầu nhận được lời mời sang lưu diễn tại nước ngoài như Mỹ, Anh… Nhưng đi kèm với sự nổi tiếng là sự phiền toái. Tôi đã nhận ra, khi bắt đầu có danh tiếng, mình phải biết thăng bằng, để giữ đôi chân mình trên mặt đất.
Không muốn trở thành "cỗ máy sản xuất"
Chị là một nghệ sĩ rất chăm chỉ và đều đặn thực hiện các sản phẩm, dự án âm nhạc. Điều gì khiến chị nỗ lực bền bỉ như vậy?
Đó gần như là bản năng. Tôi rất hứng thú khi làm việc. Tôi không biết nếu không làm âm nhạc thì tôi có thể làm điều gì khác nữa. Âm nhạc giống như niềm đam mê hằng ngày mà tôi bị cuốn vào.
Để trở thành nghệ sĩ có chỗ đứng trong ngành công nghiệp âm nhạc, cũng như việc trở thành nghệ sĩ thành danh ở Mỹ hay châu Âu, bạn phải cạnh tranh rất nhiều và cần tạo ra điểm nhấn để khán giả thích thú, cùng với đó là có kết nối với khán giả của mình.
Tuy vậy, tôi không muốn mình trở thành một cỗ máy sản xuất, tôi vẫn muốn là con người mình. Bởi vậy, tôi luôn tạo ra những quãng nghỉ để tái tạo lại bản thân.
Sự thay đổi trong thói quen nghe nhạc của khán giả châu Âu khiến nghệ sĩ cũng phải thay đổi theo?
Xu hướng nghe nhạc trên mạng rất nhiều. Bởi vậy, các nghệ sĩ cũng phải thích nghi với điều đó. Chẳng hạn như khi ra sản phẩm mới, tôi đều cung cấp cho dịch vụ nghe nhạc số Spotify. Đa phần khán giả trẻ bây giờ đều nghe nhạc trên mạng, chỉ có thế hệ khán giả lớn tuổi hơn họ mới thích mua đĩa CD thôi.
Nghệ sĩ nếu làm đĩa CD thì rất ít khán giả mua, còn nếu làm đĩa than thì lại bán được. Hiện nay, có nhiều khán giả thích nghe và sưu tập đĩa than. Bởi vậy, tôi cũng không bỏ qua việc cung cấp những sản phẩm của mình cho những nhà sản xuất đĩa than.
"Một Việt Nam hoàn toàn khác"
Sinh ra ở Mỹ và sau đó chị chuyển đến Thụy Điển sinh sống. Sự dịch chuyển ấy có ảnh hưởng đến âm nhạc của chị?
Tôi sinh ra ở Mỹ, mẹ tôi là người Mỹ gốc Phi, bà đến đến Mỹ vào thập niên 1960. Khi nền kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, mẹ tôi phải làm nhiều công việc khác nhau. Chúng tôi quyết định chuyển đến Thụy Điển vào năm 1993, lúc đó tôi mới 9 tuổi.
Xã hội Mỹ và Thụy Điển gần như là hai thái cực đối lập nhau. Ở Mỹ, cuộc sống ồn ào, vội vã, trong khi đó, ở Thụy Điểm, mọi thứ rất bình lặng, bạn có thể dễ dàng tìm được khoảng không gian riêng của mình nữa. Sự giao thoa văn hóa giữa châu Phi, Mỹ và Thụy Điển trong tôi để lại dấu ấn trong con người cũng như âm nhạc của tôi.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, cảm nhận của chị như thế nào?
Trước khi sang đây, tôi mới chỉ biết đến Việt Nam qua những bộ phim về chiến tranh của Hollywood. Nhưng khi đặt chân đến đây, tôi cảm nhận thấy một Việt Nam hoàn toàn khác, một đất nước hiền hòa, con người ấm áp, những món ăn ngon. Tôi hiểu đây là cơ hội để tôi được tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa và âm nhạc của đất nước xinh đẹp này.
Khi biết tôi sẽ đến Việt Nam biểu diễn, bố tôi đã rất tự hào. Ông nói: nhớ đến thăm các đài tưởng niệm và địa đạo nhé! Đó cũng là những nơi mà tôi muốn đi thăm trong chuyến đi lần này.
Tour diễn của Mapei nằm trong dự án của tổ chức Selam với những hoạt động đưa những nghệ sĩ hàng đầu, tài năng của Thụy Điển đến với công chúng thế giới. “Mapei không chỉ là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của Thụy Điển, mà còn là một tấm gương sáng về sự nỗ lực, một nghệ sĩ mang đến những thông điệp tích cực tới mọi người. Trong 10 năm qua, đã có rất nhiều lời mời Mapei đến biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới, nhưng tiếc là chúng tôi chỉ mới đáp ứng được một phần. Chúng tôi muốn đưa Mapei đến Việt Nam trong bối cảnh nền âm nhạc ở đây đang rất năng động. Đồng thời, chúng tôi cũng đang ấp ủ dự định đưa những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam tới Thụy Điển trình diễn, tạo nên cầu nối văn hóa giữa hai quốc gia”, ông Johan Egerbladh Eurenius, Giám đốc dự án của Selam, chia sẻ. |
Bình luận (0)