Nước Mỹ sau đại dịch

23/01/2023 11:15 GMT+7

Sau hơn 2 năm trải qua đại dịch với khoảng 100 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu người chết, nước Mỹ lại đối mặt với nhiều thách thức mới nhưng dường như cũng tìm thấy “trong nguy có cơ”.

Buổi trưa nắng ngày hè, quán cà phê Starbuck trong khuôn viên sân bay quốc tế Daniel K. Inouye (Honolulu, Mỹ) đông đúc như nhiều quán Starbuck khác trên khắp xứ sở cờ hoa. Lẩn khuất dưới chân những người đứng xếp hàng chờ đến lượt là các ký hiệu quy định giãn cách còn sót lại sau những ngày đại dịch. Thế nhưng, dường như chẳng còn ai quan tâm hay tuân thủ các chỉ dẫn ấy.

Một góc TP.Dallas ở bang Texas

Từ hồi sinh

Trước đó, tôi trải qua 15 giờ vật vã quá cảnh giữa sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) vắng hoe và hầu hết dịch vụ ăn uống đều ngưng hoạt động - trái ngược với thời trước đại dịch Covid-19, rồi bay tiếp 7 tiếng để đáp xuống Honolulu (Hawaii, Mỹ) để lại đặt chân đến xứ cờ hoa sau hơn 2 năm rưỡi.

Đến sân bay quốc tế Daniel K. Inouye (Honolulu) cũng là lúc chiếc khẩu trang đeo suốt hơn 24 tiếng được tháo xuống. Khi đó, tại Mỹ, việc đeo khẩu trang không còn bị bắt buộc. Cùng trên một đường bay, trong khi các chuyến bay của hàng không nhiều nước vẫn áp đặt đeo khẩu trang, thì các hãng hàng không Mỹ lại không bắt buộc. Khi nhập cảnh Mỹ, thủ tục gần như không phát sinh gì thêm, việc kiểm tra tiêm chủng ngừa Covid-19 cũng được kiểm tra nhanh gọn từ sân bay khởi hành. Chẳng những vậy, đến cuối tháng 10 vừa qua, việc đóng dấu lên hộ chiếu người nước ngoài khi nhập cảnh Mỹ cũng không còn.

Người Trung Quốc tấp nập đến chùa cầu sức khỏe trong dịp tết Nguyên đán đầu tiên bỏ hạn chế Covid-19

Khung cảnh nhộn nhịp của những ngày trước đại dịch bao trùm cả sân bay Daniel K. Inouye. Sự hồi sinh hiển hiện khắp các sân bay từ Hawaii đến bờ đông lẫn bờ tây nước Mỹ mà tôi có dịp đi qua gần đây. Không chỉ tại các sân bay, mà trên từng con đường, từng địa điểm du lịch thì không khí nhộn nhịp ngày nào của nước Mỹ đều đã quay trở lại. Những hình ảnh còn gợi nhớ “cơn bão” Covid-19 quét qua nước Mỹ là bình xịt rửa tay sát khuẩn đặt ở một số lối ra vào, hay một vài chỉ dẫn về giãn cách xã hội chưa được xóa đi.

Khung cảnh ấy đang dần xóa nhòa những con số thống kê hơn 100 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong, đã từng ập đến nước Mỹ trong khoảng 2 năm. Nước Mỹ đã hồi sinh!

Nhà Trắng vẫn luôn là địa điểm mà nhiều du khách tìm đến khi ghé thăm thủ đô Washington D.C

N.M.T

Đến đối mặt thách thức

Nhưng khi bệnh dịch không còn là nỗi lo thì sự quan tâm của người dân Mỹ chính là tình hình kinh tế.

“Các loại hũ nhựa dùng để đóng gói thực phẩm chức năng của tôi trước kia chỉ mất 4 - 6 tuần để nhận hàng kể từ lúc đặt, nhưng nay thì có lúc sau 3 tháng vẫn chưa nhận được”. Đó là chia sẻ mà tôi nhận được từ một chủ doanh nghiệp sở hữu một số cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng tại TP.Dallas (bang Texas, Mỹ).

Trong đó, sự gián đoạn của nguồn cung ứng không chỉ trở thành nỗi lo của vị chủ doanh nghiệp trên, mà còn cản trở hoạt động của cả các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ. Một chuỗi các tác động đã gây ra thách thức này. Từ năm 2019, khi đại dịch chưa xảy ra, xung đột thương mại Mỹ - Trung đã phần nào hạn chế giao thương 2 nước.

Đến năm 2020, đại dịch bùng nổ, Trung Quốc vốn là “công xưởng” của kinh tế toàn cầu nhưng thường xuyên “phong tỏa” nhiều khu vực dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung cấp cho nhiều lĩnh vực. Chưa dừng lại ở đó, những lệnh trừng phạt mạnh tay của Mỹ nhằm vào ngành sản xuất linh kiện bán dẫn của Trung Quốc càng gây ra thiếu hụt linh kiện bán dẫn toàn cầu. Nhiều tập đoàn của Mỹ và nhiều nước đã phải cắt giảm sản lượng.

Ở mức tác động rộng hơn, không chỉ giới hạn trong ngành sản xuất, xung đột quân sự ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng cao và tác động cả chuỗi cung cấp lương thực, thực phẩm. Tất cả tạo nên một tác động tổng lực khiến cho lạm phát của xứ sở cờ hoa lên mức cao.

Từ giữa năm 2022, Mỹ đã bỏ quy định đeo khẩu trang ở các khu vực công cộng

Và trong nguy có cơ

Nhưng “Cuộc chơi đang thay đổi!”. Dù thừa nhận những thách thức và khó khăn hiện tại của kinh tế Mỹ, nhiều người trong giới tinh hoa ở thủ đô Washington D.C đều có chung nhận định như vậy khi trò chuyện với tôi.

Niềm tin đó còn đến từ nhiều người kinh doanh tại đất nước này mà tôi tiếp xúc gần đây. Trên đường đi từ TP.Austin đến TP.Dallas (đều thuộc bang Texas, Mỹ), người bạn cũng là dân kinh doanh đã hào hứng cho biết giá nhà cửa ở Texas đang tăng cao. Anh hào hứng không phải vì đang đầu tư vào bất động sản mà vì giá nhà cửa ở đây tăng cao do làn sóng đầu tư, xây dựng nhà máy nên thu hút nhiều lao động về Texas. Apple đã đầu tư cơ sở trị giá hàng tỉ USD vào Austin, trở thành cơ sở quan trọng của tập đoàn này sau trụ sở ở bang California (Mỹ). Rồi hãng xe điện Tesla chuyển trụ sở về Austin và xây dựng nhà máy sản xuất tại đây. Cụm cơ sở của Tesla ở Austin trở thành nhà máy sản xuất có quy mô lớn thứ 2 thế giới và có tận mắt chứng kiến mới thấy cơ ngơi này lớn khủng khiếp thế nào.

Nhưng nếu sự xuất hiện của Apple hay Tesla chỉ là quá trình dịch chuyển trong nội bộ của Mỹ, thì việc Samsung cũng bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn trị giá 17 tỉ USD gần Austin chính là dẫn chứng cho “Cuộc chơi đang thay đổi”.

Sự thay đổi đó chính là chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc, nổi bật là chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn. Nhiều nhà máy sản xuất chip bán dẫn đang được xây dựng ở Mỹ và nhiều nước, chứ không còn khu biệt tại các nền kinh tế Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Riêng Samsung, theo một số thông tin, dự kiến xây dựng đến 11 nhà máy sản xuất chip với tổng trị giá đầu tư lên đến 200 tỉ USD tại Texas. Không chỉ Samsung, Tập đoàn TSMC của Đài Loan, vốn chiếm hơn 50% thị phần ngành sản xuất chip bán dẫn toàn cầu, trong những ngày cuối năm 2022 đã công bố đầu tư thêm nhà máy sản xuất chip thứ 2 tại Mỹ. Như thế, TSMC đã nâng tổng mức đầu tư sản xuất chip tại Mỹ từ mức 12 lên 40 tỉ USD.

Không chỉ tăng cường năng lực tự chủ sản xuất linh kiện bán dẫn, Mỹ sau hơn 2 năm đại dịch cũng đã phát triển nhanh, mạnh mẽ về công nghệ chip bán dẫn. Trong năm 2022, Tập đoàn AMD chuyên về chip bán dẫn của Mỹ đã tung ra thế hệ vi kiến trúc chip xử lý máy tính đầu tiên có tiến trình 5 nm. Rồi Tập đoàn Qualcomm cũng của Mỹ đạt nhiều bước tiến về trí tuệ nhân tạo (AI) cho các nền tảng di động, đặc biệt đáp ứng nhiều nhu cầu cho làm việc tại nhà vốn trở thành một xu thế kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Dường như, từ những khó khăn, thách thức do đại dịch và những tác động của thế giới, người Mỹ tận dụng cơ hội trong nguy biến và cũng không ngừng phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.