Ông Nguyễn Lân Hiếu: 'Trước dịch mua sắm khó, sau dịch mua sắm còn khó hơn'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/10/2022 16:10 GMT+7

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho biết, việc giải quyết vấn đề ách tắc mua sắm ngành y tế không phải quá khó nhưng cách xử lý còn quá chậm.

Nhiều nơi mua nhiều, không dùng thì hỏng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

gia hân

Sáng 22.10, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đề nghị cần tuyên bố kết thúc dịch Covid-19, chuyển sang giai đoạn mới với các quy định cụ thể để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu dịch bùng phát hoặc dịch khác xuất hiện.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, thuốc, vật tư tiêu hao dự phòng chống dịch đều có hạn sử dụng, cần ra quyết định kết thúc dịch Covid-19 để chuyển nguồn sử dụng trong điều trị bệnh lý khác.

"Theo tôi được biết, hầu hết các tỉnh đều chi khoản tiền rất lớn để mua các thuốc, trang thiết bị, vật tư để dự phòng. Đến tháng 3.2023 tới thì theo thời gian trung bình thuốc sẽ hết hạn. Chúng ta cần chuyển nguồn", ông Hiếu nói và kiến nghị nhiều thiết bị hiện đại như máy thở, ECMO, lọc máu, X-quang di động... cần thống kê, phân bổ sử dụng tránh hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu.

Theo ông, trong thời gian dịch, nhiều nơi mua dồn rất nhiều máy móc, vật tư và hiện nay không dùng thì hỏng. Do đó, cần phải thống kê lại rồi chia cho các địa phương, các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía bắc.

"Tôi có đi kiểm tra các tỉnh miền núi phía bắc trong đại dịch chưa kịp mua, trong khi miền Nam rất nhiều máy móc được mua, chuyển vào đó. Các bệnh nhân Covid-19 sẽ được khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế như các bệnh lý khác thông thường để cho các bệnh viện chủ động thanh toán, không dùng tiền ngân sách hiện nay nữa. Đó là điều các bệnh viện đang rất cần", ông Hiếu đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Gần 40.000 viên chức, công chức thôi việc sau 2 năm; chủ yếu trong lĩnh vực y tế và giáo dục

"Bộ khó đằng bộ, sở khó đằng sở"

Vấn đề mua sắm thuốc men, hóa chất, vật tư tiêu hao trong ngành y tế, ông Hiếu nói, bản thân là giám đốc bệnh viện trực tiếp đương đầu với khó khăn này, ông thấy việc giải quyết không phải quá khó nhưng cách xử lý còn quá chậm, ảnh hưởng đến sự chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nguy cơ tạo nên hệ lụy khôn lường.

Ông Hiếu phân tích, việc không mua sắm được dẫn đến các bệnh viện không có thuốc, dư luận đẩy cao vấn đề, rồi chính các hãng thuốc sẽ rời khỏi Việt Nam, không tham gia cung cấp trang thiết bị.

"Hiện nay, trang thiết bị không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang vướng mắc vì chiến tranh, ảnh hưởng của dịch. Do đó, cần nhanh chóng sửa chữa những bất cập rõ ràng", ông Hiếu đề nghị.

Ông Hiếu cho hay, hiện có rất nhiều câu hỏi là trước dịch mua thuốc, vật tư trang thiết bị không vấn đề gì nhưng hết dịch mua lại khó, song điều này không đúng.

"Trước dịch đã khó rồi mà sau dịch còn khó hơn vì những thông tư, nghị định vừa mới ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sắm. Như Thông tư 14 năm 2020 về đấu thầu trang thiết bị y tế, Nghị định 98 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu đề xuất, hình thức đấu thầu hóa chất, vật tư hiệu quả nhất lúc này, theo ông là quay lại cái cũ, tức là giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng chứ không đấu thầu tập trung.

"Tất cả các nơi đều khó khăn. Bộ khó đằng bộ, sở khó đằng sở nên cần giao lại cho các đơn vị sử dụng trực tiếp đấu thầu, chịu trách nhiệm cá nhân chứ chúng ta lại sợ trách nhiệm, đẩy lên trên", ông Hiếu nói và dẫn ví dụ một sở y tế có hàng chục nghìn mặt hàng để đấu thầu nhưng chỉ 1 - 2 mặt hàng tra nhầm giá, thông tin thế là dừng lại cả chục nghìn mặt hàng khác.

"Như vậy không kịp để phục vụ người dân. Bệnh viện là người sử dụng trực tiếp nên sẽ hiểu rõ nhất nhu cầu, số lượng, chất lượng những mặt hàng cần mua", ông Hiếu nói.

Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, các thông tư của Bộ KH-ĐT cũng cần quy định rõ ràng, cụ thể để các bệnh viện có tiêu chuẩn, tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thầu, để lựa chọn được hàng hóa tốt nhất.

"Hiện nay, quy định rất chung chung chủ yếu dùng giá để khống chế nên nhiều khi mua hàng giá rẻ, chất lượng không cao. Chúng tôi đang gặp vấn đề hàng tốt đắt tiền, hàng không tốt bằng sẽ rẻ tiền hơn", ông Hiếu cho hay.

Theo ông Hiếu, tình trạng hiện nay là nếu đưa vào tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu mà rõ ràng quá lại vướng vào thông thầu. Do đó, việc Bộ KH-ĐT hướng dẫn cụ thể sẽ giúp các bệnh viện có thể đấu thầu tốt hơn.

"Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, gây ra mất uy tín, suy giảm chất lượng của hệ thống y tế. Chúng ta đã có Bộ trưởng Bộ Y tế mới nên trong giai đoạn tới cần nhanh chóng từ nay đến cuối năm các thông tư, nghị định phải sửa để ngành yên tâm công tác", ông Hiếu đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.