Ngày 18.11, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và chúc mừng GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhân ngày Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
Trò chuyện với GS.TS Trần Hồng Quân, ông Võ Văn Thưởng chia sẻ: “Trải qua nhiều cương vị, nhiều giai đoạn, thầy luôn dành cho các thế hệ học trò, ngành giáo dục, sự nghiệp giáo dục những đóng góp rất to lớn. Lúc ở cương vị Bộ trưởng cũng như khi về nghỉ chính sách, thầy vẫn dành thời gian, tâm huyết góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục. Gần đây thầy còn hoạt động tích cực trong Hiệp hội các trường ngoài công lập, góp sức nhiều trong các hội thảo, hội nghị, có góp ý kiến cho việc xây dựng chính sách, phát triển đội ngũ, chăm lo cho thế hệ sinh viên, học sinh”.
Ông Thưởng nói tiếp: “Nhân dịp này, em thay mặt cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Chính phủ đến thăm và chúc thầy cô luôn mạnh khỏe và mong rằng thầy tiếp tục đóng góp những kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước”.
|
So với “thiên hạ” để thấy mình ở vị trí nào trong cuộc đua
Cũng trong buổi trò chuyện, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết từ xưa đến giờ, Đảng rất quan tâm, cứ một hoặc 2 nhiệm kỳ, Trung ương đều có nghị quyết, mỗi nghị quyết nêu ra những vấn đề quan trọng. Theo đánh giá chung của dư luận và các nhà nghiên cứu thì nghị quyết nêu ra được những vấn đề chiến lược, rất đúng, rất trúng và nếu thực hiện tốt thì sẽ tạo ra những động lực để phát triển đất nước. Nhưng trong quá trình thực hiện, nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, các nhà quản lý, trong đó ý kiến đánh giá tốt cũng có, băn khoăn cũng có, chưa hài lòng cũng có. Điều đó thể hiện tâm lý chung là đòi hỏi nền giáo dục nước nhà phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Trước những chia sẻ nói trên, GS.TS Trần Hồng Quân bày tỏ lời cám ơn sự quan tâm của Đảng và nhà nước đã ghi nhận những đóng góp của cá nhân. Ông nói: “Giáo dục liên quan đến mọi gia đình nên có rất nhiều ý kiến, vừa lòng có, không vừa lòng cũng có. Mà không vừa lòng thì đương nhiên không thể tránh được tại vì có sự quan tâm, có trăn trở thì thấy chưa thỏa mãn. Thực ra giáo dục cũng đã đạt được thành quả tốt. Nhưng đặc biệt trong giai đoạn này, giáo dục đòi hỏi hết sức cố gắng, cố gắng tối đa. Nếu so mình với mình thì lúc nào cũng thấy mình tiến bộ, nhưng phải so với “thiên hạ” để thấy mình thế nào trong cuộc cạnh tranh, ở vị trí nào trong cuộc thi đua đó mới là quan trọng. Tôi e rằng mình phải cố gắng rất nhiều, ở nhiều lĩnh vực cần thể hiện qua sức mạnh trí tuệ”.
Cần đầu tư nghiên cứu giáo dục phổ thông
GS.TS Trần Hồng Quân cũng nói thêm, giáo dục phải tăng tốc thì mới giúp cho đất nước tăng tốc được. Ông nhìn nhận, trong nghị quyết đưa ra các yêu cầu, mục tiêu thì tốt nhưng giải pháp chưa đủ mạnh và khi thực hiện giải pháp lại càng không đủ mạnh. Mong nhà nước triển khai các chương trình cụ thể hơn, đến nơi đến chốn.
Ông Quân nói về giáo dục phổ thông: “Ta với thế giới khác nhau nhiều lắm. Bây giờ mới thấy cách tổ chức giáo dục phổ thông nước ta khác với các nước khác rất nhiều. Đưa học sinh phổ thông ra thi với học sinh các nước khác, thí dụ về toán, thì học sinh mình giỏi, thậm chí còn giỏi hơn. Nhưng đào tạo một người cơ bản, thí dụ trong tư duy phải tự chủ, tự mình chinh phục kiến thức, tự biết nghiên cứu thì các nước khác họ làm từ lớp 1 trong khi mình chỉ đào tạo cho học sinh học và biết chấp nhận. Do đó tôi nghĩ là sắp tới phải đầu tư có chiều sâu và đầu tư cơ bản cho nghiên cứu giáo dục phổ thông”.
Bình luận (0)