|
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 8: Tiến vào Sài Gòn
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 7: Lọt vào mắt xanh CIA
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 6: Chiến dịch Mậu Thân
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 5: Chiến thắng Ấp Bắc
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 4: Đơn độc trong vùng nguy hiểm
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 3: Bắt đầu cuộc sống kép
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 2: Tìm đường đến Mỹ
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 1: Sứ mệnh bắt đầu
Ẩn không bao giờ có thể bỏ lại mẹ già ở Sài Gòn, nhưng ông lo rằng Đảng có thể chỉ đạo ông di tản cùng người Mỹ. Điều đó có nghĩa là ông sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình tại Mỹ, một điều đối với cá nhân ông chẳng có ý nghĩa gì cả. Để dự phòng cho mọi tình huống, ông đã tìm cách liên hệ với người em trai ở Cần Thơ, cách Sài Gòn về phía nam vài giờ chạy xe, để xem ông này có thể lên Sài Gòn chăm sóc người mẹ hay không. Tuy nhiên, ông em không biết chắc là mình có thể lên Sài Gòn trước khi Ẩn ra đi hay không, trong trường hợp có lệnh từ Hà Nội phải di tản.
Một ngày sau khi ông Thiệu ra đi, vợ và bốn người con của Ẩn rời Sài Gòn trên một chuyến bay của đài CBS News cùng với ba mươi chín thành viên của tờ Time. “Mỗi người chúng tôi được phát một túi xách nhỏ của hãng hàng không Pan Am để đựng ít quần áo, tất cả chỉ có vậy,” Hoàng Ân, người con trai lớn nhất của ông, nhớ lại.
Ẩn nói với các đồng nghiệp rằng ông không thể rời xa mẹ mình. “Trong đời, bạn chỉ có một người mẹ và một người cha, mà người Việt chúng tôi không bao giờ bỏ cha mẹ lại như vậy; bổn phận của con cái là phải chăm sóc cho cha mẹ. Cha tôi đã chết trên tay tôi tại nhà; nên tôi không bao giờ bỏ má tôi ở lại một mình, còn má tôi thì cũng sẽ không bao giờ rời Việt Nam”. Sau khi dàn xếp mọi chuyện ổn thỏa, Ẩn nói với những người gần gũi với mình rằng ông sẽ tìm cách để đoàn tụ với gia đình tại Mỹ. Ông rất cảm kích khi gia đình mình sẽ được bình an và rằng tờ Time đã lo mọi thứ.
Điều mà Ẩn không hề biết lúc bấy giờ đó là trong Quân ủy Trung ương thuộc Bộ Chính trị đã có những sự cân nhắc nghiêm túc về khả năng điều Ẩn tới Mỹ để tiếp tục làm nhiệm vụ. Cuối cùng thì chính đại tướng Dũng đã quyết định rằng Ẩn nên ở lại Việt Nam. “Anh Ẩn là vốn quý của đất nước, anh ấy làm tình báo mấy chục năm rồi, bây giờ mà tiếp tục khai thác nữa thì với khả năng và điều kiện của mình, anh ấy vẫn phát huy tác dụng rất tốt, nhưng quá trình ra nước ngoài rất dễ bị lộ, lúc ấy tổn thất là rất lớn”. Người đã tuyển mộ Ẩn, ông Mười Hương, thấy tiếc về quyết định này. “Thú thật, xét về mặt tình báo thì tôi rất tiếc. Anh Ẩn mà tiếp tục ra nước ngoài thì sẽ phát huy tác dụng rất tốt”. Tôi đã hỏi ông Mai Chí Thọ về ý tưởng tiếp tục triển khai nhiệm vụ cho Ẩn và ông cho biết: “Về mặt công việc, đấy là một ý tưởng hay. Vỏ bọc của ông Ẩn vẫn còn nguyên vẹn, ông ấy được người Mỹ tin tưởng, và ông ấy cũng đã chuẩn bị lên đường, sẵn sàng lên đường. Nhưng cần đánh giá theo hướng ngược lại: ông ấy luôn sẵn sàng một cách chuyên nghiệp, nhưng những điều kiện khác cũng cần phải được xét tới. Ông ấy đã cống hiến quá nhiều rồi”.
Khi tôi đề cập với Ẩn khả năng tiếp tục sứ mệnh tình báo ở Mỹ, ông đã nhấn mạnh rằng ông coi đấy là một hành động quá lo xa. “Tôi thực sự không biết họ còn muốn gì ở tôi nữa. Có lẽ họ hy vọng rằng các nguồn tin sẽ giúp tôi theo sát được những ý nghĩ bên trong Ngũ Giác Đài, nhưng điều đó khó mà xảy ra bởi rất nhiều đầu mối của tôi lúc bấy giờ đang ở trong trại cải tạo hoặc các khu tị nạn tại Mỹ thì làm sao có thể tiếp cận được cái gì”, Ẩn nói, kèm theo một nụ cười nhăn nhó quen thuộc.
Ẩn có lý do chính đáng để lo sợ cho cuộc sống của ông. Bạn thân của ông là Vượng từng làm việc cho CIA và đã sắp xếp để ra đi, vì biết rõ kết cục nào sẽ đến với những người đã cộng tác với Mỹ dài lâu. Vượng khuyên Ẩn nên đi bởi vì ông là phóng viên miền Nam Việt Nam nổi tiếng nhất từng làm việc cho người Mỹ. Nhiều năm trước đó, Vượng từng thất bại khi cố gắng chiêu mộ Ẩn cho CIA, và chỉ với mối quan hệ đó của Ẩn cũng đủ để cho Cộng sản nhốt ông trong một thời gian dài. “Tôi không biết người Cộng sản và họ cũng không biết tôi”, Ẩn giải thích. “Tôi sẽ làm gì khi có một cán bộ chĩa súng trường vào mình? Tôi không thể nói, “Xin chào mừng, tôi đã chờ đợi hai mươi năm rồi, nhiệm vụ của tôi vậy là kết thúc”. Tất cả những gì tôi muốn là trở thành một chàng Tarzan, ra đi cùng với Jane và lũ thú cưng của tôi, và được yên tĩnh. Tôi đã quá mệt mỏi. Tôi không thể nói với họ về nhiệm vụ của mình bởi họ có thể cười và bắn chết tôi lúc đó như một thằng điên, sinh ra tại nhà thương điên ở Biên Hòa. Tôi sẽ phải hợp tác và hy vọng câu chuyện của tôi sẽ tới Sài Gòn sớm. Bên cạnh đó, tôi biết rằng khi an ninh hỏi về người vợ và gia đình mà tôi đã gửi sang Mỹ, họ sẽ không bao giờ tin rằng tôi đứng cùng phe với họ. Họ có thể sẽ khử tôi chỉ để giết thịt lũ chó của tôi làm thức ăn cho bữa tối"…
David Greenway nhớ lại rằng “trong cơn hỗn mang ở thời khắc sau chót của nền cộng hòa, Ẩn là người Việt Nam cuối cùng tôi gặp trước khi bước lên chiếc trực thăng ở Đại sứ quán Mỹ, bay trên những đường phố ướt sũng nước mưa và ánh lửa nhoàng lên từ những vụ thiêu hủy đạn dược ở đằng xa”.
Larry Berman
Người dịch: Đỗ Hùng
Bản quyền và Thực hiện: First News - Trí Việt
Bình luận (0)